Triều Tiên nối lại đường dây nóng đối thoại với Hàn Quốc

Thứ năm, 04/01/2018 11:41

Ngày 3-1, Triều Tiên đã nối lại đường dây nóng liên lạc ở biên giới với Hàn Quốc vốn bị ngưng trệ trong suốt 2 năm qua, bước đột phá ngoại giao quan trọng sau 1 năm thù địch leo thang. Động thái này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Ban Tổ chức Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 hoan nghênh Triều Tiên tham dự.

Diễn tiến quan trọng

Yonhap dẫn thông tin từ kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng mở lại đường dây đối thoại với Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom lúc 15 giờ (giờ địa phương) để bắt đầu các cuộc thảo luận về việc Bình Nhưỡng cử phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2 tới.

"Thực hiện chỉ thị của ban lãnh đạo, chúng tôi nối lại đường dây liên hệ với Hàn Quốc một cách chân thành. Chúng tôi thảo luận các vấn đề liên quan đến khả năng cử phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc", ông Ri Son-gwon, người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều của Triều Tiên cho biết. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên có cuộc tiếp xúc đầu tiên qua kênh thông tin liên lạc qua biên giới vào thời điểm đường dây nóng được mở trở lại. "Chúng tôi đã kiểm tra đường dây truyền thông và đang liên lạc với nhau", một thông điệp từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.

Triều Tiên đã đóng hai kênh liên lạc liên Triều vào tháng 2-2016 để phản đối việc Seoul đóng khu công nghiệp chung Kaesong. Các đường dây nóng vẫn chưa bị cắt đứt, nhưng kênh đối thoại không hoạt động do thiếu sự phản ứng của Triều Tiên đối với những nỗ lực liên lạc hàng ngày của Hàn Quốc qua điện thoại.

Sự tiếp xúc giữa hai miền Triều Tiên ngày 3-1 đánh dấu lần đầu tiên trong gần 2 năm qua rằng đường dây nóng trực tiếp tại làng biên giới Panmunjom thuộc khu vực phi quân sự đã được kết nối giữa hai nước. Việc nối lại đường dây nóng liên lạc là bước tiến trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều liên tục bị đình trệ. Tuyên bố này được đánh giá là động thái thiện chí tiếp theo của Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un trong thông điệp năm mới bất ngờ đề nghị đàm phán hòa bình với Hàn Quốc mà mở đầu là việc cử phái đoàn tới dự Thế vận hội mùa đông.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh việc mở lại đường dây nóng với Triều Tiên, gọi đó là bước đi tiến tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên giữa hai miền Triều Tiên bị chia cắt. Thư ký báo chí của Tổng thống, ông Yoon Young-chan, cho biết: "Việc khôi phục các kênh liên lạc có ý nghĩa rất nhiều. Tôi cho rằng việc này phát đi tín hiệu về một động thái hướng tới một môi trường trong đó liên lạc sẽ có thể được thực hiện vào mọi thời điểm".

Ai mạnh hơn?

Trong khi mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đạt những chuyển biến tích cực, quan hệ Mỹ-Triều vẫn "căng như dây đàn".

Tổng thống Donald Trump lại không có dấu hiệu nào làm dịu đi lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Trong bài viết trên mạng xã hội Twitter vào cuối ngày 2-1, ông Trump so sánh kích thước của nút hạt nhân của ông với ông Kim Jong-un. "Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un vừa tuyên bố nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của ông ấy mọi thời điểm. Liệu có ai đó từ chính quyền của ông ấy làm ơn thông báo với ông ấy rằng tôi cũng có một nút bấm hạt nhân", Tổng thống Trump viết. "Tuy nhiên, nút kích hoạt hạt nhân của tôi to hơn và uy lực hơn nhiều so với của ông ấy, và nút bấm hạt nhân của tôi hoạt động!", Tổng thống Trump viết tiếp.

Bình luận của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nhân dịp năm mới 2018, trong đó đề cập tới nút kích hoạt hạt nhân. "Toàn bộ nước Mỹ hiện nằm trong tầm ngắm của các vũ khí hạt nhân chúng tôi và một nút bấm khởi động hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đây là một thực tế, chứ không phải là một lời đe dọa ", ông Kim Jong-un nói. Bình luận về việc Triều Tiên đàm phán hòa bình với Hàn Quốc, mở đầu bằng việc cử phái đoàn tới dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, ông Trump viết: "Người tên lửa bây giờ muốn đối thoại với Hàn Quốc lần đầu tiên. Có thể đây là tin tốt lành, nhưng cũng có thể chưa hẳn là như vậy. Chúng ta hãy chờ xem".

Quan điểm cứng rắn của ông Trump đã được Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ủng hộ. Bà Haley cho rằng, Mỹ "sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên hạt nhân" và Bình nhưỡng cần phải dừng tất cả các chương trình vũ khí hạt nhân như một tiền đề cho bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Nhà Trắng ngày 2-1 tuyên bố sẽ tiếp tục gây "sức ép tối đa" với Bình Nhưỡng để buộc nước này phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi. Chính quyền Trump đã thực hiện chiến dịch gây "sức ép tối đa", bao gồm tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập về ngoại giao để buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Sanders nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi là giống nhau và chúng tôi có chung mục tiêu này với Hàn Quốc, nhưng chính sách và tiến trình của chúng tôi không thay đổi".

AN BÌNH