Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại

Thứ tư, 20/10/2021 09:58

Ngày 19-10, các phương tiện truyền thông đưa tin Triều Tiên sáng cùng ngày đã phóng tên lửa đạn đạo ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước này (biển Nhật Bản).

Bức ảnh do Hãng thông tấn KCNA đăng phát cho thấy Triều Tiên phóng thử tên lửa. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông cáo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nước này cho biết Triều Tiên dường như đã sử dụng tên lửa đạn phóng từ tàu ngầm (SLBM) trong vụ thử tên lửa mới nhất diễn ra sáng cùng ngày. Trong khi đó, hãng thông tấn Kyodo đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tin rằng Triều Tiên đã phóng 2 quả tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản. Theo nguồn tin này, hiện chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại vì vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, đài Sputnik (Nga) thông tin tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay khoảng 430-450km, đạt độ cao 60km. Nếu thông tin này chính xác, có lẽ đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Yonhap cho biết Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng từ một bãi thử gần Sinpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong vào lúc 10 giờ 17 phút theo giờ địa phương. Trong một thông cáo gửi báo giới, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nêu rõ: "Các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành một phân tích chi tiết về các thông tin liên quan".

Theo Yonhap, Triều Tiên không thông báo trước với phía Hàn Quốc về vụ thử tên lửa ngày 19-10. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hai bên tiến hành cuộc điện đàm định kỳ qua đường dây liên lạc nóng trong sáng 19-10, song Bình Nhưỡng không hề đề cập về vụ phóng mới nhất của nước này. Cuộc trao đổi sáng 19-10 giữa hai bên diễn ra chỉ khoảng một giờ trước khi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng vật thể bay từ một địa điểm gần Sinpo, thuộc tỉnh Nam Hamgyong, ra vùng biển phía Đông của nước này.

Liên tiếp thử tên lửa đạn đạo

Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên bị cấm thực hiện các vụ thử hạt nhân. Các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an cũng cấm Triều Tiên phát triển và thử tên lửa đạn đạo. Tên lửa đạn đạo được cho nguy hiểm hơn tên lửa hành trình bởi có thể mang theo trọng tải lớn, có tầm bắn xa và tốc độ nhanh hơn. Chúng có thể chuyển hướng trong quá trình bay. Ngoài ra, việc bay ở tầm thấp đồng nghĩa với việc hệ thống radar trên mặt đất thường chỉ phát hiện ra những tên lửa hành trình trong giai đoạn cuối trước khi chúng tấn công mục tiêu.

Đây là lần thứ hai trong vòng chỉ hơn một tháng Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Ngày 15-9, Triều Tiên đã thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa, một bước đột phá trong chương trình phát triển vũ khí của nước này. Trước đó, vào sáng 13-9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã phóng thử tên lửa hành trình trong hai ngày 11 và 12-9.

Hành động gây bất ổn

Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc cùng ngày bày tỏ "hết sức lấy làm tiếc" về vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 19-10 của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh), NSC đã triệu tập họp ngay sau vụ phóng này. Thông cáo báo chí của NSC nêu rõ: "Các thành viên NSC bày tỏ hết sức lấy làm tiếc vì vụ phóng của Triều Tiên xảy ra vào thời điểm đang diễn ra các cuộc tham vấn tích cực với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các quốc gia lớn khác, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Các thành viên NSC hối thúc Triều Tiên nhanh chóng quay trở lại đối thoại".

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, các quan chức cấp cao của chính quyền Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc điện đàm nhằm thảo luận về các vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa trong khu vực. Thủ tướng Fumio Kishida trước đó đã bày tỏ "đáng tiếc" vì Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, cho rằng các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết quân đội nước này coi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là hành động gây bất ổn, tuy nhiên nó không đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ hay các đồng minh. "Mỹ lên án và kêu gọi Triều Tiên tránh có thêm bất kỳ hành động phá hoại nào nữa", thông cáo của quân đội Mỹ nêu rõ.

Giới phân tích nhận định, một loạt vụ phóng gần đây của Triều Tiên, cũng như việc khai mạc triển lãm quân sự khác thường tại Bình Nhưỡng hồi tuần trước, chứng tỏ nước này có thể khôi phục các hoạt động quân sự và quốc tế sau gần hai năm tập trung các vấn đề nội bộ. Những hoạt động này cũng được xem là nhằm gia tăng sức ép đối với Hàn Quốc và Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đã đình trệ suốt hai năm qua.

AN BÌNH