Triều Tiên phóng tên lửa, Nhật-Hàn “đứng ngồi không yên”
Triều Tiên sáng 2-10 phóng 2 vật thể bay không xác định ra phía biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng thử vũ khí lần thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay. Đặc biệt, vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên vừa xác nhận nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ vào cuối tuần này. Ngay lập tức Nhật Bản và Hàn Quốc đã có phản ứng về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại Seoul ngày 2-10. Ảnh: AP |
NHẬT - HÀN LÊN ÁN MẠNH MẼ
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (ICS), quân đội Hàn Quốc đã phát hiện tên lửa đạn đạo không xác định nêu trên được phóng từ thị trấn duyên hải Wonsan, Đông Bắc Triều Tiên ra biển Nhật Bản vào khoảng 7 giờ 11 (giờ địa phương).
JCS cho rằng đây được cho là loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong. Tên lửa đã bay khoảng 450 km ở độ cao tối đa khoảng 910 km. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 3 năm qua, kể từ ngày 24-8-2016. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa Pukkuksong-1, còn được gọi là KN-11, đã bay khoảng 500 km trên Biển Nhật Bản. Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ phóng tên lửa nói trên của Triều Tiên, trước khi các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington dự kiến được nối lại vào ngày 5-10 tới.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản nhận định, Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa cách nhau chỉ vài phút và quả tên lửa đầu tiên đã rơi xuống vùng biển nằm trong EEZ của Nhật Bản lúc 7 giờ 27 phút. Tuy nhiên, trong phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ sau đó, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng trước đó cùng ngày có thể đã tách làm đôi trước khi rơi xuống khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây Nhật Bản. "Hiện tại, dường như một tên lửa đã được phóng, sau đó bị tách làm đôi và rơi xuống. Chúng tôi đang tiến hành phân tích các thông tin chi tiết".
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản (NSC) sau đó đã họp khẩn để phân tích vụ thử tên lửa của Triều Tiên và bàn cách thức đối phó với vụ việc. Cùng lúc, chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị cho Trung tâm xử lý khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng triệu tập nhóm chuyên gia về vấn đề Triều Tiên để thu thập thông tin và thảo luận các biện pháp đối phó. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Ông Abe cho rằng hành động của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, Tokyo lên án mạnh mẽ vụ việc và sẽ kháng nghị nghiêm khắc với Triều Tiên. Trả lời về các hành động sắp tới, Thủ tướng Abe cho biết sẽ tăng cường liên kết với cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ, để đối phó với vụ việc. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng cho người dân nước này. Trước đó, Thủ tướng Abe chỉ thị cho các lực lượng chức năng nhanh chóng thu thập, phân tích thông tin và sớm thông báo tình hình vụ thử tên lửa của Triều Tiên cho người dân, xác nhận sự an toàn đối với tàu thuyền và máy bay, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.
ẨN Ý CỦA TRIỀU TIÊN
Đây là vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay. Vụ phóng được tiến hành chưa đầy một ngày sau khi Mỹ xác nhận sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên trong những ngày tới, trong khi Triều Tiên cho biết, hai nước nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4-10, sau đó sẽ đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5-10. Các cuộc thảo luận nhằm mục đích thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đã đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Ông Trump hiện chưa đưa ra phát biểu về vụ phóng tên lửa sáng 2-10 của Bình Nhưỡng, tuy nhiên Tổng thống Mỹ đã không đề cao tầm quan trọng của những vụ phóng tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng. Ông nói rõ: "Mỹ và Triều Tiên không có thỏa thuận về việc phóng tên lửa tầm ngắn, và rất nhiều nước khác cũng thử nghiệm những vũ khí như vậy".
Nhiều nhà phân tích cho rằng, có khả năng vụ phóng tên lửa lần này là hành động nhằm giành lợi thế trước cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên với Mỹ sắp tới. Chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington (Mỹ) nhận định: "Dường như Triều Tiên muốn nêu khá rõ lập trường đàm phán của nước này trước khi bắt đầu cuộc đàm phán (với Mỹ). Bình Nhưỡng dường như muốn thúc ép Washington rút lại các yêu sách trước đây về phi hạt nhân hóa hoàn toàn chỉ để đổi lấy cái gọi là những cam kết đơn thuần về dỡ bỏ trừng phạt". Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), Giáo sư Lee Sung-yoon nhận định: "Triều Tiên đã nhiều lần dùng lại chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” nhằm vào Mỹ và đạt thành công lớn". Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đưa ra thời hạn cho ông Trump đến cuối năm nay phải dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ có “hướng đi mới” nếu Mỹ không thay đổi lập trường.
Phản ứng với vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Bình Nhưỡng "kiềm chế những hành động khiêu khích" và tiếp tục nỗ lực tham gia các cuộc thương lượng hạt nhân. "Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu khích, tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong các nghị quyết của HĐBA LHQ, tiếp tục tham gia các cuộc thương lượng thực chất để thực hiện nghĩa vụ đảm bảo hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa", người phát ngôn trên cho biết.
AN BÌNH
MONG MUỐN THỐNG NHẤT BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN CỦA NGƯỜI DÂN HÀN QUỐC GIẢM MẠNH Trong 2 năm gần đây, nhận thức của người dân Hàn Quốc về việc xem Triều Tiên là đối tượng cần phải hợp tác có xu hướng gia tăng, nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến không mấy tích cực về sự cần thiết phải thống nhất hai miền Triều Tiên. Theo "Báo cáo khảo sát định kỳ dự án điều tra thống kê xã hội quốc phòng năm 2018" do Viện nghiên cứu quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) tiến hành trên toàn quốc từ ngày 12-9 đến 5-10-2018, ý kiến cho rằng "cần phải thống nhất" đạt tỷ lệ 50,8%, giảm 10,8% so với năm 2016 (61,6%). Trong khi đó, số ý kiến trả lời "không nên thống nhất" là 47,3%, tăng 11,3% so với năm 2016 (36%). B.N |