Triều Tiên phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung

Thứ sáu, 07/04/2017 09:19

(Cadn.com.vn) - Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Hội nghị Thượng đỉnh tại Mar-a-Lago lần này là cơ hội để phá băng quan hệ song phương.

Cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida vào ngày 6-4 (sáng 7-4, giờ Việt Nam) mở ra câu trả lời quan trọng cho câu hỏi: liệu hai nhà lãnh đạo có thể vượt qua những khác biệt to lớn, nhất là vấn đề Triều Tiên, và thúc đẩy quan hệ song phương.

Đối với Tổng thống Trump, hội nghị tại Mar-a-Lago lần này là cơ hội để phá băng quan hệ song phương. Đối với Chủ tịch Tập, các cuộc đàm phán không kém phần quan trọng, vì ông hy vọng sẽ chứng minh khả năng nắm bắt mối quan hệ với ông chủ mới của Nhà Trắng. Giới quan sát cho rằng, cuộc họp này cũng chính là canh bạc lớn đối với cả hai nhà lãnh đạo khi nội dung ưu tiên trên bàn hội đàm là các vấn đề gây tranh cãi, từ chương trình làm giàu hạt nhân của Triều Tiên cho đến thương mại và biển Đông.

Tổng thống Donald Trump (trái) sẽ tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago.
Ảnh: AFP

Có giải quyết được vấn đề Triều Tiên?

Ngay cả trước khi Triều Tiên phóng tên lửa hôm 5-4, chương trình vũ khí hạt nhân của nước này vẫn luôn là chủ đề nổi bật trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập.

Tình báo Hàn Quốc cảnh báo, Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần 6 trong dịp này để “làm lu mờ” hội nghị ở Mar-a-Lago. Đây là chiến thuật tái diễn của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un như hồi tháng 2, thử tên lửa khi Tổng thống Trump gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Mar-a-Lago. Việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân có khả năng tấn công đến lãnh thổ Mỹ là vấn đề bức xúc nhất của Nhà Trắng. Tổng thống Trump thề sẽ không bao giờ cho phép Bình Nhưỡng phát triển năng lực hạt nhân.

Vấn đề đặt ra là ông Trump nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên - nói rằng Bắc Kinh có thể hạn chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng đã không làm như vậy. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ “hành động một mình” trong vấn đề Triều Tiên nếu Bắc Kinh tiếp tục không làm gì.

Thương mại và biển Đông

Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về các chính sách thương mại bất công và cáo buộc Bắc Kinh hạ giá đồng nội tệ nhằm tạo lợi thế bất công cho xuất khẩu. Ông chủ Nhà Trắng còn ám chỉ sẵn sàng sử dụng các vấn đề thương mại để mặc cả nhằm ép Trung Quốc phải tăng cường hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Và những tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này chắc chắn sẽ chi phối bàn hội đàm tại Mar-a-Lago.

Một vấn đề không thể không nổi lên trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này là tranh chấp ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt vì tuyên bố chủ quyền vô lý và các hoạt động cải tạo đất trái phép. Theo giới quan sát, đây được cho là điểm nóng có thể dẫn đến xung đột giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn rêu rao rằng, những cơ sở mà họ xây dựng trên các đảo ở biển Đông “chủ yếu nhằm các mục đích dân sự” và họ không làm gì trái phép.

Và vấn đề đặt ra là chính quyền Tổng thống Trump – dù đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc – nhưng cho đến nay vẫn do dự trong việc đưa ra kế hoạch đối phó những hành động nói trên của Trung Quốc.

Liệu có kết quả gì?

Tổng thống Trump bước vào cuộc họp vẫn với lối nói chuyện cứng rắn. Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Trump dự đoán về “những khó khăn” khi gặp người đồng cấp Tập Cận Bình.

Trên Twitter, ông Trump viết rằng, cuộc họp vào tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn do tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng - vấn đề mà ông đổ lỗi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước. Ông cũng cho biết đã mất hết kiên nhẫn với Trung Quốc về Triều Tiên.

Với sự khác biệt vẫn còn hằn sau như thế này, giới quan sát cho rằng, cuộc gặp Trump-Tập lần này sẽ không mang lại nhiều kết quả như mong đợi.

Khả Anh