Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H: Vẫn còn nhiều hoài nghi

Thứ năm, 07/01/2016 08:44

(Cadn.com.vn) - Đây là lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H), làm leo thang đáng kể những thách thức vũ khí hạt nhân từ nước này.

Trong thông báo chính thức trên Đài Truyền hình Trung ương, Triều Tiên ngày 6-1 khẳng định đã tiến hành thử nghiệm “thành công hoàn toàn” một quả bom H - loại bom có sức tàn phá gấp nhiều lần bom nguyên tử.

“Chúng tôi thực hiện thành công vụ thử bom H đầu tiên vào lúc 10 giờ ngày 6-1-2016”, tuyên bố nêu rõ đồng thời nhấn mạnh, vụ thử này đánh dấu bước tiến lớn trong chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tại Triều Tiên, người dân tụ tập tại các khu vực trung tâm, theo dõi thông tin. “Đây là biện pháp tự vệ chúng ta phải thực hiện để bảo vệ quyền sống khi đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân và hành động khiêu khích của Mỹ cũng như để đảm bảo an ninh của bán đảo Triều Tiên”, nữ biên tập viên của Triều Tiên dõng dạc tuyên bố trên Đài truyền hình Trung ương.

Tổng thống Park Geun-Hye ngày 6-1 triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận
về vụ thử của Triều Tiên (ảnh trái) trong khi người dân Hàn Quốc lo lắng theo dõi thông tin
từ quốc gia láng giềng (ảnh phải). Ảnh: Reuters

Nhật - Hàn báo động, LHQ họp khẩn

Các nước mạnh mẽ lên án và cũng tỏ ra đầy hoài nghi sau tuyên bố của Triều Tiên.

Với Hàn Quốc, “đây là thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình thế giới và vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ”. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về vụ thử này. “Chính phủ đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để đảm bảo, Triều Tiên trả giá tương xứng cho các vụ thử hạt nhân mới nhất này”, Tổng thống Park tuyên bố. Nhà Xanh cũng ngay lập tức đặt quân đội trong tình trạng báo động và tăng cường theo dõi các hoạt động của phía Triều Tiên. Seoul cũng tuyên bố hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm “áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả các lệnh trừng phạt bổ sung của LHQ đối với Triều Tiên”.

Tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe ra tuyên bố “kịch liệt phản đối” Triều Tiên, cho rằng, vụ thử này là “mối đe dọa và thách thức nghiêm trọng”. Tokyo tuyên bố đang tìm kiếm một nghị quyết của LHQ nhằm lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đồng thời ám chỉ khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Thậm chí Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên cũng tuyên bố “kiên quyết phản đối” vụ thử này và sẽ trao công hàm phản đối chính thức cho Bình Nhưỡng. Trong khi đó, HĐBA LHQ tổ chức họp khẩn để thảo luận về vụ việc này.

Dù Triều Tiên có bom H hay không…

Theo New York Times, tuyên bố gây chấn động của Triều Tiên được đưa ra khoảng 1 giờ sau khi các thiết bị phát hiện động đất trên toàn thế giới ghi nhận một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Giới chuyên gia cho rằng, động thái này cho thấy đã diễn ra một vụ thử nghiệm tại khu vực này. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho rằng, thiết bị mà Triều Tiên thử có khả năng không phải là bom H.

Theo giới phân tích, thật khó để nói liệu tuyên bố của Bình Nhưỡng có đúng sự thật hay không. Các chuyên gia quân sự cho biết, có thể phải mất vài tuần hoặc lâu hơn nữa mới có thể xác định được liệu Triều Tiên có thử bom H hay không. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Ned Price tuyên bố, các quan chức Mỹ “không thể xác nhận vụ thử nghiệm tại thời điểm này”. Tuy nhiên, ông cho biết, Nhà Trắng hy vọng “Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình”.

Triều Tiên thường xuyên tuyên bố lặp đi lặp lại khả năng hạt nhân của họ trong khi các nhà phân tích luôn chào đón với thái độ hoài nghi. Mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un bóng gió nước này đang sở hữu công nghệ cần thiết để chế tạo một quả bom H. Trong tuyên bố lần này, Bình Nhưỡng khẳng định, vụ thử nghiệm được thực hiện theo lệnh của ông Kim Jong-Un, diễn ra chỉ 2 ngày trước khi ông đón mừng sinh nhật vào ngày 8-1 tới. “Hãy để thế giới thấy rõ một nhà nước mạnh mẽ và tự lực vũ khí hạt nhân”, nội dung bản lệnh viết tay của ông Kim Jong-Un nêu rõ.

…vẫn là thách thức lớn cho Mỹ

Nếu được xác nhận đúng sự thật, đây chính là vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của nước này kể từ năm 2006, làm leo thang đáng kể những thách thức vũ khí hạt nhân trong bối cảnh bàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên vẫn đình trệ.

Đối với chính quyền Tổng thống Barack Obama, vốn đã xoa dịu các mối đe dọa hạt nhân Iran bằng thỏa thuận lịch sử chỉ mới 6 tháng trước, tuyên bố của Triều Tiên đặt ra thách thức hạt nhân to lớn hơn rất nhiều – tại một quốc gia mà Washington luôn “khó với tới”. Triều Tiên cho đến nay vẫn từ chối ngồi lại vào bàn đàm phán như Iran đã làm. Trong khi đó, ông Obama cũng kiên quyết không nhượng bộ. Nhà Trắng tuyên bố sẽ chỉ khởi động lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên nếu không đạt mục tiêu – được tất cả các bên nhất trí – đó là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố thử bom H của Triều Tiên cũng sẽ làm nóng các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ trong thời gian tới khi nhiều ứng cử viên cho rằng, chương trình hạt nhân của Triều Tiên là bằng chứng cho thấy sự yếu kém của Nhà Trắng.

Khả Anh

* Tháng 10-2002: Triều Tiên lần đầu thừa nhận có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.

* Tháng 10-2006: Triều Tiên lần đầu tuyên bố tiến hành thử hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri.

* Tháng 5-2009: 1 tháng sau khi bàn đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bị đình trệ, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2.

* Tháng 2-2013: Triều Tiên thử hạt nhân lần 3

* Tháng 5-2015: Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm một tên lửa phóng từ tàu ngầm, rất khó phát hiện.

* Tháng 1-2016: Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom H.