“Trò chơi vương quyền” và hiểm họa cho giá dầu
Saudi Arabia đang nổi lên như một hiện tượng trên chính trường thế giới khi bất ngờ bắn phát súng mở màn chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Những tên tuổi từng được cho là “bất khả xâm phạm” đã bị sờ gáy. Nhưng nhiều người lo ngại, chiến dịch này có thể là sự khởi đầu của một cuộc tranh giành quyền lực lớn hơn ở Saudi Arabia, làm mất ổn định khu vực và đẩy giá dầu tăng cao.
Sau khi Quốc vương Salman tuyên bố thành lập ủy ban chống tham nhũng, 4 bộ trưởng đương chức, 11 hoàng tử và nhiều cựu bộ trưởng khác đã bị bắt. Thái tử Mohammad Bin Salman, 32 tuổi, người sẽ tiếp quản quyền điều hành quốc gia Vùng Vịnh này khi Quốc vương Salman 81 tuổi thoái vị, được xem là nhân vật đứng sau những động thái mạnh mẽ này của Quốc vương Salman. Đây được đánh giá là nỗ lực nhằm củng cố quyền lực cho gia tộc và những đồng minh của Thái tử Mohammad Bin Salman trước khi chính thức lên nắm quyền.
Đây rõ ràng là vấn đề nội bộ của Riyadh nhưng điều mà người ta quan tâm hơn cả là cuộc khủng hoảng chính trị ở Saudi Arabia có thể gây ảnh hưởng lớn đến giá dầu. Bởi lẽ, là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới và là nước đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bất kỳ sự gián đoạn nào trong sản xuất tại vương quốc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự cân bằng cung cầu toàn cầu đối với mặt hàng này.
Thực tế cho thấy, sau sự kiện rúng động ở Saudi Arabia, giá dầu thô tăng cao kỷ lục trong hơn 2 năm qua trong phiên giao dịch sáng 6-11. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng cao hơn, lên tới 55,82 USD/thùng. Trong khi đó, một không khí ảm đạm hiện hữu ở thị trường giao dịch London.
Lịch sử cho thấy giá dầu thô sẽ tăng khi có bất ổn trong nội bộ Saudi Arabia. Trong khi đó, “trò chơi vương quyền” ở Saudi Arabia chưa cho có dấu hiệu dừng lại. Vụ bắt giữ Hoàng tử Mutaib bin Abdullah, người đứng đầu Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Saudi Arabia, rõ ràng là dấu hiệu cho thấy cuộc tranh giành quyền lực mạnh mẽ hơn và sẽ dữ dội hơn nữa trong những ngày tới.
THANH VĂN