Trở lại Châu Á

Thứ năm, 24/04/2014 11:32

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du 1 tuần đến Châu Á, bắt đầu từ ngày 23-4, của ông chủ Nhà Trắng nhằm trấn an các quốc gia đồng minh trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và hiện thực hóa “giấc mơ Châu Á” của Mỹ.

Thật không may, chuyến công du lần này của ông Obama diễn ra vào đúng thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực do chuyến thăm đền Yasukuni của Nhật Bản và khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4.

Chặng dừng chân ở Nhật Bản của Tổng thống Barack Obama bị phủ bóng đen do các bộ trưởng và 150 nghị sĩ đến đền thờ chiến tranh Yasukuni - biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ. Động thái này đang dập tắt hy vọng làm trung gian hòa giải cho Nhật-Hàn của ông chủ Nhà Trắng khi Seoul gay gắt chỉ trích Tokyo.

Tổng thống Obama đã trở lại Châu Á sau lần trì hoãn đáng tiếc do chính phủ Mỹ
đóng cửa năm 2013. Ảnh: AFP

Trấn an Nhật

Chuyến công du của Tổng thống Obama dù không bao gồm Trung Quốc nhưng cái tên này cứ ám ảnh toàn bộ chuyến đi.

Theo Diplomat, chuyến công du Châu Á quan trọng của ông Obama lần này chắc chắn sẽ tác động lớn đến quan hệ Mỹ-Trung. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng thổ lộ trong hồi ký: “Trong bất kỳ chuyến đi nào đến Châu Á, ngay cả khi Trung Quốc không có tên trên hành trình đó, vấn đề của Bắc Kinh vẫn nằm trong chương trình nghị sự”. Lần này, ông Obama khẳng định, Washington hoan nghênh sự trỗi dậy của Bắc Kinh nhưng với điều kiện không làm tổn hại đến các đồng minh Châu Á của Mỹ. Trả lời phỏng vấn báo Yomiuri, Tổng thống Mỹ đảm bảo với Nhật rằng, những hòn đảo nhỏ trên biển Hoa Đông đang tranh chấp với Trung Quốc, nằm trong khuôn khổ một hiệp ước an ninh song phương, theo đó yêu cầu Washington phải bảo vệ Tokyo.

Tuyên bố của ông Obama không những nhằm mục đích trấn an Nhật và các đồng minh khác mà còn phản bác lại những lời bình luận gay gắt từ hãng Tân Hoa Xã của Trung Quốc, vốn gọi Mỹ là “thiển cận” khi thực hiện chuyến đi này. Một bài toán hóc búa cho ông Obama. Một mặt, ông cần làm dịu bớt những lo ngại của Tokyo và các đồng minh khi đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Mặt khác, ông cũng không muốn làm tổn thương mối quan hệ quan trọng với nền kinh tế lớn nhất Châu Á.

Bản thân Trung Quốc lo ngại Mỹ đang theo đuổi “chính sách ngăn chặn” thông qua mạng lưới các đồng minh Châu Á, một số vẫn đang trong tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh vì thế chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến đi này nhằm đánh giá cam kết của Washington và ý định cho khu vực Châu Á.

7 ngày, 4 quốc gia và hàng loạt vấn đề

Hàn Quốc là chặng dừng chân thứ 2 của ông Obama, sau đó đến Malaysia và Philippines. Trong đó, ông Obama cũng tái khẳng định cam kết đối với an ninh Seoul, và kiên quyết lập trường, “vấn đề hạt nhân Triều Tiên là không thể chấp nhận”.

Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 4 sau khi đe dọa thực hiện những vụ thử hạt nhân “kiểu mới” hồi tháng trước. Washington tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình này đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng không thực hiện bất cứ bước đi nào đe dọa hòa bình khu vực. Đáp lại, Triều Tiên lên án chuyến công du này. Hãng KCNA dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này nói rằng, chuyến đi của ông Obama là “phản động và nguy hiểm” vì nó có thể làm leo thang căng thẳng quân sự và phủ bóng mây đen tối lên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chặng dừng chân được mong chờ nhất của ông chủ Nhà Trắng lần này là đến Malaysia, từ ngày 26 đến 28-4. Bởi lẽ đây là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến Malaysia kể từ chuyến thăm của cố Tổng thống Lyndon Johnson năm 1966. Theo lịch trình, Tổng thống Obama sẽ thăm căn cứ Không quân Hoàng gia Malaysia; tiếp kiến Quốc vương Malaysia; hội đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Razak... Sáng 28-4, ông Obama sẽ chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận doanh nghiệp hai bên  trước khi đến Philippines – một đồng minh thân cận ở Đông Nam Á.

Rõ ràng, dù Trung Đông vẫn thu hút phần lớn sự chú ý của Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine đã nhen nhóm lợi ích của phương Tây, Châu Á vẫn là trọng tâm trong chính sách mới của Nhà Trắng.          

 Khả Anh