Trở lại đồi Thi Nhân

Thứ hai, 26/06/2023 22:16
Cũng đã hơn 10 năm rồi tôi mới có dịp trở lại Quy Nhơn thăm nơi yên nghỉ của thi sỹ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử (1912-1940). Thú vị thay, tôi được gặp lại một con người rất đặc biệt đã tự nguyện gắn bó cuộc dời mình với Ghềnh Ráng - Nơi yên nghỉ của thi sỹ họ Hàn, đó là họa sỹ, bút lửa Dzũ Kha. “Có thể nói, trời sinh Hàn Mặc Tử để cho Dzũ Kha yêu thương và trân trọng. Nhưng cũng có thể nói, trời sinh ra Dzũ Kha là để tôn vinh Hàn Mặc Tử” (Nhà thơ Đặng Vương Hưng).
Nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định.
Họa sỹ Dzũ Kha (trái) tặng sách cho tác giả bài viết.

Hàn Mặc Tử vừa là nhà thơ nhưng cũng là người làm báo, bởi từ những năm 1935 Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử), bút hiệu Phong Trần đã vào Sài Gòn làm báo, cộng tác thường xuyên với trang văn thơ báo Công Luận và Tân Thời lúc bấy giờ. Và cũng từ năm 1935 thơ văn của Hàn Mặc Tử bắt đầu nổi danh.

Trước đó vào năm 1931, cụ Phan Bội Châu chủ nhân Thi xã Mộng Du đã họa thơ và đề cao, sau khi đọc bài “Thức khuya” của Hàn Mặc Tử. “Từ khi về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp bài thơ nào hay đến thế… Ôi! Hồng nam nhạn bắc, ước sao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớn ấy là thỏa hồn thơ đó”.

Nguyên văn bài “Thức khuya” thế này “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/ Thức chỉ mình ta dạ chẳng an/ Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa cọ mài chăn/ Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ/ Buồn giúp công danh dế dạo đàn/ Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ/ Canh năm tâm sự vẫn chưa tàn”. Qua giọng ngâm thơ của Dzũ Kha theo âm vực người gốc bản địa Bình Định ở một không gian rất đặc biệt, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi nhận định của nhà thơ Đặng Vương Hưng: Có lẽ Dzũ Kha là người thuộc thơ Hàn Mặc Tử nhất Việt Nam và anh cũng là người thấu hiểu được nhiều niềm vui, nỗi buồn, đồng cảm được với tâm hồn của Hàn thi sĩ hơn ai hết.

Bút tích bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Họa sỹ Dzũ Kha bộc bạch, sau mấy mươi năm miệt mài gắn bó, tỉ mỉ chép thơ Hàn với cách rất riêng của mình để có danh xưng “Dzũ Kha bút lửa”, anh cũng đã sưu tầm được khoảng 25 bài thơ chủ yếu qua các mối quan hệ người thân của Hàn Mặc Tử mà nhiều người khẳng định đó là thơ Hàn. Như vậy, trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, Hàn Mặc Tử đã sáng tác khoảng 175 bài thơ, có 150 bài được công bố. Song trong suy nghĩ người viết bài này, chỉ cần những gì đã biết về Hàn Mặc Tử hiện nay hay chỉ đôi bài thơ của Hàn cũng đủ để ngưỡng mộ một thi nhân tài hoa như Chế Lan Viên nhìn nhận, đại ý: Tôi xin hứa hẹn với các người rằng mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử ra đi ở tuổi 28 thanh xuân, tuy nửa đời người chưa qua hết nhưng đã để lại cho đời những giá trị thơ văn trường tồn theo thời gian, có những bài đưa vào chương trình văn học như “Đây thôn Vỹ Dạ”, “Mùa xuân chín”… Đặc biệt theo sưu khảo bút tích có chữ viết của Hàn Mặc Tử gửi tại nhà Hoàng Thị Kim Cúc ở Huế, nguyên bản gốc bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” khác với bản đưa sách giáo khoa bởi một từ “ở” trong tiêu đề bài thơ. “Đây thôn Vỹ Dạ”. (Nguyên bản là: “Ở đây thôn Vỹ Dạ”.

Cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử tuy ngắn ngủi nhưng lại gắn liền với những câu chuyện tình cảm động, với những người đẹp của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Theo họa sỹ Dzũ Kha, thì người yêu đầu của Hàn là Hoàng Thị Kim Cúc, người gốc Huế, rồi Mộng Cầm, người gốc Quảng Ngãi, Mai Đình gốc Thanh Hóa. Sau này còn có Ngọc Sương, quê Quảng Ngãi, dì ruột Mộng Cầm, Trần Thị Thương Thương, gốc Huế gọi nhà văn Trần Thanh Địch là chú ruột…

Nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định.

Theo họa sỹ Dzũ Kha, vào cuối đời, bệnh tình Hàn Mặc Tử càng ngày càng nặng. Những người yêu chia xa, Hàn Mặc Tử bị đau khổ về mặt tinh thần lẫn thể xác. Vì vậy nhà văn Trần Thanh Địch muốn an ủi bạn mình bằng cách giới thiệu cho Hàn Mặc Tử một người yêu thơ Hàn. Nàng tên Trần Thương Thương (1926), người Huế, là cháu gọi Trần Thanh Địch là chú ruột. Những bức thơ tình của Thương Thương gửi Hàn Mặc Tử hoàn toàn do Trần Thanh Địch tự phác họa ra. Từ đó Hàn Mặc Tử cứ ngỡ mình đang có người yêu thật sự để cảm khoái tinh thần sáng tác ra những vần thơ nổi tiếng là “Cầm Châu Duyên” và kịch “Quần Tiên Hội”.

Thêm điều nữa, du khách đến Ghềnh Ráng, thăm ngôi mộ của Hàn tại đây không phải ai cũng biết, nơi Hàn Mặc Tử nằm xuống vào ngày 11-11-1940 sau 52 ngày đêm điều trị ở trại phong Quy Hòa, thi sỹ được an táng tại đó. Mãi đến năm 1959 bạn thân của Hàn Mặc Tử là nhà thơ Quách Tấn cùng gia đình mới cải táng mộ về Ghềnh Ráng.

Tròn 40 năm gắn bó, gìn giữ và truyền bá thơ Hàn (1982-2022) Dzũ Kha đã cho ra đời bài thơ bằng cả tấm lòng mình: “Tôi nguyện giữ lửa thơ Hàn/ Thắp Mùa Xuân chín nắng tràn trời xanh/ Bao nhiêu năm ở bên anh/ Câu thơ qua lửa mong manh kiếp người/ Chẳng màng danh lợi với đời/ Mộ Hàn hương tỏa thay lời tin yêu/ Đam mê từ sáng đến chiều/ Dzũ Kha bút lửa nâng niu thơ Hàn…”.

VÕ VĂN TRƯỜNG