Trở lại làng tỷ phú giữa đại ngàn

Thứ ba, 19/04/2016 09:42

(Cadn.com.vn) - Tháng 4-2012, chúng tôi từng có loạt bài phản ánh về việc hơn 60 hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng của dự án thủy điện Sông Bung 4, thuộc thôn 2, xã Tà Pơơ, Nam Giang (Quảng Nam) khi nhận đền bù, hỗ trợ (hơn 100 tỷ đồng)... đã đua nhau xây dựng nhà hàng tỷ đồng và ăn tiêu phung phí. Sau 4 năm, chúng tôi trở lại nơi đây và chứng kiến cuộc sống của người dân đã khác xưa rất nhiều...

Những ngôi nhà tiền tỷ của người dân thôn 2 giờ đã dần phai màu, nứt nẻ theo thời gian.

Một thoáng lên đời

Con đường dẫn vào thôn 2, xã Tà Pơơ men theo lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 vắng hoe. Giữa trưa nhưng làng chỉ có vài người già và trẻ nhỏ. Hỏi ra mới hay phần lớn người dân phải đi rẫy mưu sinh giữa cái nắng như đổ lửa. Cuộc sống hiện tại của ngôi làng hơn 60 hộ dân này dường như trái lập hoàn toàn so với cách đây 4 năm. 4 năm trước, những hộ dân này nhận tiền đền bù từ xây dựng thủy điện Sông Bung 4. Cả thôn lúc đó nhận hơn 100 tỷ đồng tiền đền bù để di dời đến nơi ở mới. Trung bình mỗi hộ nhận khoảng 1,7 tỷ đồng, hộ nhiều nhất hơn 3 tỷ đồng. Nhận xong tiền, hàng chục hộ dân đổ xô làm nhà, sắm sửa nội thất đắt tiền. “Lúc trước tiền nhiều, nhưng giờ ai cũng hết rồi. Hết lâu rồi, phải đi làm mới có tiền. Nhưng giờ đất rẫy ít, người dân phải đi rất xa trên tận những quả đồi cao nên cuộc sống rất khó khăn”, bà Chơ Rum Ớt nói.

Bà Ớt cho biết thêm, gia đình bà nhận hơn 2 tỷ đồng đền bù nhưng đã phải bỏ gần một nửa để dựng căn nhà gỗ hai tầng. Trong đó tiền trả công cho thợ tốn đến 500 triệu đồng. Không chỉ gia đình bà Ớt, chỉ vài tháng sau khi được đền bù, những căn “biệt thự” bằng gỗ mọc lên nhan nhản giữa vùng núi hẻo lánh, cách trung tâm xã gần 30 km này. Thấy hộ này làm nhà hoành tráng, hộ kia cũng đua theo phải làm to hơn. Một số hộ hiếm hoi không nhận được đền bù, bà con cũng góp tiền lại, cho vài trăm triệu đồng để dựng nhà. “Dân trên này thoáng lắm. Mình có tiền chẳng giữ được. Cứ tiêu xài phung phí, giờ thấy cũng tiếc. Giá như ít hôm nữa lại xây thủy điện, rồi dân làng lại chuyển đi nơi khác, được nhận tiền chắc không ai dám tiêu như vậy nữa, có kinh nghiệm rồi”, anh Bríu Đan (29 tuổi) hướng ánh mắt xa xăm về những căn nhà gỗ bề thế đã phai màu sơn.

Hay trường hợp nhà bà BLúp Lết, gia đình nhận được hơn 1 tỷ đồng, theo “trào lưu” ăn chơi của cả làng nên chỉ qua 3 mùa rẫy đã trắng tay. Không có thu nhập, gia đình lại tái nghèo. Lúc có tiền hầu hết dân làng chẳng còn ai thèm đi rẫy, chỉ ở nhà rượu chè say sưa. Một số hộ thì thuê người Kinh dưới xuôi lên làm rẫy. “Tốn kém nhất là làm nhà. Nhận tiền xong thì xuất hiện một số người lên môi giới rồi dẫn một đám thợ ở đâu tới thuyết phục người dân dựng nhà. Đám thợ chỉ khoảng 5 người, gỗ có sẵn, cơm nước gia chủ lo, họ dựng ngôi nhà khoảng 1 tháng nhưng lấy tiền công 500 triệu đồng. Lúc này người dân nhiều tiền, đám thợ ra giá mấy họ cũng đưa”, anh Đan nói.

“Thời huy hoàng của người dân thôn 2 là nhà nào cũng có vài chiếc xe máy đắt tiền. Thanh niên thay xe máy như thay áo. Một số thanh niên xuống Đà Nẵng vào tiệm xe máy thậm chí còn hỏi “xe máy loại này bao nhiêu một chục” để mua cho mỗi người 1 chiếc. Sau khi mua xe máy về, nhiều thanh niên “rửa xe” theo đúng nghĩa đen là mua hàng chục thùng bia về đổ lên xe cọ rửa cho sạch. Một số hộ dân ở đây còn mua ô-tô đi chơi. Tuy nhiên, không lâu sau hết tiền đổ xăng, đành phải bán với giá rẻ gấp nhiều lần”- anh Lập, chủ tiệm tạp hóa gắn bó lâu năm với người dân thôn 2 cho biết thêm.

Bà Chơ Rum Ớt nói về cuộc sống khó khăn của người dân thôn 2 hiện nay.

Tái nghèo

Tiêu phung phí, chẳng mấy chốc dân làng hết tiền, phải tất bật lên rẫy canh tác kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, nơi ở mới này mỗi hộ chỉ nhận được 600m2 đất dựng nhà, 1,5 ha đất rừng để tái sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ông Bhling Chớp, Trưởng thôn 2 cho biết, trong tổng số hơn 60 hộ, những cái tên “đại gia” lần lượt được điểm như: Alăng Pía, Alăng Pắh, Bhriu Bhéh, Bhnướch Ahơi, Zơrâm Tha, Zơrâm Avố… Nhà của họ đều trên 300 triệu, có nhà cả tỷ đồng. Nhưng giờ thì nghèo rồi, đói rồi. Nhân khẩu ngày càng tăng. Mỗi hộ, không cần biết bao nhiêu nhân khẩu, chỉ nhận được 1,5ha đất rừng để tái sản xuất. Một năm trồng được một vụ. Trước đây khi chưa có thủy điện, dân làng làm lúa rẫy dư ăn, vì nhà nào cũng nhiều rẫy. Có nhà làm không hết đất, để tới 4 - 5 năm mới quay lại luân canh. Giờ thì đói. “Gieo 10 ang lúa, nhưng vẫn thiếu ăn những tháng giáp hạt. Nhiều gia đình khác cũng tương tự. Có hộ còn đói kiệt mùa giáp hạt, phải nhờ bà con giúp đỡ. Cuộc sống không còn êm đềm như giấc mơ triệu phú dạo nọ, mà đã tan theo làn khói bếp mỏng manh bay lên trời…”- ông Chớp trầm ngâm.

Theo thống kê của xã Tà Pơơ, năm 2015, chỉ 4 năm sau khi nhận tiền tỷ từ việc đền bù, số hộ nghèo của thôn đã lên đến 21 hộ, chiếm hơn 1/3, số còn lại là cận nghèo. Con số này sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Ông Tơngôl Với, Chánh văn phòng UBND H. Nam Giang cho hay, chính quyền biết việc người dân tiêu xài phung phí nhưng không thể can thiệp. “Người dân lâu nay chỉ sống tự túc, gần như không dùng đến tiền. Bỗng dưng họ nhận được số tiền rất lớn, từ trước đến giờ dân làng lại chẳng đi làm thuê, tự mình làm mình ăn nên không biết quý trọng đồng tiền, dẫn đến tiêu xài phung phí. Chúng tôi biết nhưng không thể can thiệp mà chỉ tuyên truyền thôi”, ông Với nói.

Có thể thấy, do nhận thức của người dân miền núi cao còn hạn chế nên khi cầm tiền tỷ trong tay, miên man trong cơn say mê xài tiền, họ chẳng để ý rằng tiền tiêu rồi cũng có ngày sẽ hết. Và nơi đây không phải là ngôi làng tỷ phú duy nhất ở miền Trung–Tây Nguyên tái nghèo sau “một thoáng lên đời”…

Trần Tân