Trở lại những vụ vỡ nợ ở Pleiku: Lê Thị Mỹ Hồng đã giả mạo chữ ký Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku như thế nào?

Thứ sáu, 25/07/2008 00:00

* Hiệu ứng Domino, nhiều chủ nợ chạy làng

* Hằng đêm xuất hiện các nhóm thanh niên đi đòi nợ bất hợp pháp

(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng các ngày 7, 8, 9 và 18-7-2008 liên tiếp có nhiều bài viết về tình trạng vỡ nợ hơn 310 tỷ đồng tại TP Pleiku, Gia Lai. Trong bài viết này chúng tôi trở lại với những thông tin mới nhất về những thủ đoạn mà kẻ lừa đảo đã dùng để chiếm đoạt số tiền lớn của các nạn nhân đồng thời phản ánh tình trạng vỡ nợ dây chuyền vừa mới xảy ra từ ngày 18 đến 23-7, báo hiệu một cảnh vỡ nợ phức tạp sẽ tiếp tục diễn ra vào thời gian tới.

Th M Hng – K bán tri không văn t

Hiện nay Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt giam Mai Quý Thọ (Thọ và người tình là Mai Diêu Kiều Trinh đã bỏ trốn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 131 tỷ đồng (liên quan đến bà Phan Thị Hồng, trú 40-Lê Hồng Phong, Pleiku). Trong các bài viết trước chúng tôi đã phân tích khá cụ thể về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Với vụ án Lê Thị Mỹ Hồng (1975), giáo viên tổng phụ trách Đội tại P. Đống Đa, Pleiku và chồng là Lê Anh Ngọc (ở 148-Cách Mạng Tháng Tám, TP Pleiku) thì hồ sơ hiện nay đang được VKS TP Pleiku nghiên cứu. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu về mánh lới của Mỹ Hồng và Anh Ngọc, chúng tôi nhận thấy, trong tổng số tiền mà Hồng và Lê Anh Ngọc đã mượn của bà Trần Thị Kim Hoa (ở 80A-Nguyễn Trãi, Yên Đỗ, Pleiku) thì ngoài việc đưa các hợp đồng giả mạo khai thác đá của ông Đ.X.H, giấy mượn tiền của Cao Thị Kim Oanh để xây dựng công trình ở Ialy của Đinh Hữu Phượng và vợ là Đinh Thị Loan làm cầu đường ở ĐăkUy 4, Võ Tính Nghĩa và Phạm Thị Hồng ở Yên Thế để mua bán vàng (xin được khẳng định dứt khoát rằng những loại giấy tờ này đều là giả mạo và những người có tên trong các giấy tờ vay mượn đều không có liên quan gì đến người đàn bà quái quỷ này).

Điều đáng lưu ý là trong các loại giấy tờ giả mạo thì hợp đồng khai thác đá ghi tên ông Đ.X.H và vợ là N.T.T, Hồng cùng chồng là Lê Anh Ngọc đã đưa cho bà Trần Thị Kim Hoa trước khi nhận số tiền 8,9 tỷ đồng 2 ngày. Đây là việc làm lừa dối có chủ định từ trước của Mỹ Hồng và Anh Ngọc để bà Hoa tin rằng Hồng đã đưa tiền cho một người khác làm dự án lớn. Nhưng có một việc làm của Mỹ Hồng và Anh Ngọc khiến dư luận thật sự bất bình và phẫn uất là sau khi chiếm đoạt hơn 41 tỷ đồng của nhiều người, khi đã thật sự bể nợ không còn khả năng thanh toán thì bà Mỹ Hồng cùng chồng đã đưa một bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00389 QSDĐ/71-PK ngày 25-4-2008 do Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku Trần Cây ký.

Giấy chứng nhận này đứng tên Nguyễn Thị Liễu, diện tích sử dụng 457.000m2 tại xã Biển Hồ, Pleiku. Thực chất ông Trần Cây-PCT UBND TP Pleiku - đã có Quyết định số 849/QĐ-CT ngày 29-3-2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho nghỉ hưu từ ngày 1-4-2005. Mỹ Hồng còn cho số điện thoại 09895030... của một người đàn ông tên Trung ở TPHCM. Ông này tự nhận mình là giám đốc một doanh nghiệp và sẽ đầu tư 4-6 triệu USD vào dự án trồng rừng của Mỹ Hồng. Nhưng đến giờ ông Trung đã từ chối vì Mỹ Hồng vỡ nợ. Điều đó chứng tỏ Lê Thị Mỹ Hồng đã lừa cả những doanh nghiệp ở TPHCM về dự án “ma”.

Người đàn bà giả nhân giả nghĩa này cũng đã biết điều gì sẽ đến với mình nên trong tin nhắn gửi cho một chủ nợ ngày 28-6-2008, bà ta xác định mình sẽ bị chung thân hoặc tử hình. Cũng qua tin nhắn, Mỹ Hồng còn than vãn nhờ xin ít sữa uống cho con. Khi làm việc với cơ quan chức năng, Lê Thị Mỹ Hồng còn dò la xem mình sẽ bị nhốt ở Trại tạm giam T20 (CA tỉnh Gia Lai) hay Trại giam Gia Trung (Bộ CA). Phải thấy một điều hết sức phức tạp, đến hôm nay Lê Thị Mỹ Hồng cũng chỉ còn tài sản khoảng vài ba tỷ đồng và chỉ chứng minh được trong số 41 tỷ đồng bà ta đưa cho người khác không quá 10 tỷ đồng. Vậy số tiền hơn 30 tỷ đồng còn lại, vợ chồng người đàn bà “quái kiệt” này hiện nay để ở đâu, sử dụng vào mục đích gì? Chúng tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật ở TP Pleiku khẩn trương làm rõ để xử lý dứt điểm vợ chồng người đàn bà lừa đảo này.

Hiện nay ở TP Pleiku, cứ đêm đêm xảy ra tình trạng các chủ nợ cho nhóm thanh niên đi đến các nhà để đòi nợ, tạo ra cảnh hỗn độn, phức tạp về ANTT mà điển hình là vụ tối 19-7-2008  có hàng trăm người đến vây nhà bà Phạm Thị Én (ở Hội Phú, Pleiku), người ký nhận nợ cùng Mai Quý Thọ 131 tỷ đồng.

Phạm Thị Phượng (vợ Nguyễn Duy Vinh) đang khai báo với CA sau khi chồng bỏ trốn.

Hiệu ứng domino

Ngày 21-7-2008, đồng loạt 11 người đại diện cho doanh nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ ở TP Pleiku, Ia Grai, Kbang, Chư Prông (Gia Lai) kéo đến CATP Pleiku tố cáo Nguyễn Duy Vinh (39 tuổi, ở xóm Mới, làng Mái, IaHrung, Ia Grai) lừa đảo để chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng của họ. Ngày 22-7, chúng tôi tìm tới nhà của Nguyễn Duy Vinh thì xác định Vinh đã bỏ trốn từ chiều 17-7 sau khi đã dùng nhiều thủ đoạn tiếp cận nhiều doanh nghiệp để ứng tiền mua cà-phê. Xin đơn cử vài ví dụ: Lúc 9 giờ 30 ngày 17-7, Vinh đến DNTN Hoa Trang ứng 365 triệu đồng mua 10 tấn cà-phê, cũng cùng buổi sáng 17-7, đến nhà chị Dương Thị Khánh Trang (ở đường Trường Chinh) nhận 200 triệu đồng, đến nhà bà Trần Thị Tiệm (ở 369-Trường Chinh) ứng 358 triệu đồng, đến DNTN Phi Long (QL14, P. Chi Lăng, Pleiku) ứng 178 triệu đồng... Tất cả những nạn nhân này, Vinh đều hẹn đến ngày 18-7 đem cà-phê đến trả nhưng sau đó tắt điện thoại và mất hút.

Ngày 19-7, đồng loạt 12 chủ nợ ập vào tiệm vàng Kim Quy (lô 78-79 Trà Bá, Pleiku) để truy bức bà Đỗ Thị Vân (1978) phải trả cho họ số tiền hơn 600 triệu đồng mà trước đó ít ngày bà Vân tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán. Tìm hiểu chúng tôi được biết, bà Vân hiện còn vay 2 ngân hàng ở TP Pleiku số tiền gần 500 triệu đồng nhưng đến nay cũng không có khả năng chi trả. Một vụ vỡ nợ thứ 2 vào thời điểm trên tại P. Trà Bá, bà Ngô Thị Lựu (1968, ở đường Nguyễn Chí Thanh) tuyên bố vỡ nợ với 2 chủ nợ là 117 triệu đồng cũng gây một cảnh nháo nhào tại địa bàn này.

Ngay cả chủ bán gạo cũng xảy ra vỡ nợ. Ngày 17-7, 11 người ở TP Pleiku làm đơn cấp báo gửi lên CATP tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Việt (ở đường Lê Thị Hồng Gấm, tổ 15, P. Tây Sơn) đã lừa đảo lấy của họ 320 triệu đồng. Họ tố cáo bà Việt đã âm thầm bán nhà rồi ôm tiền của họ bỏ đi nơi khác. Tìm hiểu sự việc này chúng tôi thấy rằng bà Việt chuyên nghề kinh doanh gạo ở Pleiku, bà ta chỉ là 1 đại lý gạo nhưng không rõ vì lý do gì mà hàng chục người cứ đưa gạo tới và sau đó lại bị mất, người mất ít nhất là bà Phạm Thị Cư (ở đường Phạm Văn Đồng) 11,5 triệu đồng, người nhiều lên đến 40-60 triệu đồng như bà Phạm Thị Hoa, Nguyễn Thị Chân (ở đường Phạm Văn Đồng)...

Tuy nhiên, trong hồ sơ chúng tôi còn thấy những khía cạnh khác, trong một số giấy vay nợ tiền do bà Việt ký thì có giấy hứa sẽ thanh toán hết một lần, giấy khác lại ghi trả hằng ngày 1 triệu đồng, có giấy ghi trả dần, hoặc khi cần thì sẽ trả... Tất cả  điều đó đã nói lên rằng việc vỡ nợ này đã có sự dàn xếp của chủ nợ và các con nợ nhưng bất thành.

Hiện nay tại TP Pleiku còn âm ỉ một số vụ vỡ nợ khác, nhiều chủ nợ vì nhiều lý do khác nhau không khai báo, hiện đang tiềm ẩn những nguy cơ cao. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ nần và việc giành giật  tài sản đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật, bất luận dùng hành động bạo lực với bất kỳ lý do gì để đòi nợ là hành động phi pháp, cần phải lên án, đấu tranh và ngăn chặn.

 Cảnh giành giật xâu xé tại nhà bà Phạm Thị Én tối 19-7.

Điều tra: Duy Anh