Trở lại Phước Lộc

Thứ năm, 31/03/2016 09:01

(Cadn.com.vn) - Thôn 8 (xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, Quảng Nam) được biết đến bởi dịch bạch hầu bùng phát giữa năm 2015, trong thời gian ngắn làm chết 4 người. Sau vụ việc này, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều động thái giúp người dân như tiêm phòng cho trẻ, hỗ trợ một số điều kiện để đưa người dân nơi đây đến gần hơn với ánh sáng văn minh. Đúng một năm sau, chúng tôi trở lại Phước Lộc để tìm hiểu cuộc sống người dân có gì đổi thay hơn.

Một thoáng “lên đời”

Được chính quyền địa phương và nhà nước quan tâm, con đường bê-tông chạy từ trung tâm xã đã đến những nóc nhà của thôn 8. Nhà cửa có phần khang trang, sạch sẽ hơn. Nhưng... Mới sáng, Hồ Văn Đời (35 tuổi) đã say bí tỉ, hỏi ra mới biết Đời mới “lên đời” vì được nhận hơn 145 triệu đồng từ tiền đền bù của thủy điện Đắc Mi 2. Đối với người dân nơi “thâm sơn cùng cốc này”, tiền triệu đối với họ là giấc mơ, thế mà bỗng chốc cầm trên tay đến cả trăm triệu. Có tiền, Đời đi mua bia lon về chất chật nhà “nhằm có cái để uống dần”. “Lâu nay nghèo nên mình cứ uống rượu, có tiền thì phải mua bia mà uống chứ”-Đời hồn nhiên. Cả vợ Đời cũng vậy. Hôm chúng tôi đến, hỏi vì sao có cục u trên trán, Đời nói tối qua say quá nên ngã sưng trán. “Không phải mình mình bị thương đâu, cả con vợ nó cũng bị sưng hết cả mắt. Tối qua nhậu xong mình cõng nó về, lên con dốc đầu làng thì bị vấp ngã, cả hai vợ chồng lăn lộn mấy vòng”- Đời kể lại. Vợ Đời đang bế đứa con mới sinh hơn tháng tuổi ngồi bên căn nhà tuềnh toàng, rách nát, khuôn mặt sưng húp.

Vợ con Hồ Văn Đời bên căn nhà tuềnh toàng dù gia đình đã từng nhận được một số tiền lớn.

Theo báo cáo của Trung tâm khai thác quỹ đất H. Phước Sơn, trong đợt vừa qua có đến 47 hộ dân tại thôn 8 được thủy điện Đắc Mi 2 đền bù, hỗ trợ trên 9 tỷ đồng. Trong đó hộ cao nhất trên 470 triệu đồng, hộ ít thì vài chục triệu đồng. Thế nhưng, đồng tiền đến với họ như một giấc mơ và tiêu tan cũng nhanh chóng. Hồ Văn Long nhận được 204 triệu tiền đền bù, anh này liền mua sắm vật dụng trong gia đình và đãi bạn bè làng xóm; còn 100 triệu thì cầm đi Tam Kỳ chơi “để biết thành phố là thế nào”. Ba ngày sau, Long trở về làng với những kiến thức mới mẻ nhưng không còn đồng dính túi. Còn già làng Hồ Văn Sách thì có vẻ biết cách “tiêu tiền” hơn. Với số tiền được nhận gần 100 triệu đồng, già Sách đem gửi ngân hàng. Nhưng chỉ 3 ngày sau lại xuống rút về vì trong nhà không còn tiền tiêu. Đem tiền về, già Sách mua cho đứa cháu chiếc xe máy, mua cho mình con trâu để làm của để dành, số tiền còn lại mua sắm vật dụng trong gia đình. “Già còn tiền của thủy điện không?”, “Tiêu hết rồi”. “Thế con trâu còn không?”. Già cười, chỉ tay lên phía cột nhà, nơi cái đầu trâu được treo trang trọng: “Mình đâm nó để đãi làng rồi”.

Được biết, sắp tới thủy điện Đắc Mi 2 tiếp tục nâng cao trình mực nước dâng lên thêm 6m. Do vậy sẽ có thêm một số hộ nơi đây tiếp tục được nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Và rồi, chính quyền xã lại loay hoay tìm cách để tuyên truyền, thuyết phục người dân sao cho họ tiêu tiền hợp lý. “Xã vận động, hướng dẫn để họ biết cách giữ tiền, tiêu tiền hợp lý. Nhưng mình nói thì nói, còn tiền là của họ, họ tiêu mình không thể cấm được. Điều cốt lõi ở đây do dân trí người dân còn quá thấp”- ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thở dài.

Mới sáng nhưng Hồ Văn Đời đã ngất ngưởng say.

Bệnh tật đeo bám

Cũng vì dân trí thấp nên khi bị bệnh, người dân lên rẫy ở cữ, mua heo đen về cúng; sinh con thì ra bìa rừng... Mới đây, Hồ Thị Thủy (1988) có con trai là Hồ Văn Đún (2 tuổi) bị chứng bệnh “lạ”, cổ sưng phù, giống với triệu chứng của bệnh bạch hầu trước đây. Cả xã nháo nhào, sợ dịch lại tái phát. Vận động, tuyên truyền mãi nhưng Thủy không chịu đưa con đến trạm y tế xã chữa. Cuối cùng, 3 cán bộ xã phải tới tận nhà “áp giải” thì Thủy mới chịu bồng con đi. Ra đến Trạm Y tế nhưng không xác định được bệnh nên phải đưa ra TTYT huyện. Cháu Đún được chẩn đoán mắc bệnh lao hạch, muốn chữa trị dứt điểm phải đưa xuống bệnh viện ở TP Tam Kỳ. Lúc này xã lại vận động cán bộ quyên góp, rồi xin huyện ủng hộ thêm tiền để đưa cho Thủy chữa bệnh cho con. Nhưng cầm hơn 7 triệu đồng trên tay, vài ngày sau Thủy lại ôm con bỏ về vì “thấy đông người quá nên sợ”.

Tại Trạm y tế xã, nhìn Thủy bón từng thìa cơm khô cứng cho con, đứa trẻ lại sốt, cổ họng sưng phù, tấy đỏ, khóc thét, chị Lưu Thị Mười, cán bộ Trạm Y tế xã Phước Lộc ngao ngán: “Mình nói chị ta không nghe, phải nhờ cán bộ người địa phương động viên, khuyên nhủ. Nói muốn con hết bệnh thì phải đưa xuống tỉnh chữa trị, nhưng thuyết phục mãi mà Thủy vẫn không chịu đi”. Cách đây 2 năm, Thủy cũng đã có một đứa con trai 3 tháng tuổi chết do viêm phổi. Mới 28 tuổi nhưng Thủy đã có đến 4 đứa con, mà cha của những đứa trẻ này lại chính là cha dượng của Thủy. “Thủy là con riêng của mẹ với người chồng trước. Mẹ Thủy đi bước nữa với ông Hồ Văn A thì sinh thêm được 5 người con. Năm Thủy 16 tuổi, ông A lại lấy đứa con riêng của vợ và có con chung với Thủy. Cả Thủy, mẹ và ông A đều sống chung một nhà…”- chị Mười cho biết thêm.

Đêm đó chúng tôi ở lại trụ sở UBND xã Phước Lộc, được nghe các cán bộ xã kể những câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình đi vận động, tuyên truyền người dân. Có những đêm cán bộ phải đi bộ hàng giờ để đến các thôn xa xôi của xã để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật. Nhưng khi đến nơi, người dân tắt đèn đi ngủ, họ nói có gì sáng mai cán bộ đến, chứ cả ngày nay đi rẫy mệt rồi. Nhưng sáng mai cán bộ đến thì họ đã ở trên rẫy, nơi cách thôn hàng mấy giờ đi bộ…

Đêm, Phước Lộc bình yên đến lạ. Tiếng máy nổ phát điện inh ỏi trước đây đã không còn, vì cuối năm qua trung tâm xã Phước Lộc đã có điện. Thế nhưng, dường như ánh sáng văn minh vẫn còn rất xa với người dân nơi miền núi cao này...

Trần Tân