Trở lại xóm Mồ Côi

Thứ ba, 01/08/2017 12:11

Xóm Mồ Côi thuở xưa còn gọi là Xóm Chiêu, thuộc khối An Mỹ, P.Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam). Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một trong những vùng căn cứ cách mạng quan trọng, chỉ  với 7 hộ gia đình sinh sống,  nhưng có đến 10 liệt sĩ, 1 Anh hùng LLVTND, 1 Bà mẹ VNAH, 3 thương binh đang được hưởng chính sách của Nhà nước. Trong kháng chiến chống Pháp, xóm Chiêu có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Đến kháng chiến chống Mỹ, xóm Chiêu cũng chỉ có khoảng hơn 40 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông tại vườn nhà. Tuy nhiên, xóm Chiêu nằm ở vị trí trọng yếu nên được chọn làm  "tuyến giao thông mật" của con đường chuyển quân từ vùng Giải phóng của ta đến hậu phương địch ở nội ô Hội An, vì cách xóm Chiêu về phía Tây Nam khoảng 1km là Chi khu Quân sự - Cơ quan quận lỵ Hiếu Nhơn, về phía Đông Nam khoảng 1km là cứ điểm quân sự Lăng Bà Tuấn, phía Đông là cụm đồn cầu Phước Trạch, phía Bắc là thôn Trà Quế (từ năm 1967 đến 1969, một đại đội lính Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh đóng đồn tại đây). Nhiều cán bộ lãnh đạo của TP, tỉnh và các đơn vị bộ đội, du kích địa phương đã được nhân dân xóm Chiêu đùm bọc, nuôi giấu. Trên mảnh đất này đã  diễn ra những trận đánh tiêu biểu như: cuộc tấn công nhà lao Hội An giải thoát 1.200 tù nhân chính trị bị địch giam cầm tại đây vào năm 1967; đánh đồn Trà Quế diệt gọn một đại đội lính Nam Triều Tiên năm 1969;  hai lần tấn công san bằng Cơ quan quận lỵ-Chi khu quân sự quận Hiếu Nhơn năm 1969... Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, xóm Chiêu là nơi tập kết quân của Tiểu đoàn III - Mặt trận 4 tỉnh Quảng Đà, trở thành hậu phương vững chắc đảm bảo công tác hậu cần đồng thời là bàn đạp để lực lượng vũ trang của ta tấn công vào các vị trí địch ở nội ô Hội An trong chiến dịch này. Hồi đó, gia đình cô tôi có người con trai đầu hy sinh trong một trận giao tranh khi còn độ tuổi thiếu niên, chồng của cô thì bị địch bắt đưa đi Côn Đảo đến ngày hòa bình mới trở về...

Xóm Mồ Côi hiện nay.

Giờ đây, trở lại xóm Chiêu (nay là xóm Mồ Côi), cảnh quan đã thay đổi diệu kỳ. Trên những cánh đồng trống trải ngày nào đã hình thành nên những con đường nhựa nối liền với trung tâm TP Hội An. Xóm Mồ Côi trước kia vốn bị xem như một ốc đảo cô lập, nay đã có đường bê-tông rộng thoáng. Nhiều ngôi nhà hiện đại, khang trang phục vụ du lịch theo hình thức homestay mọc lên. Được biết, thời gian vừa qua, bác Tỵ - một cán bộ cơ sở tại xóm Mồ Côi, thương binh loại 3, được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, đã tự nguyện hiến đất vườn nhà làm khuôn viên di tích lịch sử của địa phương theo nguyện vọng của cán bộ và  nhân dân địa phương.

Ghi nhận đóng góp của mảnh đất và con người nơi đây cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, đầu năm 2013, UBND TP Hội An  đã công nhận xóm Mồ Côi là di tích lịch sử cách mạng nằm trong danh mục di tích Lịch sử - Văn hóa của TP và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Hiện xóm Mồ Côi là địa chỉ đỏ quan trọng góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Hội An anh hùng.

TRẦN TRUNG SÁNG