Trở về sau 23 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

Thứ ba, 12/03/2019 18:20

Trở về nhà đã được 2 tuần nhưng căn nhà gỗ cấp 4 tuềnh toàng của anh Trương Công Dần (1963, tại xã Nghĩa Long, H. Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn đông người ra vào. Họ đến thăm hỏi, động viên và chia vui với gia đình khi chị Trương Thị Thìn (1967) mắn trở về đoàn tụ bên người thân sau thời gian dài bị lừa bán sang Trung Quốc.

Chị Thìn ôm chầm lấy chị dâu khóc nức nở.

Không giấu được những giọt nước mắt, chị Thìn vẫn nhớ quãng thời gian 23 năm trước khi chị bị lừa bán sang Trung Quốc. “Đó là ngày 16-3-1997, sau một thời gian tôi bị đau dây thần kinh mà chữa mãi không khỏi. Tôi gặp một người đàn ông nói dẫn đi mua thuốc ở Hà Tĩnh. Do bị đau một thời gian dài không khỏi nên hễ ai chỉ có chỗ lấy thuốc uống là tôi đều nghe theo. Không ngờ đó là ngày tôi bị lừa bán”, chị Thìn ứa nước mắt. Tiếp lời em gái, anh Dần nói: “Hôm đó, Thìn bảo đi mua thuốc ở Hà Tĩnh nhưng rồi biệt tích luôn. Ngày đi, hai đứa con của Thìn còn dại, khóc ngặt nghẽo đòi mẹ nhưng đợi mãi vẫn không thấy Thìn về. Gia đình chúng tôi đi tìm khắp nơi nhưng cũng không có kết quả. Đến mấy năm sau, vì thương nhớ con, mẹ tôi sinh bệnh rồi mất. Trước khi nhắm mắt bà vẫn đau đáu và dặn dò các con phải tìm bằng được Thìn”.

Theo chị Trương Thị Thìn, đó là một ngày trời mưa rất to, nước dâng cao, chị Thìn được vợ của người đàn ông trên đến nhà dẫn đi mua thuốc. Do đường chính bị ngập nước nên hai người đi bộ men theo QL15A khoảng 8km để ra QL48. Ra tới nơi thì có một người phụ nữ khác đứng chờ sẵn ở đó và cho chị uống một cốc nước rồi dẫn chị lên xe khách. “Uống xong cốc nước và lên xe thì tôi không còn nhớ gì nữa. Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi nghe người phụ xe bảo đã đến bến xe ở Lạng Sơn nhưng trong đầu vẫn nghĩ là mình đang đi mua thuốc. Vì cả đời chưa bao giờ đi đâu xa nên tôi không biết Lạng Sơn là ở đâu. Chỉ đến khi, người phụ nữ này giao tôi cho một người đàn ông thì tôi mới thấy nghi ngờ”, chị Thìn nhớ lại.

10 ngày sau, chị Thìn được một thanh niên hộ tống men theo đường rừng vượt biên sang đất Trung Quốc. “Đến đây, tôi cùng 5 chị em khác bị giam lỏng trong 1 căn buồng nhỏ. Ngoài cửa lúc nào cũng có 2 người đàn ông canh chừng. Một 1 tuần sau, chúng tôi được đưa lên xe khách đi thêm 2 ngày đêm rồi bị ép lên một chiếc thuyền và đi hơn 3 tiếng nữa mới tới nơi”, chị Thìn kể.

Sang đến xứ Người, chị Thìn phải lao động cật lực nếu không sẽ bị đánh đập. Hàng ngày có nhiều người đàn ông bản địa đến xem mặt và trả tiền mua từng người phụ nữ. Chị Thìn sau đó được bán cho một người đàn ông tên Năm mua về làm vợ, dù không bị chồng đánh đập nhưng bị quản thúc chặt chẽ. Bất đồng ngôn ngữ, lại không còn một xu dính túi nên chị Thìn đành cam chịu, cố gắng sống, chờ  mong cơ hội trốn khỏi “địa ngục trần gian”. Chị Thìn sinh cho nhà chồng 2 người con, một trai, một gái.

Khi đã tạo được niềm tin từ phía nhà chồng, chị Trương Thị Thìn có cơ hội ra ngoài tiếp xúc với mọi người. May mắn, trong những lần ấy, chị đã gặp được những người Việt đang đi làm ăn ở Trung Quốc rồi gửi thư nhờ người này đưa về quê hương. Sau khi nói chuyện với một người em tên Hùng quê ở Hà Tĩnh, người này đã liên lạc về cho gia đình chị Thìn. Sau đó, người đàn ông này còn đưa câu chuyện của chị Thìn lên mạng xã hội. Khoảng 1 tuần sau, chị Thìn may mắn khi liên lạc được với gia đình.

“Thấy vợ tha thiết muốn về Việt Nam thăm quê, chồng tôi cũng lo lắng lắm. Lo rằng tôi về quê sẽ không sang Trung Quốc nữa nên ban đầu không muốn cho tôi về. Khi có những người Việt Nam bảo lãnh, làm tin ông ấy mới đồng ý. Ông ấy quyết định bán 3 con bò đưa tiền làm lộ phí cho tôi về quê rồi giao hẹn 2 tháng phải quay lại”, chị Thìn cho hay.

Trước khi bị lừa bán sang Trung Quốc, khi đang mang bầu đứa con thứ 2, chồng chị Thìn đã bỏ mặc 3 mẹ con đi biệt tích. Sau 23 năm lưu lạc ở xứ người, chị Trương Thị Thìn trở về quê hương trong sự ngỡ ngàng của người thân. Hiện tại, người con gái út của chị đã lấy chồng, còn người con trai lớn không được bình thường như bao người khác.  “Trở về quê hương, mọi thứ đã thay đổi, mẹ cũng đã mất. Những ngày về quê, tôi chỉ muốn sống với con cái để bù đắp lại những tháng ngày bỏ mặc các con đi lưu lạc xứ người”, chị Thìn tâm sự.

Ông Trương Văn Tám- Trưởng CAX Nghĩa Long cho biết, hiện chị Trương Thị Thìn đã có đơn trình báo lên chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã trình báo lên cấp trên nhưng do quá trình bị lừa bán, chị Thìn không còn nhớ tên tuổi, quê quán cũng như nhận dạng của người này nên rất khó khăn khi xác minh. Trước mắt xã sẽ hoàn thành thủ tục đề nghị hồi phục hộ khẩu, CMND theo nguyện vọng của chị Thìn.

DƯƠNG HÓA