Trong không gian của ký ức

Thứ sáu, 01/01/2016 13:39

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 1-2016, một chương trình nghệ thuật đặc biệt sẽ được trình diễn tại Không gian Hội ngộ Cotic, tác phẩm “Những móng tay lỏng” (tác giả: Mathias Kristersson và Jakob Riis). Tác phẩm này đã có các buổi biểu diễn ở Đan Mạch và Thụy Điển. Tại Việt Nam lần này, tác phẩm sẽ tiếp tục trong cuộc đối thoại với hai nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy và nghệ sĩ hát chèo và ca trù Đoàn Thanh Bình.

Cánh cửa gỗ ở Không gian Hội ngộ Cotic (60-Nguyễn Thái Học, Hội An, Quảng Nam) có gắn bức tranh vẽ những nghệ sĩ tuồng rực rỡ sắc màu, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Nhiều du khách đi qua, đã phải dừng lại trước vẻ đẹp truyền thống đầy sức lôi cuốn ấy.

Không gian Hội ngộ Cotic.

Những hoài niệm đẹp và tinh khiết

Bước vào Không gian Hội ngộ Cotic, những chiếc mặt nạ tuồng với nhiều sắc thái khác nhau được treo giữa ngôi nhà cổ. Ở những góc khác là các mô hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Không gian của nghệ thuật tuồng, hát văn, ca trù và sắp tới sẽ có thêm mô hình chèo, cải lương... được tái hiện thu nhỏ sống động với hình tượng của các nghệ nhân, các loại nhạc cụ được bày biện theo trình tự, lớp lang, giàu tính mỹ cảm. Với những người tạo lập không gian Cotic, nhạc sĩ Trần Xuân Sơn, nhà báo Phan Tấn, kiến trúc sư Nguyễn Quang Huân, chị Trần Khánh Ngọc và nhiều cộng sự khác: Nghệ thuật truyền thống không phải là những gì hời hợt, sơ sài như một số chương trình biểu diễn đã làm công chúng nhầm tưởng và quay lưng. Đó thực sự là vẻ đẹp tinh tế mà thế hệ đi trước đã chắt lọc và đi vào lòng người. Chính vì vậy, để có thể khôi phục nghệ thuật truyền thống cần phải quy tụ được những người giỏi để đem lại vẻ đẹp đích thực cho công chúng thưởng thức...

Họa sĩ trẻ Nguyễn Cao Thắng.

Mang khát vọng ấy, trong thời gian vừa qua, nhóm điều hành Không gian Hội ngộ Cotic đã “đưa về” Hội An một số chương trình nghệ thuật biểu diễn có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giúp công chúng dễ tiếp nhận và có sự đối sánh với văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới. Đó là tác phẩm sắp đặt trình diễn “Bên trong bên ngoài” (biên đạo múa: Marie Fahlin, âm nhạc: The Six Tones và Matt Wright) – một tác phẩm đã được lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Được xây dựng từ việc phân tích những điệu bộ trong biểu diễn âm nhạc truyền thống hiện nay, tác phẩm “Bên trong bên ngoài” đã sắp đặt và trình diễn âm thanh, đưa khán giả tiếp cận với âm nhạc truyền thống Việt Nam từ nhiều cách nhìn khác nhau.  Đó là triển lãm sắp đặt Rằm của tác giả Văn Ngọc – người được biết đến tại Việt Nam và trên thế giới với những tác phẩm điêu khắc sắp đặt trên không gian đa nhiều. Ông đã đem đến không gian Cotic tác phẩm bày tỏ sự quan sát chủ quan về Hội An với những cảm thức thẩm mỹ mới.

Cũng trong năm qua, Không gian Cotic đã giới thiệu, trình tấu nhạc cụ với các bản âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc cổ điển thế giới do ban nhạc The Six Tones thực hiện. Ban nhạc The Six Tones (nghĩa là 6 thanh điệu) gồm các nghệ sĩ tài danh: nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy, nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và nghệ sĩ đàn tỳ bà người Thụy Điển Stefan Ostersjo. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những người tổ chức Không gian Cotic hy vọng sẽ có thể tạo lập được một địa chỉ nghệ thuật nơi người nghệ sĩ có thể trình diễn hết mình với niềm đam mê dành cho văn hóa truyền thống... Và ở đó, công chúng, đặc biệt là trẻ em có thể chạm được vào một hoài niệm đẹp và tinh khiết của văn hóa dân gian, hình thành những mỹ cảm dành cho nghệ thuật không chỉ của Việt Nam mà còn là thế giới.



Những mô hình nghệ thuật truyền thống tại Không gian Cotic.

Nghệ thuật truyền thống được thăng hoa

Điều khá bất ngờ ở Không gian Hội ngộ Cotic đó là tác giả của những bức tranh mặt nạ tuồng hay những mô hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống là một họa sĩ còn rất trẻ - Nguyễn Cao Thắng. Họa sĩ Nguyễn Cao Thắng năm nay tròn 30 tuổi, quê quán ở Bắc Ninh. Anh tâm sự, ban đầu cứ nghĩ sẽ vào Hội An 1, 2 tháng để làm vài việc cho Không gian Hội ngộ, vậy mà rồi anh đã ở đây gần 2 năm, và chắc còn lâu hơn nữa.    Khi được giao trách nhiệm thực hiện các mô hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, anh đọc các tài liệu về từng loại hình, tìm hiểu thuộc tính nghệ thuật, nghiên cứu tổng thể không gian rồi sau đó thiết kế ý tưởng cho mô hình của mình. Với chất liệu đất sét, Nguyễn Cao Thắng đã nặn từng nghệ nhân, nhạc cụ, các hình khối của không gian sân đình hoặc không gian thờ phụng phù hợp với từng bối cảnh nghệ thuật biểu diễn, sau đó thêm thắt các chi tiết bằng vải thêu, hoặc gỗ... Tất cả được anh tỉ mẩn, cẩn trọng để đem lại một không gian nghệ thuật vừa mộc mạc, dân dã của đời sống, vừa sang trọng, tinh tế bởi đậm chất thẩm mỹ.

Nhóm điều hành Không gian Hội ngộ Cotic chia sẻ: Chúng tôi mong muốn tạo dựng một không gian giới thiệu cho khách trong và ngoài nước các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam. Trước mắt là các mô hình tái hiện. Và sau này ở mỗi mô hình, du khách cũng có thể được nghe  tư liệu âm nhạc và hình ảnh đã được lựa chọn kỹ càng để hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật ấy. Du khách cũng sẽ được xem các trang phục sân khấu được nghiên cứu và vẽ lại trên chất liệu giấy dó. Hiện tại, các thành viên của Không gian Cotic đang tích cực hoàn thành dự án này. Họa sĩ Nguyễn Cao Thắng tâm sự, anh không câu nệ khi sáng tạo với những mô hình nghệ thuật truyền thống. Anh cảm nhận rõ và yêu thích cái đẹp dân gian, vì thế anh muốn đem những cảm nhận ấy của mình khi thể hiện những sản phẩm này.

Mang cảm hứng ấy của những người nghệ sĩ sáng tạo, nên Không gian Cotic vừa quen vừa lạ, đầy hấp dẫn cho những ai một lần ghé thăm...

Hải Quỳnh