Trữ súng AK săn bắn thú rừng

Thứ hai, 24/07/2017 13:11

Đến chiều 21-7, cơ quan An ninh điều tra CA tỉnh TT-Huế phối hợp với ĐBP Nhâm thuộc BĐBP tỉnh TT-Huế và chính quyền địa phương đã hoàn tất công tác thực nghiệm hiện trường vụ tàng trữ trái phép súng tiểu liên AK.

2 đối tượng tàng trữ súng tại ĐBP Nhâm.

Thực hiện đợt ra quân cao điểm tuần tra ở mốc quốc giới khu vực 656 và 657 ở vùng giáp ranh biên giới Việt-Lào thuộc địa phận xã Hồng Thượng, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy ĐBP Nhâm đóng tại xã Nhâm (H. A Lưới) phát hiện 2 đối tượng đi bẫy thú, trong đó có một đối tượng mang súng trên vai. Ngay lúc đó, lực lượng phòng chống tội ma túy ĐBP xã Nhâm nhanh chóng tiếp cận, khống chế được 2 đối tượng. Qua kiểm tra ban đầu, loại súng các đối tượng sử dụng là súng tiểu liên AK. Loại súng này được sử dụng trong quân đội nên lực lượng biên phòng đã yêu cầu 2 đối tượng về trụ sở ĐBP để đấu tranh, khai thác. Hơn nửa ngày đường dẫn giải, lực lượng chức năng đã đưa được các đối tượng về nơi làm việc.

Mạnh (trái) và Mai tại thời điểm bắt giữ.

Tại đây, các đối tượng khai nhận là Nguyễn Văn Mai (1964) và Nguyễn Văn Mạnh (1972, trú xã Hương Lâm, H. A Lưới) là anh em ruột. Đại úy Lê Bá Hùng - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ ĐBP Nhâm cho biết, sau một thời gian giám định đã xác định loại súng các đối tượng tàng trữ là súng tiểu liên AK-47, thời điểm bị bắt quả tang trong hộp tiếp đạn có 5 viên. Qua đấu tranh, điều tra ban đầu, 2 đối tượng khai nhận quá trình đi bẫy kẹp thú trong rừng đã nhặt được khẩu súng AK bọc trong túi ni-lông. Ngay sau đó, cả hai quyết định đưa đi cất giấu. Theo Đại úy Lê Bá Hùng, trong 2 đối tượng bị bắt giữ thì Mai có 4 năm đi bộ đội đóng quân tại tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, Mai biết rõ việc tàng trữ súng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thay vì đưa về giao nộp cho chính quyền địa phương, khai báo với lực lượng chức năng.

 5 viên đạn trong hộp tiếp đạn được lực lượng chức năng thu giữ. 

Tại CQĐT, Mai và Mạnh khai nhận, nhặt được khẩu súng vào cuối năm 2016 trong một lần đi rừng gần khu vực Mốc 657 khu vực biên giới Việt-Lào. Thời điểm đó, trong hộp tiếp đạn có 10 viên. Sau đó Mai đưa đi cất giấu ở nơi khác để sử dụng vào việc săn bắn thú rừng. Đến thời điểm bị bắt, Mai đã sử dụng bắn 3 lần, số lượng đạn còn lại 5 viên và 1 viên chuẩn bị lên nòng. Các đối tượng khai mục đích tàng trữ súng là để săn bắn thú rừng và sau khi sử dụng thì cất giấu súng trong rừng. Xét thấy hành vi của các đối tượng rất nghiêm trọng, ĐBP Nhâm đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án “Tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép” và điều tra theo thẩm quyền. Ngay sau đó, đối tượng và tang vật đã được bàn giao cho CAH A Lưới. Theo điều tra ban đầu của CAH A Lưới, ngoài hành vi tàng trữ, còn một số tình tiết cần phải làm rõ nên đã chuyển vụ án  lên Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh.

* Cơ quan An ninh điều tra CA TT-Huế vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ”; đồng thời khởi tố Huỳnh Tấn Long (1975), Hoàng Xuân Giang (1986, cùng trú TX Hương Trà) và Trần Ngà (1982), Nguyễn Thị Mỹ Thuận (1984, trú H. Phong Điền, TT-Huế) về hành vi “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ”. Được biết, các đối tượng trên đã tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép 7,3kg thuốc nổ có nguồn gốc từ phế liệu chiến tranh để sử dụng vào việc đánh bắt cá.  

Theo Đại úy Lê Bá Hùng, khẩu súng Tiểu liên AK này còn rất mới nên khả năng súng còn sót lại trong chiến tranh là thấp. Sắp tới, cơ quan điều tra sẽ xem xét, đối chiếu và xác định nguồn gốc súng này từ đâu mà có. Được biết, Mai và Mạnh là nông dân làm nương rẫy, làm ruộng và thường xuyên vào rừng săn bắn. Đại úy Hùng nói, A Lưới là vùng miền núi đặc thù và trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt. Việc vũ khí quân dụng còn sót lại chắc chắn khá lớn.

Vừa qua, lực lượng BĐBP trên địa bàn cũng đã có nhiều đợt vận động, tuyên truyền và nhờ những già làng thuyết phục, qua đó nhiều người dân đã đem đến giao nộp nhiều loại súng ống, các loại súng tự chế... Vì vậy, qua vụ án này, BĐBP mong muốn người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số khi nhặt được vũ khí, nhất là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì nên đến ngay chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trình báo, nộp lại để không rơi vào vòng lao lý như 2 nông dân nói trên.

H.LAN