"Trùm giang hồ" quy y cửa Phật
(Cadn.com.vn) - Được biết đến như một "ông trùm" khét tiếng trong giới xã hội đen những năm 90 của thế kỷ trước, bỗng "dừng bước giang hồ" trong chốc lát… Điều này làm cho dư luận không tránh khỏi sự hoài nghi và dẫn dắt chúng tôi đến với nhân vật chính của câu chuyện cuộc đời trầm luân của sư thầy Nguyên Phi (1966), hiện là trụ trì chùa Quan Âm Lộ Thiên trên đỉnh đèo Rù Rì, thuộc P. Vĩnh Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Sư thầy Nguyên Phi - trụ trì chùa Quan Âm Lộ Thiên. |
Sư thầy Nguyên Phi tên thật là Trần Văn Oanh, sinh ra trong một gia đình làm nghề buôn bán nhỏ tại TP Nha Trang. Cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, anh chị em của Oanh đều phải bỏ giữa chừng chuyện học hành, bản thân Oanh cũng chỉ học đến lớp 9 phải nghỉ ngang, theo cha mẹ phiêu dạt khắp các ngả đường mua bán hàng hóa kiếm sống. "Lúc đó tôi nghĩ muốn có giàu sang nhanh chóng chỉ có một con đường duy nhất là kinh doanh buôn bán. Đây cũng là nghề mà tôi học được sau quãng thời gian rong ruổi khắp nơi cùng cha mẹ", sư Oanh nhớ lại. Tuy nhiên, hướng đi của Oanh lại rất khác.
Năm 20 tuổi, vay mượn và tích cóp được số vốn kha khá, Oanh chuyển hướng buôn vàng liên tỉnh. "Những năm 90 của thế kỷ trước rộ lên việc mua vàng để đầu cơ tích trữ. Biết sẽ có lãi cao nên tôi quyết chọn con đường này. Ngày đó 1 chỉ vàng mua ở hiệu vàng tại chợ Đầm (Nha Trang) là 400 nghìn đồng. Tôi thường chạy xe lên chợ Đà Lạt bán với giá đắt hơn. Cứ mỗi chỉ lời 2.000 đồng, một lượng thì lời 20.000 đồng. Mua vàng với số lượng lớn nên mỗi chuyến đi thường lời nửa cây vàng" - sư thầy Oanh kể. Bằng cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, Oanh có một số vốn cực kỳ lớn. Cũng trong thời gian này, Oanh cùng giới thương lái "có máu mặt" cũng đánh dằn mặt vài vụ lẻ tẻ đối với những con nợ, khất lần không trả đủ tiền.
Ngay từ lúc cầm trong tay số tiền lớn, Oanh đã nghĩ ngay đến việc cho vay nặng lãi rồi Oanh bị cuốn vào cám dỗ đồng tiền và vòng quay không ngừng nghỉ... Tiếng tăm của Oanh cũng dần "nổi như cồn" sau nhiều vụ xiết nợ, rồi đâm thuê chém mướn. Điển hình như năm 1994, Oanh cùng gần 100 đàn em vác dao và mã tấu phá nát hàng chục tiệm vàng trong vùng; vụ xả dao như mưa vào năm 1996 làm náo loạn cả khu phố chợ Đầm với toán giang hồ cũng được người ta thuê để trả thù vì bị đe dọa... Băng nhóm của Oanh có lúc lên tới gần 400 người, chỉ cần gọi là sẵn sàng. Đa số là những thành phần bất hảo, thuộc hàng có số má.
Theo lời sư Oanh, cam go nhất là cuộc chiến giành giật địa bàn. Năm 1994, sau khi có số tiền lớn, Oanh mở quán karaoke "Giai huynh đệ", thu hút rất đông khách làng chơi, mỗi ngày lời có thể lên 4 - 5 triệu đồng - số tiền quá lớn thời ấy. Tuy nhiên, để tồn tại được là cả một vấn đề. Ngày đó Nha Trang có nhiều băng đảng giang hồ "bảo kê" cho các quán karaoke trong khu vực. Vì thế không tránh khỏi việc giành giật khách dẫn đến nhiều cuộc đụng độ dao kiếm đã xảy ra. Vì vậy, nhiều đàn em của Oanh từng bị khởi tố và rơi vào cảnh tù tội.
Giữa môi trường chợ búa, giang hồ ấy, Oanh trở thành kẻ liều lĩnh bặm trợn khét tiếng trong giới giang hồ. Mặc dù vậy, trong Oanh cũng còn le lói chút lương tri của con người. Bàn tay từng gây nhiều tội lỗi, nhưng tuyệt nhiên chưa hề xuống tay với phụ nữ và trẻ em. Bởi theo sư Oanh, đó là điều tối kị nhất và đáng nguyền rủa nhất của người sống trong giang hồ. "Tôi có một trang trại nuôi bò khoảng vài chục con, giao cho người bạn trông nom. Một ngày, lựa lúc tôi về thành phố trông coi cửa hàng, người ta đã "bán tống bán tháo" và lấy tiền lẩn trốn. Đàn bò sau đó được phát hiện đã bán cho một người đàn bà trong vùng. Thói thường, dân giang hồ tất yếu sẽ "hành xử" theo cách của mình. Nhưng trước một người phụ nữ yếu ớt, không nỡ bắt nạt nên tôi bỏ đi, không đoái hoài đến số tài sản đã mất ấy nữa", sư Oanh nhớ lại.
Nhưng, cuộc đời không phải đóng với tất cả mọi người. Sư Oanh nhớ lại: "Vào một buổi chiều năm 1998, tôi bỗng dưng cảm thấy trong lòng rất buồn bã. Một nỗi buồn vô cớ không biết nguyên do đến từ đâu. Ngồi nghỉ một lát, tôi liền xách chiếc xe Win chạy đi chơi cho khuây khỏa. Rồi không hiểu vì sao chạy thẳng đến nơi này (Chùa Quan Âm Lộ Thiên), bỗng cảm thấy thật thanh thản, thoải mái. Mãi đến 16 giờ, tôi mới ra về. Nhưng chưa kịp bước ra khỏi cửa thì đầu đau như búa bổ, cảm giác như có ai muốn níu giữ lại...
Từ buổi đó, từ giã người vợ hiền và 3 con nhỏ, công việc làm ăn đang phất, Oanh tự nguyện buộc đời mình cùng cửa Phật. "Lúc ấy, người dân trong vùng không ai tin tôi lại mau chóng cải tà quy chánh nhanh đến thế. Nhiều người cho rằng, đó chỉ là sự giả tạo lừa dối, để che đậy những chuyện xấu xa bên ngoài xã hội. Đến mức nhiều lần cảnh sát hình sự, cán bộ chính quyền cũng đến chùa để xác minh. Về sau, họ mới thực sự tin tưởng, động viên tôi ở lại chăm nom chùa" - sư Oanh nhớ lại những ngày đầu lên đất Phật.
Tuy nhiên, muốn dứt bỏ đời thường, nhất là "đời thường" như trùm Oanh không phải dễ. Nhiều "đàn em" lên tận nơi khuyên can và níu kéo. Oanh nhất quyết không chịu. Các băng đảng đối địch cũng vậy, không muốn Oanh quy y cửa Phật. Vào một ngày đầu năm 1999, một băng nhóm khoảng 20 người vác dao, kiếm, mã tấu kéo đến bao vây chùa, sau đó lấy đi hầu hết đồ thờ và lư hương đồng. Quá quắt hơn, chúng còn chém đứt đầu tượng Ông Hổ canh gác nơi cổng chùa. Cực chẳng đã, sư Oanh phải ra mặt. Kết quả sư nhận 27 vết chém lớn nhỏ. Cũng từ sau trận "huyết chiến" đó, ngôi chùa trở thành chốn thanh tịnh, không bị quấy phá và sư Oanh chính thức đoạn tuyệt với bụi trần ai, nguyện một lòng làm đệ tử Phật môn.
Đã 15 năm kể từ ngày gắn bó cùng cửa Phật giữa chốn u tịch, sư thầy Oanh luôn cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng thanh thản, đầy ý nghĩa. Hoàn lương cùng với những việc làm từ bi, cứu độ chúng sinh, dư luận dường như đã hoàn toàn quên đi chân dung của một đại ca khét tiếng trong giới giang hồ với đầy rẫy những lỗi lầm quá khứ.
Ngô Thế Lâm