Trung - Ấn đua đến Bắc Cực
(Cadn.com.vn) - Ấn Độ và Trung Quốc đang đua nhau hiện diện trong khu vực Bắc Cực giàu năng lượng.
Sau thời gian dài thăm dò, Trung-Ấn chính thức hóa mối quan hệ với Hội đồng Bắc Cực (AC) vào tháng 5-2013 khi được kết nạp làm quốc gia quan sát viên.
Kể từ đó, cả hai tích cực tìm kiếm ảnh hưởng với các thành viên thường trực của Hội đồng để thiết lập chỗ đứng vững chắc hơn trong một khu vực nhất định sẽ trở thành trung tâm địa chính trị, nghiên cứu khoa học và thương mại trong thế kỷ XXI.
Từ đó đến nay, Bắc Kinh và New Delhi thường xuyên công bố những báo cáo nghiên cứu biến đổi khí hậu Bắc Cực, song đây là động lực cơ bản đảm bảo tiếp cận kho tàng thiên nhiên lớn nhất của khu vực: năng lượng.
Trong những năm gần đây, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính, Bắc Cực có thể chứa đến 13% lượng dầu dự trữ chưa được khai thác của thế giới - tương đương 160 tỷ thùng - và khoảng 30% nguồn khí đốt tự nhiên chưa được khai thác.
Kết quả là, kể từ khi đạt được vị trí quan sát viên, Trung-Ấn dành đáng kể thời gian quan hệ với các quốc gia giàu năng lượng trọng điểm ở Bắc Cực như Iceland, Na Uy và Nga. Với một nguồn năng lượng dự trữ đáng kể dưới đáy biển, cả hai ông lớn Châu Á ngoại giao gần gũi hơn với các quốc gia này để dễ dàng nhận được nguồn năng lượng xuất khẩu của Bắc Cực trong tương lai.
Một giàn khoan của Cty năng lượng Nga Gazprom tại Bắc Cực. Ảnh: Moscow Times |
Trung-Ấn cấp bách thực hiện nhiệm vụ xuất phát từ thực tế là mỗi nước phải đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng đáng kể trong những năm tới, đe dọa giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế họ đạt được trong những thập kỷ gần đây.
Mặc dù đầu tư cho ngành công nghiệp tái tạo năng lượng trong nước, Bắc Kinh và New Delhi xem nhiên liệu hóa thạch ở Bắc Cực là yếu tố quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, và tăng cường an ninh năng lượng trong nước.
Các sự cố tràn dầu tại Bắc Cực sẽ gây ra những tác động đáng kể, vì nơi đây không có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện có hiệu quả và kịp thời các hoạt động làm sạch. Tràn dầu cũng làm xấu đi mối quan hệ với người dân trong khu vực. Do đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng, bất kỳ hoạt động khai thác năng lượng nào mà họ tham gia đều cần có đủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Trong giai đoạn đầu, với tư cách là nhà nước quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực, Ấn Độ né tránh việc phát triển mối quan hệ năng lượng chặt chẽ với các quốc gia Châu Âu thuộc Bắc Cực, mà quyết tâm xây dựng mối quan hệ vững chắc với Nga, quốc gia đang dẫn đầu trong việc phát triển hoạt động mua bán dầu Bắc Cực ra nước ngoài.
Tháng 12-2013, Cty năng lượng Nga Gazprom bắt đầu bơm dầu từ Biển Pechora, thành tựu đáng kể kể từ khi dự án khai thác dầu ngoài khơi bờ biển Alaska của tập đoàn Shell Hà Lan vào năm 2012 bị hủy bỏ do khó khăn về hậu cần.
Khi Thủ tướng Manmohan Singh đến Nga chưa đầy 2 tháng trước, hai nước công bố tuyên bố chung cho biết, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) sẽ tham gia cùng với các Cty Nga trong việc thăm dò các mỏ hydrocarbon ở Bắc Cực.
Về phần mình, trong những tháng gần đây, Trung Quốc chủ động hơn trong việc tiếp cận những tập đoàn dầu mỏ Nga và Châu Âu. Bên cạnh những lý do cơ bản về chính trị, Trung Quốc là nước sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới, nhập khẩu dầu ròng lớn nhất, do đó, việc Bắc Kinh tiếp cận năng lượng ở Bắc Cực được cho cấp bách hơn New Delhi.
Tháng 12-2013, Bắc Kinh mở Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực ở Thượng Hải hợp tác với một số tổ chức nghiên cứu hàng đầu về Bắc Cực từ Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển nhằm nghiên cứu phát triển năng lượng và các vấn đề Bắc Cực khác.
Tổng Cty Dầu khí Hải dương (COONC) ký thỏa thuận với Iceland và Scotland bắt đầu khoan thăm dò ngoài khơi và cải thiện an toàn của giàn khoan biển. Và tại Nga, Trung Quốc đi trước Ấn Độ, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ký một thỏa thuận với Cty năng lượng Nga Rosneft cùng nhau tiến hành khoan thăm dò dầu ở Bắc Băng Dương.
Cạnh tranh Trung-Ấn trong việc tiếp cận nguồn năng lượng ở Bắc Cực không thể là một trò đùa. Để đảm bảo có được "một miếng bánh" Bắc Cực, các Cty Trung Quốc và Ấn Độ trong tương lai sẽ giúp xây dựng đường ống dẫn năng lượng, phát triển giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng trên đất liền và trên biển. Cả hai nước sẽ tác động sâu vào Bắc Cực trong thế kỷ XXI.
An Bình
(Theo BBC)