Trung Đông cận kề chiến tranh
Vụ Mỹ sát hại tướng Qassem Soleimani của Iran đang dần mở ra chương mới đầy khủng khiếp ở khu vực chảo lửa Trung Đông. Hiện nay, bóng ma chiến tranh đã phủ bóng khắp khu vực chưa bao giờ yên ả này sau khi Iran nã tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq, trong động thái mà quốc gia Hồi giáo nói “chỉ là khởi đầu”.
Tên lửa Iran rời bệ phóng nhắm căn cứ quân sự do Mỹ đứng đầu tại Iraq vào rạng sáng 8-1. |
Iran ra đòn đáp trả mạnh mẽ
Iran ngày 8-1 bắn 15 quả tên lửa đạn đạo nhằm vào 2 căn cứ quân sự Ein al-Assad và Irbil ở Iraq, nơi các lực lượng Mỹ và liên quân đồn trú nhằm đáp trả vụ không kích của Mỹ khiến tướng cấp cao của Iran Qassem Soleimani thiệt mạng hồi tuần trước.
Trong một tuyên bố, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), nhấn mạnh, họ đã tấn công bằng tên lửa nhằm vào các lực lượng Mỹ và đây là một phần trong chiến dịch “Martyr Soleimani” (Tử chiến vì Soleimani), là bước đầu tiên trong kế hoạch trả đũa Washington. Theo IRGC, ít nhất 80 nhân viên quân sự Mỹ thiệt mạng tại căn cứ Ein al-Assad sau vụ tấn công tên lửa. Cố vấn IRGC Hamid Reza Moghaddamir cho biết, tất cả các tên lửa của Iran bắn trúng mục tiêu một cách chính xác và nhắm vào các căn cứ quan trọng nhất của Mỹ ở Iraq. Cố vấn Moghaddamir cho rằng, cuộc tấn công đã chứng minh sự yếu kém của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc.
Một nguồn tin an ninh Iraq xác nhận, Iran đã bắn nhiều tên lửa vào căn cứ quân sự nơi các binh sĩ Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, quân đội Iraq cho biết, các vụ tấn công không gây ra bất cứ thương vong nào. Tuyên bố của quân đội Iraq nêu rõ: “Trong khoảng thời gian từ 1 giờ 45 đến 2 giờ 45 sáng 8-1, Iraq đã phải gánh chịu hoạt động bắn phá của 22 quả tên lửa; 17 quả đã đánh trúng căn cứ không quân Ain al-Asad, trong đó có 2 quả không phát nổ… và 5 quả khác nhằm vào thành phố Erbil đã đánh trúng trụ sở của liên quân. Không ghi nhận bất cứ thương vong nào trong các lực lượng của Iraq”.
Tại Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề công Jonathan Hoffman cũng đã xác nhận vụ tấn công này. “Khoảng 17 giờ 30 ngày 7-1 (giờ Mỹ, tức 5 giờ 30 ngày 8-1), Iran đã bắn chục tên lửa đạn đạo vào các lực lượng quân đội Mỹ và liên quân ở Iraq. Rõ ràng những tên lửa này đã được phóng từ Iran và nhằm vào ít nhất 2 căn cứ quân sự của Iraq, nơi có quân nhân Mỹ và liên quân tại căn cứ Ein al-Assad và Irbil”, ông Hoffman nêu rõ.
Bên ngoài căn cứ quân sự Al-Assad, nơi bị tên lửa Iran tấn công vào sáng 8-1. Ảnh: AFP |
Mối lo chiến tranh hạt nhân
Với cuộc tấn công bằng tên lửa này, Iran đã chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng, tuyên bố sẽ trả thù cho vụ ám sát tướng Soleimani không chỉ là lời đe dọa suông.
Đáng chú ý, sau vụ tấn công, Iran cảnh báo bất kỳ sự xâm lược nào của Mỹ chống lại Tehran sẽ phải đối mặt với một phản ứng áp đảo, cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực sẽ bị tấn công nếu được sử dụng để mở các cuộc tấn công vào Tehran. Tehran cảnh báo sẽ xảy ra chiến tranh thảm khốc nếu Washington đáp trả bởi Iran sẽ lập tức tấn công 100 mục tiêu khác của Mỹ ở khắp Trung Đông. Trong một tuyên bố, Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, cũng “khuyên” Mỹ nên rút khỏi khu vực. Phát biểu trên truyền hình, Đại giáo chủ Iran nêu rõ: “Hành động quân sự như vậy vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là phải chấm dứt sự hiện diện thối nát của Mỹ ở khu vực”. Ngoài ra, ông Khamenei cho biết thêm: “Đêm qua, sự sỉ nhục đã được gửi đi” khi nước Cộng hòa Hồi giáo này đã bắn các tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Nhưng rõ ràng, những động thái quân sự mới nhất này giữa Iran và Mỹ đang khiến bóng ma chiến tranh phủ bóng khắp Trung Đông. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng Mỹ sẽ đáp trả như thế nào và khi nào Washington sẽ chính thức phát động chiến tranh với Tehran? Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quân sự, vụ tấn công của Iran không có nhiều khả năng làm bùng nổ chiến tranh thật sự với Mỹ. Chỉ có điều đáng lo nhất là nếu Mỹ chính thức tấn công trên lãnh thổ Iran. Bởi nếu điều này xảy ra, một lần nữa có thể thấy mục tiêu vẫn là cơ sở hạt nhân của Iran, một vụ tấn công có khả năng rất cao sẽ khiến Tehran đáp trả bằng hạt nhân.
Vậy khi chiến tranh Mỹ - Iran bùng nổ, liệu có bên nào sẵn sàng tấn công hạt nhân? Theo tờ MilitaryWatch, ngoài Mỹ, còn có Anh và Israel có thể dùng đến vũ khí hủy diệt này nếu xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân với Iran. Theo MilitaryWatch, một số nguồn tin quân sự ở Anh nói nước này đã sẵn sàng thực hiện tấn công nếu Iran trả đũa vụ tướng Soleimani, và rằng, hải quân Anh đã triển khai tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Astute. Đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Israel cũng đã ám chỉ về khả năng này khi lần đầu tiên Thủ tướng Benjamin Netanyahu công khai nói nước ông có vũ khí hạt nhân.
Mỹ sẽ đáp trả như thế nào?
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về cách phản ứng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Washington chỉ ban hành lệnh cấm khẩn cấp các chuyến bay qua không phận các khu vực căng thẳng ở Trung Đông. Theo đó, lệnh cấm của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) áp dụng cho các máy bay Mỹ hoạt động trên không phận trên lãnh thổ Iraq, Iran, Vịnh Oman và vùng biển giữa Iran và Saudi Arabia. Theo FlightRadar24, một số hãng hàng không không phải của Mỹ vẫn duy trì các chuyến bay trên không phận Iraq và Iran trong thời gian này.
Chuyên gia Ilan Goldenberg - Giám đốc Chương trình an ninh Trung Đông của Mỹ cũng cho rằng, các đợt tấn công của Iran không thực sự quá nghiêm trọng và Washington cũng đã ý thức được đòn trả đũa này từ Tehran. Ngoài ra, không giống như vụ sát hại tướng Soleimani của Mỹ, Iran thông báo trước về các kế hoạch tấn công. Theo tờ Washington Post, thật ra cả Mỹ và Iran đều không xem đây là cuộc xung đột sống còn. Bởi mục đích Mỹ giết tướng Soleimani, và việc Iran tấn công trả đũa, đều xoay quanh mục tiêu sâu xa hơn: chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Trên thực tế, Mỹ đã giết tướng Soleimani khiến căng thẳng leo thang nhưng luôn khẳng định không muốn chiến tranh. Ông Trump gây chú ý trên Twitter với dòng chữ: “Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân”.
Tất nhiên, sau khi bị Mỹ “vỗ mặt”, Iran cho rằng cần phải đáp trả nhanh chóng, mang tính biểu tượng, đáp trả công khai mà không muốn kích hoạt một cuộc chiến tranh toàn diện bởi tướng Soleimani là một trong những nhân vật quyền lực nhất nước này và là biểu tượng sức mạnh của quốc gia Hồi giáo. Vì thế, hành động trả đũa công khai của Iran một mặt nhằm trấn an dư luận trong nước nhưng mặt khác cũng chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy được Iran là quốc gia mạnh mẽ và rắn rỏi, không lùi bước trước mọi mối đe dọa.
Cuộc tấn công lần này của Iran rõ ràng rất táo bạo, công khai, nhưng nó không gây nhiều thương vong cho người Mỹ. Như vậy có thể thấy Iran đã tìm ra phản ứng tương đối tương xứng, ít nhất là trong thời điểm này. Ngay sau cuộc tấn công, Tổng thống Trump cũng đã rất bình thản viết trên trang Twitter rằng: “Tất cả đều ổn! Tên lửa được phóng từ Iran nhắm vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Chúng ta có quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới, cho đến thời điểm này!”.
KHẢ ANH
Hàn Quốc cũng trong tình trạng báo động Chính phủ Hàn Quốc đã ở trong tình trạng báo động sáng 8-1 sau khi Iran bắn tên lửa vào căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq. Iraq là quốc gia bị cấm du lịch, nhưng vẫn có hơn 1.570 công dân Hàn Quốc đang lưu trú tại đây do được cấp phép ngoại lệ, chủ yếu là nhân viên các Cty xây dựng lớn, trúng thầu dự án tại Iraq như dự án nhà máy lọc dầu Karbala, thành phố mới Pasmaya. Ngoài ra, có hơn 290 công dân Hàn Quốc đang cư trú tại Iran, hơn 150 người và hơn 170 người đang lần lượt có mặt tại Lebanon và Israel - hai quốc gia có nguy cơ ảnh hưởng bởi đòn tấn công trả đũa của Iran. Chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị xong các phương tiện di chuyển như tàu thuyền, máy bay, lên kế hoạch dựa vào tình hình thực tế để nhanh chóng đưa người dân nước này sơ tán khỏi Iran và Iraq. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã lập xong kế hoạch rút dần người dân ra khỏi Lebanon và Israel. T.L |