Trung Đông mắc kẹt trong đối đầu Mỹ – Trung

Thứ năm, 30/12/2021 19:40

Trong một năm thế giới chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc, một Trung Đông chưa bao giờ yên ả dường như cuối cùng cũng đã được lật sang một trang mới: xu hướng ngoại giao hàn gắn những rạn nứt kéo dài ở khu vực này đã đơm hoa kết trái.

Căn cứ quân sự của Mỹ ở Qatar. Ảnh: Al Jazeera

Nhưng đến giai đoạn cuối năm 2021, khi ngoại giao tăng tốc, một đường đứt gãy địa chính trị đã lộ ra, đó là Trung Đông trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng về chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù khu vực này đã cố gắng đứng bên lề cuộc đối đầu. Theo CNN, một trong những động thái cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Đông lo lắng như thế nào khi bị "lôi" vào cuộc chiến cạnh tranh Mỹ - Trung, đó là việc một quan chức cấp cao của Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hồi đầu tháng này đã có bài phát biểu bày tỏ cảm giác vô vọng trước cuộc đọ sức giữa hai cường quốc này.

Theo đó, Cố vấn ngoại giao của lãnh đạo Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) Anwar Gargash đánh giá: "Điều chúng tôi lo lắng là ranh giới mỏng manh giữa cạnh tranh kịch liệt và cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Bởi vì tôi cho rằng với vai trò một nước nhỏ, chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi điều này nhưng không có khả năng tác động đến cuộc cạnh tranh".

Ông Anwar Gargash đồng thời xác nhận các thông tin UAE, vốn là đồng minh chiến lược của Mỹ tại khu vực, đã đóng cửa một công trình Trung Quốc bởi Washington nghi ngờ rằng nơi đây được sử dụng như một căn cứ quân sự. Ông Anwar Gargash nhấn mạnh rằng UAE không đồng tình với đánh giá của Mỹ về công trình này nhưng đơn giản muốn tránh gây bất bình cho đồng minh chiến lược.

Nhưng Mỹ không phải lúc nào cũng thắng trong nỗ lực giành lấy ảnh hưởng tại UAE. Vài ngày sau phát biểu của ông Gargash, Abu Dhabi đã quyết định ngừng "chiều lòng" Mỹ khi hủy hợp đồng nhiều tỷ USD mua tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất. Nguyên nhân là do Washington đã đưa ra điều kiện bán hàng là UAE phải loại bỏ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi mạng viễn thông của họ. Washington tuyên bố công nghệ này gây ra rủi ro an ninh cho các hệ thống vũ khí của họ, đặc biệt là đối với chiếc máy bay mà Mỹ gọi là "viên ngọc quý". Nhưng Abu Dhabi không đồng tình. Một quan chức của tiểu vương quốc này cho biết họ cần hành động dựa trên "phân tích chi phí/lợi ích" hợp lý nên vẫn lựa chọn Huawei.

Đây được coi là sự kiện cho thấy không chỉ tại riêng UAE mà cả khu vực Trung Đông, nơi Trung Quốc đẩy mạnh mối quan hệ thương mại, sự ảnh hưởng số một lâu dài của Mỹ dần kết thúc.

Khu vực Trung Đông đã chịu nhiều căng thẳng địa chính trị kể từ khi phương Tây tạo ảnh hưởng đến nơi này cách đây một thế kỷ. Nhưng Trung Đông đối mặt với tình trạng bạo lực hiếm có trong thập niên 2010 khi xung đột xảy ra ở nhiều quốc gia như Syria, Yemen, Libya và Iraq. Đây cũng là thời kỳ có nhiều thay đổi chính trị bởi Mỹ giảm ưu tiên vào Trung Đông để tập trung đối trọng với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tạo dựng quan hệ đối tác kinh tế trên phạm vi rộng với các quốc gia như Riyadh và Tehran, và hơn hết, những động thái này giúp Trung Quốc dần dần tạo được ảnh hưởng và cơ hội để có thể thế chân Mỹ khi Washington rút lui.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá Trung Đông có thể không còn lựa chọn nào ngoài việc nhận "củ cà rốt" của Trung Quốc ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải phục tùng mình trước "cây gậy" của Mỹ.

KHẢ ANH