Trung Đông và cuộc chiến bầu trời
(Cadn.com.vn) - Sân bay mới, những chiếc máy bay mới hàng trăm tỷ USD: một số các quốc gia Vùng Vịnh chi tiêu những khoản rất lớn và các hãng hàng không (HHK) rất tham vọng trong lĩnh vực này.
Nhưng, cho đến nay, các nước chưa thể giải quyết vấn đề đang đe dọa sự phát triển lĩnh vực hàng không. Tất cả những máy bay mới ra tại triển lãm hàng không Dubai Air Show vừa qua rất cần không gian để bay. Vấn đề đáng lo ngại là vùng trời các nước Vùng Vịnh sẽ tắc nghẽn.
Chia sẻ không phận
Chính quyền và các HHK biết rằng, đó là vấn đề đáng quan ngại nhưng không có phương án giải quyết.
"Các chuyến bay bị trễ đang trở nên phổ biến", Hussein Dabbas, Giám đốc khu vực của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, cảnh báo. "Nếu chúng ta không ngăn chặn tình trạng bị trễ bay này, hệ thống sẽ từ từ tan rã, khiến các HHK giảm hiệu quả hoạt động". Theo số liệu chính thức, số lượng các chuyến bay qua không phận của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) năm ngoái là hơn 741.000. Theo dự báo, con số này sẽ tăng lên khoảng 895.500 vào năm 2015, và 1,13 triệu vào năm 2020.
Các chuyến bay đến và đi khỏi Qatar, Bahrain, Oman, và các nước khác cũng được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng. Vấn đề là quản lý giao thông hàng không ở các nước này hoạt động riêng lẻ. Vùng trời bị phân mảnh và thiếu sự phối hợp có nguồn gốc lịch sử và địa chính trị. Điều này dẫn đến ranh giới và hành lang không phận chắp vá, khiến việc hợp tác bị hạn chế. "Không có cơ quan duy nhất trong khu vực có thể giải quyết và đối phó với vấn đề", ông John Taylor, cựu quản lý kiểm soát không lưu tại Sân bay quốc tế Dubai, cho biết.
Theo ông Taylor, rất nhiều tổ chức và các HHK nhìn thấy vấn đề và muốn làm một điều gì đó, nhưng dường như "lực bất tòng tâm". Rõ ràng, tắc nghẽn là thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp hàng không Trung Đông. Nguyên nhân gây ra vấn đề là máy bay dân dụng bị cấm bay vào dải lớn không phận do quân đội sử dụng. Tại UAE, 50% vùng trời do Bộ Quốc phòng kiểm soát, nên các máy bay dân sự chỉ có một hành lang hẹp để bay.
"Tại Châu Âu, các quốc gia được tiếp cận linh hoạt đối với không phận. Máy bay dân sự và quân sự sử dụng không phận theo nhu cầu. Các quan chức hàng không từ Trung Đông đến thăm Anh thường ngạc nhiên khi thấy những nhân viên kiểm soát máy bay dân sự và quân sự ngồi cạnh nhau. Nhưng đó là cách tiếp cận mà khu vực này chắc chắn phải học hỏi", ông nói.
Sự thành công và mở rộng nhanh chóng của các HHK Vùng Vịnh dẫn đến việc thiếu không gian... bay. Ảnh: BBC |
Mất niềm tin
Tất cả các bên đều cho rằng, sự hợp tác và phối hợp là chìa khóa giải quyết vấn đề. UAE điều chỉnh hàng không dân dụng nói chung khi thường xuyên gặp gỡ các tướng lĩnh quân đội. Nhưng cho đến nay, điều này chỉ mới dừng ở lời nói suông.
Các HHK vẫn thất vọng. Đầu tư rất lớn trên mặt đất hiện đang bị đe dọa bởi sự thất bại trong việc giải quyết các vấn đề trên không. Điều này đặc biệt quan trọng đối với UAE, bởi lĩnh vực hàng không là một phần quan trọng của nền kinh tế. Tại Dubai, hàng không chiếm gần 25% GDP và sử dụng rất nhiều lao động. Sân bay Dubai dự kiến sẽ vượt qua Heathrow (Anh) vào năm tới, trở thành sân bay lớn nhất thế giới. Sân bay mới Al Maktoum với tổng kinh phí 32 tỷ USD dự kiến còn lớn hơn nhiều.
UAE không chỉ là điểm đến du lịch. Abu Dhabi, Dubai, cùng với người hàng xóm Qatar, là trung tâm kết nối quan trọng cho những hành khách bay từ Á sang Âu. Nhiều báo cáo gần đây về các chuyến bay bị hoãn do chậm trễ trên mặt đất và trên không đang đe dọa uy tín các HHK trong khu vực. Hành khách quá cảnh có nhiều lựa chọn thay thế, chẳng hạn như Singapore.
Lựa chọn khó khăn
Ông Swift mô tả không phận như "cơ sở hạ tầng vô hình" cần được sử dụng và quản lý như một tài sản kinh tế.
Tháng trước, Airbus Prosky, bộ phận quản lý giao thông hàng không của hãng chế tạo máy bay Airbus hoàn thành một báo cáo chính thức, đưa ra 53 khuyến nghị giúp UAE quản lý tốt hơn không phận. Không khuyến nghị nào được công bố. Nhiều người chỉ có thể dự đoán chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, ngay cả khi UAE thực hiện những lời đề nghị này, nhiều quốc gia khác trong khu vực mà HHK không phải là lợi ích kinh tế cốt lõi, có thể không làm theo.
An Bình
(Theo BBC)