Trung-Nhật "so kè" ở Đông Nam Á
(Cadn.com.vn) - Bên cạnh những căng thẳng âm ỉ kéo dài trong lịch sử và tranh chấp chủ quyền biển đảo, Trung-Nhật còn chứng kiến "trận chiến không khoan nhượng" trong các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á.
Với dân số 30 triệu người, thủ đô Jakarta của Indonesia đang trở thành một trong những đô thị đông dân nhất thế giới. Giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, "đại đô thị" Jakarta phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề vì chất lượng cơ sở hạ tầng tồi tệ. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi trong năm qua khi hai quốc gia giàu nhất Châu Á, cũng là hai "kình thủ" mạnh nhất là Trung - Nhật, cam kết giúp quốc đảo này xây dựng những tuyến đường sắt, đường bộ mới, cũng như hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên tại đây.
Indonesia trở thành điểm đến đầu tư lớn của Trung-Nhật tại Đông Nam Á. Ảnh: CS Monitor |
Chạy đua hạ tầng
Cuộc chiến về dự án cơ sở hạ tầng tại thủ đô Jakarta chỉ là một trong vô số trận chiến khác trong khu vực Đông Nam Á nói chung và các khu vực khác nói riêng giữa hai gã khổng lồ Châu Á này. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính, châu lục này sẽ cần khoảng 8.000 tỷ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo đời sống. Đây được xem là yêu cầu khó có thể đáp ứng. Tuy nhiên, cả Tokyo và Bắc Kinh đều tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch bất chấp nó có thể gây áp lực rất lớn lên nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại.
Tháng 11-2015, Nhật cam kết cho Philippines vay ưu đãi 2 tỷ USD đầu tư vào một dự án đường sắt - gói hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay của Tokyo cho một dự án ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đạt thỏa thuận với Lào về việc xây tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD xuyên qua quốc gia này. Ngoài ra, tập đoàn Ấn Độ-Nhật Bản đang đầu tư xây dựng hệ thống quá cảnh hải quan qua trung tâm thủ đô Jakarta trị giá 3 tỷ USD.
Không chịu thua kém, các Cty và ngân hàng Nhà nước Trung Quốc lại giành được cơ hội nâng cấp 30 cảng ở miền đông Indonesia trị giá 2,5 tỷ USD và xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 5,5 tỷ USD nối Jakarta với thành phố Bandung. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11-2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa hẹn bổ sung thêm 10 tỷ USD nguồn vốn cho vay đối với dự án cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hứa hẹn Tokyo và ADB sẽ đầu tư 110 tỷ USD cho hạ tầng ở Châu Á trong vòng 5 năm tới. Nhật tuyên bố sẽ giảm thời gian xét duyệt hình thức cho vay đối với dự án cơ sở hạ tầng từ 3 năm xuống còn 1,5 năm, và sẵn sàng chịu nhiều rủi ro tài chính hơn. Tokyo cũng sẽ xem xét việc cho vay mà không cần chính phủ nước nhận phải bảo lãnh.
Đối phó với động thái trên, Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) vừa chính thức đi vào hoạt động hôm 16-1 với sự tham gia của 57 nước thành viên. Nhật, Mỹ từ chối tham gia tổ chức này. Với số vốn lên đến 100 tỷ USD, ngân hàng này sẽ chuyên cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á.
Ai hơn ai?
Tiến sĩ Westad của Đại học Harvard cho biết, Tokyo có ưu thế hơn so với Bắc Kinh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á do mối quan hệ "ít hiềm khích" với các quốc gia ở đây. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có sức ảnh hưởng mạnh hơn về kinh tế và chính trị. Giáo sư Lam Peng Er của Đại học quốc gia Singapore nhận định, vẫn còn quá sớm để phân định ai sẽ là giành chiến thắng. Nhưng trước mắt, các quốc gia Đông Nam Á đều được hưởng lợi từ cuộc chiến này khi cơ sở hạ tầng đang dần được cải thiện.
Bạch Dương
(Theo CS Monitor)