Trung - Nhật thực sự muốn gì ở biển Hoa Đông?
(Cadn.com.vn) - Bế tắc ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trôi theo hướng xung đột quân sự. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1-2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ví sự cạnh tranh Trung - Nhật hiện nay giống với những gì đã xảy ra giữa Anh và Đức trước Thế chiến I. Một cuộc xung đột sắp tới giữa Trung - Nhật tại biển Hoa Đông dường như là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra nếu các bên tiếp tục có các hành động khiêu khích.
Ông Tập Cận Bình muốn giữ “thể diện”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền khi tranh chấp Trung-Nhật trên biển Hoa Đông bùng lên vào cuối năm 2012. Các cuộc biểu tình và bạo loạn chống Nhật ở Trung Quốc xuất hiện sau khi Tokyo quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp của Tokyo, trở thành thách thức chính trị đầu tiên mà ông Tập phải đối mặt.
Để xoa dịu sự tức giận trong nước, ông Tập chọn cách tiếp cận nặng tay đối với quốc gia láng giềng, khi thường xuyên cử tàu hải giám đến khu vực tranh chấp. Trong tháng 11-2013, Trung Quốc công bố Vùng xác định Phòng không (ADIZ), gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này tiếp tục thúc đẩy sự căng thẳng giữa hai quốc gia. Căng thẳng này lên đến đỉnh điểm với chuyến thăm ngôi đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Abe.
Nhiều người cho rằng, ông Tập đang sử dụng quần đảo tranh chấp để củng cố quyền lực. Điều này có thể đúng vào cuối năm 2012, khi lúc đó, quyền lực chính trị của ông bị đe dọa. Tuy nhiên, lập luận này không còn đúng. Việc cần thiết của ông Tập hiện nay là làm thế nào để giảm bớt căng thẳng Trung-Nhật để ông có thể tập trung vào đối phó với các cuộc xung đột sắc tộc ở Tân Cương cũng như cải cách kinh tế sâu rộng. Sau tất cả, ông nên biết rằng ông không thể đạt được “Giấc mơ Trung Quốc” đơn giản bằng cách kích động Nhật ở biển Hoa Đông.
Điều ông Tập mong muốn ở biển Hoa Đông là sự thừa nhận có tồn tại tranh chấp từ phía Nhật. Đó là cách Bắc Kinh lấy lại danh dự sau khi Tokyo đã tiến trước một bước.
Một tàu Nhật Bản áp sát tàu Trung Quốc quanh Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AFP |
Ông Abe muốn thay đổi Hiến pháp
Ông Abe được bầu làm Thủ tướng sau “cuộc khủng hoảng quốc gia” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 12-2012. Do đó, ông không phải chịu trách nhiệm về quan hệ căng thẳng giữa Nhật-Trung.
Tuy nhiên, ông Abe không làm gì để giảm thiểu những căng thẳng này. Hành động thăm đền Yasukuni vào tháng 12-2013 tiếp tục đẩy mối quan hệ vốn mong manh với Trung Quốc vào vực thẳm. Ông Abe muốn gì từ việc tranh chấp? Đầu tiên là ông muốn duy trì quyền lực.
Chấp nhận khiêu khích của Trung Quốc có thể tăng cường “sự nổi tiếng”, ít nhất là trong nước. Tuy nhiên, ông Abe nên biết rằng nếu muốn nhận được sự hỗ trợ trong nước, nên tập trung vào kinh tế. Ngoài ra, làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước nhà, có thể không phải là một lựa chọn khôn ngoan của bất kỳ chính trị gia Nhật Bản nào đang muốn tái tranh cử.
Mục tiêu cuối cùng của ông Abe trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc rõ ràng là thay đổi Hiến pháp, vốn chối bỏ quyền tham chiến của Nhật Bản. Là một nhà lãnh đạo bảo thủ, ông Abe nắm giữ giấc mơ chính trị khôi phục trạng thái bình thường của quốc gia bằng cách thay đổi Hiến pháp mà Mỹ áp đặt đối với nước này sau Thế chiến II. Đầu tháng 1 vừa qua, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe hủy bỏ cam kết “không bao giờ tiến hành chiến tranh” tại hội nghị thường niên tại Tokyo. Ông Abe cũng thông báo, đã đến lúc sửa đổi Hiến pháp hòa bình.
Bước tiếp theo của ông Abe là chọn thời điểm thích hợp để loại bỏ Điều 9 của Hiến pháp, mở đường cho Nhật Bản tự do thực hiện sức mạnh quân sự. Đối với ông Abe, một Nhật Bản “bình thường” có thể có giá trị hơn một Nhật Bản “giàu có”, mặc cho sự bình thường này chắc chắn sẽ nhắc nhở các nước Châu Á về chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ.
Mỹ muốn gì?
Nguy cơ xung đột Trung-Nhật Bản đang gia tăng. Bắc Kinh cần một giải pháp để giữ “thể diện” trong vụ tranh chấp mà Tokyo cũng không hề muốn nhượng bộ.
Ngay cả khi Bắc Kinh cuối cùng nhận ra mục đích của ông Abe, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một tình thế khó xử làm thế nào để xoa dịu vấn đề tranh chấp đảo.
Mỹ cử các quan chức cao cấp tới khu vực trong một nỗ lực “dập tắt lửa” ở cả Bắc Kinh và Tokyo vào tháng 1-2014. Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể sẽ không thành công vì Washington công khai cam kết sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cam kết của Mỹ giúp ông Abe mạnh miệng hơn trong thách thức với Trung Quốc.
An Bình
(Theo Diplomat)