Trung Quốc - Australia đang hướng đến chiến tranh thương mại?

Thứ sáu, 15/05/2020 17:00

Việc Australia kêu gọi mở cuộc điều tra về vai trò của Trung Quốc trong việc phát tán virus gây đại dịch Covid-19 đang nhanh chóng biến thành chiến tranh thương mại, một cuộc chiến có thể tác động xấu đến cả hai.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham khẳng định không chùn bước trước các mối đe dọa thương mại từ Trung Quốc. Ảnh: Twitter

Trung Quốc trả đũa

Trung Quốc hôm 12-5 viện dẫn các vi phạm về quy tắc thương mại để tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 Cty chế biến lớn nhất của Australia, đồng thời, sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia kể từ ngày 19-5.

Trung Quốc lâu nay vốn là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn nhất của Australia, chiếm 30% tổng sản lượng xuất khẩu. Theo tuyên bố của Bắc Kinh, 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của nước này gồm Kilcoy Pastoral, JBS’s Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch. Được biết, 4 nhà sản xuất thịt nói trên chiếm tới 35% tổng lượng thịt bò xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc, với tổng giá trị khoảng 1,7 tỷ AUD (1,1 tỷ USD); theo đài ABC của nước này. Bắc Kinh cũng dọa sẽ áp thuế nặng đối với lúa mạch của Canberra sau khi cáo buộc nước này đang bán chúng với giá thấp hơn chi phí sản xuất ở thị trường Trung Quốc – còn gọi là phá giá. Tạp chí Australian Financial Review dẫn một số tài liệu mật nói rằng, Bắc Kinh đang cân nhắc đánh thuế tới 73,6% thuế chống phá giá và 6,9% thuế chống trợ cấp.

Các lô hàng lúa mạch Australia xuất khẩu sang Trung Quốc, được sử dụng chủ yếu để sản xuất bia, trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Lệnh cấm nhập khẩu thịt bò sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc, với giá trị hàng năm là 800 triệu USD. Các ngành công nghiệp rượu vang và sữa của Australia có thể là mục tiêu trả đũa tiếp theo của Bắc Kinh, tiếp đó là ngành giáo dục và du lịch.

Bất chấp cảnh báo...

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Australia, mua hàng hóa trị giá 88 tỷ USD trong năm 2018. Nền kinh tế Australia tổn thất khoảng 2,6 tỷ USD mỗi tuần từ việc đóng cửa liên quan đến dịch Covid-19, vì vậy nếu xảy ra cuộc chiến thương mại Trung Quốc sẽ là điều không thể tồi tệ hơn.

Căng thẳng giữa hai nước gia tăng kể từ khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh Covid-19, vốn bắt nguồn từ Vũ Hán trước khi lan ra toàn thế giới. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh. Nước này đưa ra nhiều lời đe dọa, trong đó Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Kingye gọi hành động của Canberra là “nguy hiểm”. Trong một cuộc phỏng vấn với Australian Financial Review, ông Cheng nói: “Người dân Trung Quốc rất bức xúc, nản lòng và thất vọng trước hành động của Australia. Nếu tâm trạng này chuyển từ xấu sang tồi tệ, nhiều người sẽ nghĩ rằng “tại sao chúng ta phải đến một quốc gia không thận thiện với Trung Quốc như vậy? Du khách Trung Quốc sẽ có lựa chọn khác”.

...vẫn kiên quyết điều tra

Tuy nhiên, phát biểu tại Canberra, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, chính phủ coi các vấn đề về thương mại là không liên quan gì tới các cuộc thảo luận về điều tra nguồn gốc của virus SARS-Co-V-2. “Dù theo cách nào đi chăng nữa thì nó cũng chẳng liên quan gì tới các hoạt động xuất khẩu thịt bò hay lúa mạch của Australia, hay bất cứ thứ gì khác. Chúng tôi không thấy sự liên quan ở đây, và chúng tôi tin chắc rằng không có nước đối tác nào khác thấy có sự liên quan giữa những vấn đề này”, ông Birmingham nói.

Ông Birmingham khẳng định, Australia sẽ tiếp tục theo đuổi việc điều tra vai trò của Trung Quốc đối với dịch Covid-19 bất chấp nguy cơ nhận thêm những trả đũa thương mại từ Bắc Kinh, bởi giờ đây Canberra đã có sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Mỹ. Australia đã lên tiếng ủng hộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc phát tán virus gây dịch Covid-19, tàn phá sức khỏe cộng đồng. Tổng thống Trump cũng đã ủng hộ lập trường của Australia và tiếp tục khẳng định rằng virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 18-5 tới, 27 thành viên của Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ ủng hộ lời kêu gọi điều tra của Australia. Rất có khả năng Trung Quốc, một thành viên có ảnh hưởng, sẽ cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra này.

AN BÌNH