Trung Quốc gia tăng hành động đơn phương

Chủ nhật, 15/06/2014 23:20

(Cadn.com.vn) - Cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, những ngày gần đây, Trung Quốc đã có thêm hành động đơn phương gây phức tạp ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và lên án.

Trung Quốc xây trường học ở Hoàng Sa

Ngoài việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục có các hành động đơn phương khác gây phức tạp ở Biển Đông. Theo Tân Hoa xã, ngày 14-6, cái gọi là “chính quyền thành phố Tam Sa” (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) đã động thổ dự án xây dựng trường học và các công trình đồng bộ liên quan trên đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 7.924m2, tổng diện tích xây dựng là 4.650m2, tổng vốn đầu tư là 36 triệu Nhân dân tệ. Các công trình đồng bộ liên quan gồm thư viện, phòng hồ sơ tài liệu, phòng đa năng, sân chơi, nhà văn hóa... Nguồn tin cũng cho biết dự án sẽ hoàn công và đưa vào sử dụng sau 1 năm rưỡi thi công. Trường có thể mở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, tiểu học và triển khai các hoạt động giáo dục khác, nhằm tiếp nhận khoảng 40 con em phù hợp các lứa tuổi đến trường của cư dân và quân nhân đóng trên đảo.

Đại sứ Lê Hoài Trung phát biểu phản đối Trung Quốc tại LHQ.

Trong một diễn biến khác, ngày 14-6, lần thứ 4 trong vòng 3 tháng trở lại đây, Philippines, một trong các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đã trao công hàm phản đối Trung Quốc liên quan tới việc Bắc Kinh cải tạo bãi đá ngầm có tranh chấp McKeenan Reef (Đá Tư Nghĩa, Tây Môn Tiêu) thuộc quần đảo Trường Sa. Phản đối mới liên quan tới hoạt động mở rộng Đá McKeenan làm tăng mức báo động nghiêm trọng của cuộc tranh chấp chủ quyền vốn ngày càng căng thẳng liên quan tới các vùng biển mà Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng chiến thuật gây sức ép đối với các bên có tuyên bố chủ quyền khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay, công hàm phản đối đã được đưa ra hồi tuần trước và trong một thông cáo, ông này nêu rõ: “Họ (Trung Quốc) đang tiến hành mở rộng” bãi đá. Tuy nhiên, ông Jose không cho biết phía Trung Quốc có phản hồi hay không.

Trước đó, hồi tháng 4, Manila đã phản đối Bắc Kinh sau khi quan sát thấy có hoạt động lấn biển quy mô lớn và hoạt động di dời đất tại bãi Johnson (Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu và Việt Nam gọi là đảo Gạc Ma), với ý định có thể biến bãi ngầm này thành một hòn đảo có đường băng máy bay.

Phản đối Trung Quốc tại Hội nghị UNCLOS

Tại Hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) vừa diễn ra tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên UNCLOS phản đối các hành vi đơn phương, gây căng thẳng tại Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam, đã thông báo tới hội nghị diễn biến nghiêm trọng đang diễn ra tại Biển Đông liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông cũng khẳng định lập trường của Việt Nam trong xử lý vụ việc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực, tạo môi trường tích cực để đàm phán.

Đại sứ Lê Hoài Trung nói: “Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hay các biện pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật Biển. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên của Công ước Luật Biển, tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông, phản đối các hành vi đơn phương gây căng thẳng, đồng thời ủng hộ việc không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và việc giải quyết tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế. Những điều này thực sự là thiết yếu đối với tính hiệu quả của Công ước Luật Biển - văn kiện được các quốc gia thành viên coi là có tầm quan trọng lịch sử và phục vụ lợi ích tổng thể quan trọng của nhân loại”.

Cũng tại hội nghị, đại diện một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Malaysia... đã phát biểu bày tỏ quan tâm và lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời đề nghị các bên tranh chấp nghiêm túc chấp hành Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hoàn tất đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đáng chú ý, đoàn Phillipines khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp và lên án một số hành vi vi phạm khác của Trung Quốc trong thời qua nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Thu Thủy (tổng hợp)