Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông: Chủ nghĩa cơ hội thời Covid-19 hay “sự bình thường mới”?
Trong bài báo được đăng trên tờ SCMP ra ngày 7-5, nhà báo Lucio Blanco Pitlo III đặt câu hỏi ngay ở tít đề: “Trung Quốc hung hăng ở biển Đông: Chủ nghĩa cơ hội thời Covid-19 hay sự bình thường mới?”. Bài viết đã ngay lập tức gây chú ý, nhất là cả thế giới đang phản đối gay gắt việc Trung Quốc đang có những động thái tuyên bố chủ quyền vô lý và những hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Cây viết Lucio Blanco Pitlo III là thành viên nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương, và là giảng viên Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ateneo de Manila. Báo Công an TP Đà Nẵng xin gửi đến độc giả toàn bộ nội dung bài viết này.
Biểu tình ở Manila hồi tháng 6-2019 sau khi một tàu Trung Quốc va chạm với một tàu đánh cá của Philippines, gây chìm tàu. Một sự cố tương tự liên quan đến một tàu đánh cá Việt Nam vào tháng trước cũng làm dấy lên mối lo ngại từ Manila. Ảnh: AFP |
Mở đầu bài viết, tác giả Lucio Blanco Pitlo III cho rằng, sự quyết đoán của Trung Quốc có thể bị thúc đẩy bởi cả hai yếu tố bên trong và bên ngoài khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ ở trong nước đồng thời cho các bên đang tranh chấp và Mỹ thấy rằng, các vấn đề hàng hải và chủ quyền sẽ không bị “ngăn chặn” trong đại dịch Covid-19.
Cuối tháng trước, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố 2 khu hành chính mới và đặt tên cho 80 đảo, bãi cạn trên biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Động thái này gây phản ứng mạnh mẽ trên khắp thế giới, khi chính nó tạo ra “những nếp nhăn mới” trong mối quan hệ với các bên cùng tuyên bố chủ quyền khác. Cả Philippines và Việt Nam đều phản đối mạnh mẽ.1 tháng trước, Trung Quốc đã thành lập hai trạm nghiên cứu mới ở vùng biển tranh chấp. Đầu tháng 4, một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên biển Đông, tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như Philippines.
Mỹ cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc này. Thông cáo đăng trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: “Hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn phát động chiến dịch thực thi pháp luật trên Biển Đông kéo dài 8 tháng, mang tên “Biển Xanh 2020”, với mục đích “trấn áp các sai phạm trong thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi” cũng như hoạt động xây dựng hàng hải và ven biển.
Tất cả những hành động gần đây khiến tác giả đặt ra câu hỏi: Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch hay chỉ là “sự bình thường mới”? Trong cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEANMỹ vào ngày 23-4, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng tình hình để đẩy mọi việc ở biển Đông đi xa hơn trong khi thế giới đang bận rộn chiến đấu với Covid-19.
Sự quyết đoán của Trung Quốc có thể được thúc đẩy bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm sự ủng hộ ở trong nước cho lập trường an ninh cứng rắn - cho thấy, chính quyền không có sự buông thả trong các vấn đề hàng hải hoặc chủ quyền ngay cả khi xảy ra đại dịch. Điều này có thể giúp làm chệch hướng chú ý hoặc giảm nhẹ những xử lý sai lầm ban đầu về đại dịch bùng phát ở Vũ Hán. Một phản ứng dữ dội về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát những người cảnh báo về đại dịch cũng đã góp phần làm tăng độ nhạy cảm cho những chỉ trích về chính sách đối ngoại của nước này.
Trung Quốc cũng có thể phản ứng với các yếu tố bên ngoài. Nước này đang gây áp lực lên các bên tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông. Ví dụ, chiến dịch “Biển Xanh 2020”, sẽ nhắm vào các vi phạm trong các lĩnh vực như xây dựng dự án biển và ven biển, thăm dò và khai thác dầu ngoài khơi - động thái có thể báo hiệu quyết tâm mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hoạt động khai thác và xây dựng của các bên tuyên bố chủ quyền khác. Những bước đi hung hăng của Trung Quốc cũng là nhằm phản ứng đối với đối thủ của họ - Mỹ. Washington đã tiến hành hai hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và hai hoạt động khác trên eo biển Đài Loan cho đến nay. Và, Mỹ cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận trên biển, bao gồm cuộc tập trận gần nhất với Australia vào cuối tháng trước và cuộc tập trận tên lửa bắn đạn thật với Philippines vào tháng 3.
Sau thảm họa sóng thần kinh hoàng năm 2004, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ hình thành một nhóm mà sau đó phát triển thành liên minh không chính thức để đẩy lùi chống lại các hành động phi lý của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Điều này có thể đã khiến Bắc Kinh có lý do để lo lắng, một liên minh mở rộng, ban đầu tập trung vào việc chống lại Covid-19, có thể trở thành đơn vị lớn hơn để đối đầu với tham vọng của họ. Ngay cả ở Philippines, dù mối quan hệ với Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều trong 3 năm qua, căng thẳng vẫn gia tăng quanh vấn đề biển Đông.
Manila phản đối gay gắt Bắc Kinh, các thực thể hành chính mới mà nước này tuyên bố ở biển Đông. Manila cũng lên án việc một tàu hải quân Trung Quốc chĩa súng radar vào một tàu hộ tống của hải quân Philippines trong cuộc tuần tra thường lệ. Hơn nữa, trong cuộc điện đàm tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra khả năng cả hai bên sẽ vượt xa việc thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến Covid-19. Cả hai cũng nỗ lực cứu vãn Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) giữa hai bên, hoặc đưa ra một thỏa thuận thỏa đáng hơn.
Cuối cùng, theo tác giả bài viết, trên giấy tờ, việc Trung Quốc thành lập các đơn vị hành chính mới ở Biển Đông có vẻ vô hại. Tuy nhiên, nó tạo ra sự phẫn nộ lan rộng. Thất bại trong việc phản đối động thái này của Bắc Kinh cũng có thể chỉ ra một số sự đồng ý với vị trí Bắc Kinh, củng cố tuyên bố chiếm đóng của nó, một mục tiêu dài hạn không có gì đáng ngạc nhiên.
KHẢ ANH
Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông
Ngày 8-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ ngày 1-5 đến 16-8-2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông. TTXVN |