Trung Quốc không có ca nhiễm mới, thế giới thêm hy vọng

Thứ sáu, 20/03/2020 11:15

Ngày 19-3, Trung Quốc thông báo không có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 trong nước, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm chủng virus nguy hiểm chết người này. Đây được xem là tính hiệu vui cho Trung Quốc và cả thế giới, mang đến tia hy vọng hiếm hoi cho phần còn lại trong bối cảnh các nước đang phải gồng mình chống lại virus, và cả bài học về các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Miami, Mỹ.

Tuy nhiên, các ca nhiễm từ bên ngoài Trung Quốc lại tăng. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, tính đến cuối ngày 18-3, có thêm 34 ca từ nước ngoài, mức tăng cao nhất trong ngày, nâng tổng số mắc Covid-19 từ nước ngoài lên 189 ca. Tỉnh Hồ Bắc đã báo cáo 8 ca tử vong vào ngày 18-3 và 7 ca tử vong vào ngày 17-3.

Những cảnh báo về làn sóng thứ 2 của Covid-19

Tháng trước, Vũ Hán là tâm dịch với hàng ngàn trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. “Hôm nay chúng ta đã thấy bình minh sau rất nhiều ngày nỗ lực”, Jiao Yahui, một thanh tra viên cao cấp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, virus vẫn tiếp tục hoành hành ở những nơi khác, cả về con người và kinh tế. Các cổ phiếu lại tiếp tục sụt giảm trên Phố Wall vì lo ngại suy thoái kéo dài, giảm nhanh đến mức gây ra một đợt ngừng giao dịch tự động khác, trong khi các nhà sản xuất ô-tô lớn của Mỹ cho biết đang đóng cửa các nhà máy ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, cũng có những cảnh báo về làn sóng thứ 2 của Covid-19. Tuy nhiên, Bắc Kinh đánh giá thấp những cảnh báo như thế này. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng, tình trạng tồi tệ nhất hiện đã qua và đánh giá thấp những cảnh báo bệnh dịch này có thể xảy ra theo mùa hoặc một “làn sóng thứ hai” chết chóc hơn có thể xảy ra vào cuối năm nay. Vì đại dịch tiếp tục lan rộng khắp các nước, ngày càng có nhiều nước đang dốc hết sức với kịch bản tồi tệ nhất sớm nhất là năm sau Covid-19 mới hết. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tại Trung Quốc bày tỏ tự tin, các biện pháp kiềm chế nghiêm ngặt đã thực hiện đủ nhằm đảm bảo rằng sự bùng phát có thể xảy ra trong tầm kiểm soát, ít nhất ở trong nước, trong nhiều tuần. Mặc dù vẫn đề phòng những rủi ro từ các ca đến từ nước ngoài nhưng cho rằng Trung Quốc có khả năng loại bỏ Covid-19 như cách họ loại bỏ SARS hồi năm 2003.

Hiện, Bắc Kinh đã thông qua thử nghiệm lâm sàng với vaccine đầu tiên chống SARS-CoV-2. Theo một thông tin được đăng tải trên People Daily, Trung Quốc đã cho phép tiến hành những thử nghiệm lâm sàng với vaccine đầu tiên được phát triển để chống lại SARS-CoV-2. Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Chen Wei thuộc Học viện Khoa học Quân Y Trung Quốc đứng đầu.

Nước Mỹ “đang trong thời chiến”

Tuyên bố của Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump ví chiến dịch phòng chống SARS-CoV-2 với một cuộc chiến tranh và tự nhận mình là “tổng thống thời chiến, chiến đấu với một kẻ thù vô hình”.

“Đây là một cuộc chiến. Theo một nghĩa nào đó, tôi coi mình là một tổng thống thời chiến. Đây là một tình huống rất khó khăn”, ông Trump khẳng định. Ông Trump đã viện dẫn “Đạo luật sản xuất quốc phòng” năm 1950  để yêu cầu tăng tốc sản xuất các thiết bị y tế chống dịch như khẩu trang, máy trợ thở... “Hy vọng chúng ta sẽ không phải dùng tới những vật tư này trong thời gian tới nhưng chúng ta phải cùng nhau chiến đấu”, ông Trump nói. “Đạo luật Sản xuất Quốc phòng” trao cho tổng thống quyền hạn chỉ đạo các nhà máy sản xuất trong nước cung cấp các vật tư, hàng hóa thiết yếu khi quốc gia có khủng hoảng an ninh. Đạo luật cũng cho phép tổng thống yêu cầu các doanh nghiệp và tập đoàn phải ưu tiên và chấp nhận hợp đồng sản xuất vật tư và đáp ứng các dịch vụ cần thiết.

Mỹ cho đến nay có 140 người chết và hơn 8.500 ca nhiễm ở 50 bang và thủ đô Washington. Bất chấp chỉ trích của WHO và phản đối gay gắt từ Bắc Kinh, Tổng thống Trump nhắc lại bình luận của ông về việc gọi SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới là “virus Trung Quốc”. Ông nêu rõ: “Đúng là nó tới từ Trung Quốc, vì vậy tôi nghĩ cụm từ vô cùng chính xác”. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết, một lý do khác cho việc này là nhằm trả đũa cái mà ông gọi là chiến dịch đánh lạc hướng của Bắc Kinh khi đổ lỗi cho quân đội Mỹ phát tán virus.

Ổ dịch đáng lo ở Châu Âu

Virus cho đến nay lây nhiễm hơn 218.000 người trên toàn thế giới và giết chết hơn 8.800 người, chủ yếu ở Trung Quốc, Italia và Iran. Hơn 84.000 người hồi phục. LHQ cảnh báo, cuộc khủng hoảng có thể làm mất gần 25 triệu việc làm trên toàn thế giới.

Trong khi Trung Quốc đang hồi phục sau đại dịch, Châu Âu đang trở thành tâm dịch mới. Bất chấp việc chính phủ các nước đẩy mạnh các nỗ lực chống dịch, số ca tử vong tại lục địa già đã lần đầu tiên vượt số ca tử vong ở Châu Á. Theo báo cáo mới nhất, có it nhất 3.421 ca tử vong ở khắp Châu Âu, so với 3.384 cả Châu Á. Italia là nước có số ca tử vong cao nhất ở Châu Âu, với tổng cộng 2.978 trường hợp. Đáng chú ý, riêng trong ngày 18-3, nước này ghi nhận thêm 475 ca, con số cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục, thêm 4.207 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.713. Pháp cũng ghi nhận thêm 89 ca tử vong và 1.404 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 264 người và số bệnh nhân lên 9.134 người.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel lần đầu phát thông điệp toàn quốc kêu gọi dân chúng chung tay ứng phó dịch. Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, bà Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ sau Thế chiến II, nhấn mạnh, tình hình là rất nghiêm trọng, kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay. Nhà lãnh đạo Đức cũng trấn an những lo ngại của dân chúng về vấn đề nguồn cung lương thực, kêu gọi người dân chỉ mua lương thực ở mức vừa đủ, không tích trữ lương thực một cách "vô nghĩa", đồng thời khẳng định nhà nước sẽ luôn đảm bảo các nguồn cung cấp thực phẩm cho dân chúng. Không giống như những bài phát biểu thường niên dịp Năm mới, đây là bài phát biểu trực tiếp đầu tiên của bà Merkel đến toàn thể dân chúng Đức kể từ khi bà nắm quyền thủ tướng năm 2005, với mục đích là trấn an người dân và kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc chung tay chống dịch. Tính đến nay, trên toàn nước Đức ghi nhận 11.979 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 28 ca tử vong do virus này.

KHẢ ANH

NHẬT CHO PHÉP THỰC TẬP SINH NƯỚC NGOÀI GIA HẠN LƯU TRÚ

Kể từ ngày 19-3, Cơ quan Xuất nhập cảnh và Quản lý cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ cho phép thực tập sinh kỹ năng nước ngoài gia hạn lưu trú nếu họ không thể tham gia kỳ thi kỹ năng để gia hạn thị thực vì sự bùng phát của dịch Covid-19.

Theo quy định hiện hành, thực tập sinh kỹ năng nước ngoài chỉ có thể lưu trú tại Nhật tối đa 5 năm và phải tham gia kỳ thi kỹ năng để gia hạn thị thực. Tuy nhiên, đài truyền hình NHK cho biết, Cơ quan Xuất nhập cảnh và Quản lý cư trú quyết định cho phép thực tập sinh sắp hết hạn lưu trú có thể tiếp tục làm việc ở nơi hiện nay tối đa 4 tháng. Trước đó, Tokyo đã cho phép thực tập sinh nước ngoài vẫn có thể tiếp tục ở lại nước này nếu thời hạn lưu trú đã hết và họ không thể về nước do sự bùng phát của dịch Covid-19. Ngoài ra, các thực tập sinh đã hoàn tất hợp đồng 3 năm và chuẩn bị về nước nhưng quyết định chuyển sang đào tạo kỹ năng sẽ được phép gia hạn lưu trú tối đa 4 tháng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tổng số lao động nước ngoài đang làm việc ở nước này vào cuối tháng 10-2019 là 1.658.804 người, trong đó Việt Nam có 401.326 lao động.

T.V

-------

Iran tiếp tục ân xá 10.000 tù nhân

Truyền hình nhà nước Iran ngày 19-3 đưa tin: Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei sẽ ân xá 10.000 tù nhân, bao gồm cả những tù nhân chính trị để chào đón năm mới của Iran vào ngày 20-3.

"Những người đã được ân xá sẽ không bị đưa trở lại nhà tù... gần một nửa số tù nhân liên quan đến an ninh cũng sẽ được ân xá", người phát ngôn cơ quan tư pháp Gholamhossein Esmaili tuyên bố. Hôm 17-3, nước này cũng đã tạm thả khoảng 85.000 tù nhân, bao gồm các tù nhân chính trị, nhằm tránh lây lan trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành ở nước này.

T.N

-------

Nga, Mexico ghi nhận ca đầu tiên tử vong do Covid-19

Ngày 19-3, Nga ghi nhận ca đầu tiên tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.

Trường hợp mới tử vong tại Nga là một người phụ nữ 79 tuổi với các bệnh lý nền được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, qua đời do viêm phổi. Nga hiện ghi nhận 147 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Trước đó, Bộ Y tế Mexico thông báo nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên là trường hợp này có tiền sử mắc bệnh tiểu đường và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus từ tuần trước.

T.L