Trung Quốc nỗ lực tránh "bẫy thu nhập"

Thứ ba, 15/04/2014 08:46

(Cadn.com.vn) - Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế thu nhập cao, nhưng điều quan trọng là Bắc Kinh cần thực hiện một số cải cách khó khăn để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Kinh tế thay đổi quyền lực chính trị

Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sự tăng trưởng tất yếu của kinh tế Trung Quốc là thực tế không phải bàn cãi. Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi quyền lực chính trị, kết quả của sự chuyển dịch kinh tế.

Chẳng hạn như, nền kinh tế New Zealand giờ đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Kết quả là, Bộ trưởng Quốc phòng Jonathan Coleman đến thăm Bắc Kinh trong tháng 11-2013 nhằm "cân bằng" ngoại giao; duy trì "con đường" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mục đích của chuyến thăm này là nhấn mạnh với chính phủ Trung Quốc rằng, New Zealand sẽ không đứng về phía nào trong các tranh chấp mà sẽ sử dụng "quy trình quốc tế" để giải quyết vấn đề. Đối với quốc gia có truyền thống thân thiết với các đồng minh và bạn bè phương Tây như New Zealand, động thái như vậy sẽ rất khó xảy ra nếu không có sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Nếu xem tình hình hiện nay giữa Trung và Mỹ như là "cuộc đấu tranh giành vị trí ông chủ" ở Châu Á, việc làm chủ kinh tế trong tương lai của Trung Quốc trong khu vực có khả năng khiến Washington phải điều một số tàu chiến Mỹ đến Châu Á.

Trung Quốc cần thay đổi

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đang nằm trong số những nước có thu nhập trên mức trung bình (từ 4.086-12.615 USD/đầu người) như Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong khi các quốc gia này đang bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình, không có điều kiện về vốn, công nghệ và lao động để phát triển hơn nữa, Trung Quốc đang di chuyển vào câu lạc bộ các quốc gia có thu nhập cao (trên 12.616USD/đầu người).

IMF đưa ra chương trình nghị sự cải cách lĩnh vực tài chính và dịch vụ của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thực hiện những cải cách cần thiết, nước này sẽ chuyển đổi thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2030, nhưng sau đó sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng trì trệ trong khung thu nhập trung bình.

Giống như Nhật, Hàn và những "con hổ" Châu Á khác, những nước đã chuyển đổi vào những năm 1980 từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động theo hướng hiệu quả hơn, một câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế của Trung Quốc sẽ thay đổi tương tự như thế hay không. Điều quan trọng là Bắc Kinh phải biết thích ứng khi chuyển từ nước thu nhập trung bình sang quốc gia có thu nhập cao. Song nỗi ám ảnh về "bẫy thu nhập trung bình" là viễn cảnh đáng sợ cho một quốc gia có tham vọng như Trung Quốc.

An Bình

(Theo Diplomat)