Trung Quốc phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới

Thứ tư, 17/08/2016 11:26

(Cadn.com.vn) - Sáng 16-8, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, giúp Bắc Kinh thiết lập hệ thống thông tin liên lạc "siêu bảo mật" giữa không gian với mặt đất. Đây là bước tiến mới nhất trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.

Vệ tinh thử nghiệm lượng tử quy mô không gian (QUESS) mang tên Mặc Tử được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2D từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, thuộc khu tự trị Nội Mông. Mặc Tử, với trọng lượng hơn 600 kg, sẽ bay quanh Trái Đất với vòng quay 90 phút/lần sau khi đi vào quỹ đạo ở độ cao 500 km. Trong sứ mệnh kéo dài 2 năm, Mặc Tử được thiết kế nhằm thiết lập hệ thống lượng tử "chống bị tấn công" bằng cách truyền phát các ký hiệu mã hóa không thể bị bẻ khóa từ không gian về mặt đất, cũng như cung cấp dữ liệu giúp hiểu sâu về các hiện tượng trong vật lý lượng tử.

Vệ tinh Mặc Tử được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ Tinh Tửu Tuyền, Nội Mông. Ảnh: Tân Hoa Xã

Thay đổi cuộc sống

Với vệ tinh mới này, các nhà khoa học có thể kiểm tra phân phối khóa lượng tử giữa các trạm vệ tinh và mặt đất, cũng như đảm bảo liên lạc lượng tử an toàn giữa Bắc Kinh và thủ phủ Urumqi của khu tự trị Tân Cương.  "Vệ tinh mới ra mắt đánh dấu sự chuyển đổi về vai trò của Trung Quốc - từ việc theo dõi phát triển công nghệ thông tin đến dẫn dắt các thành tựu công nghệ thông tin trong tương lai", ông Pan Jianwei, Giám đốc khoa học của dự án QUESS tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), cho biết.

Các nhà khoa học hy vọng thông tin liên lạc lượng tử sẽ thay đổi sự phát triển của nhân loại trong 2-3 thập kỷ tới, giúp ích cho việc bảo mật liên lạc trong các lĩnh vực như quốc phòng, quân sự và tài chính.

Với sự phát triển của công nghệ lượng tử, cơ học lượng tử sẽ thay đổi cuộc sống của con người bằng nhiều cách. Ngoài thông tin liên lạc lượng tử, máy tính lượng tử cũng thu hút sự quan tâm từ các nhà khoa học và nhiều chính phủ trên toàn thế giới bởi tốc độ truyền thông tin nhanh gấp nhiều lần so với máy tính thông thường.

Quy mô toàn cầu?

Với sự ra mắt của QUESS, các nhà khoa học Trung Quốc hiện đang tập trung vào hệ thống thông tin liên lạc lượng tử từ mặt đất đến vệ tinh, qua đó cho phép thông tin liên lạc lượng tử trên quy mô toàn cầu. "Vệ tinh lượng tử lần đầu tiên chứng minh rằng việc truyền tín lượng tử trên quy mô toàn cầu là hoàn toàn có thể. Đây là bước tiến quan trọng mở ra kỷ nguyên Internet lượng tử trong tương lai", giáo sư Anton Zeilinger, hiện giảng dạy tại Vienna, Áo, nhận định.

Ông Pan cho biết, Italia, Đức và Canada, bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc phát triển vệ tinh lượng tử trong tương lai. "Nếu Trung Quốc phóng thêm các vệ tinh thông tin liên lạc lượng tử vào quỹ đạo, chúng ta có thể mong đợi sự xuất hiện của mạng lưới truyền thông lượng tử toàn cầu vào năm 2030", ông Pan cho biết.

An Bình
(Theo Tân Hoa Xã)