Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam
* Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi trái phép
* Việt Nam mong muốn đàm phán hữu nghị
* Phản ứng của báo chí quốc tế
(Cadn.com.vn) - Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đến 18 giờ 30 ngày 16-7, giàn khoan Hải Dương- 981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sự dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương- 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc.
Sơ đồ thể hiện đường di chuyển của giàn khoan Hải Dương-981 đến rạng sáng ngày 16-7. (Nguồn: TTXVN). |
Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi trái phép
Ngày 16-7, tại Trụ sở Chính phủ, mở đầu phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao báo cáo cập nhật tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Theo đó, từ tối 15-7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam và đến sáng ngày 16-7, giàn khoan 981 cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bà con ngư dân, đồng bào ta cả trong và ngoài nước với lòng yêu nước nồng nàn đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực về mọi mặt của đất nước.
Đến chiều 16-7, giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hộ tống của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Việt Nam. |
Việt Nam mong muốn đàm phán hữu nghị
Ngày 16-7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình chính thức lên tiếng, nêu rõ: “Từ ngày 2-5-2014, giàn khoan Hải Dương-981 và nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí hoạt động của giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý.
Các tàu của Trung Quốc đã vây ép, cố tình đâm húc, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư đang thực thi nhiệm vụ quản lý biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam và gây tổn thất cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Việt Nam đã đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế”.
Thu Thủy – TTXVN
Trung Quốc nói gì? Ngày 16-7, trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đến hai lần đăng tải câu trả lời của Người phát ngôn Hồng Lỗi. Trả lời câu hỏi “Giàn khoan Hải Dương-981 dự kiến đến trung tuần tháng 8 mới hoàn tất hoạt động tác nghiệp nhưng hôm nay doanh nghiệp Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ và rút về, nguyên nhân việc rút sớm giàn khoan liệu có phải là không liên quan đến yếu tố kỹ thuật công trình?”, ông Hồng Lỗi nhắc lại rằng đến ngày 15-7, giàn khoan Hải Dương-981 đã “hoàn thành” hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển Hoàng Sa một cách thuận lợi, theo kế hoạch sẽ di chuyển đến dự án Lăng Thủy, đảo Hải Nam tiếp tục tác nghiệp. Cũng trong phạm vi câu trả lời, ông Hồng Lỗi một lần nữa lặp lại luận điểm sai trái của nước này, rằng giàn khoan Hải Dương 981 đã hoạt động “hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. Đồng thời, ông này cho biết: Việc di chuyển giàn khoan được thực hiện theo kế hoạch của doanh nghiệp hữu quan, không liên quan đến bất cứ nhân tố từ bên ngoài nào. Bước tiếp theo, doanh nghiệp hữu quan sẽ nghiên cứu đề ra phương án công tác cụ thể cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở phân tích và đánh giá kỹ lưỡng những dữ liệu địa chất thu được qua lần tác nghiệp này”. |
Phản ứng của báo chí quốc tế Thông tin Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam được đưa đậm nét trên các trang báo lớn của các nước như: New York Times, Washington Post, Time hay Reuters... Trong đó, báo giới nước Mỹ tỏ ra nhạy bén với thông tin này nhất. “Trung Quốc đang di chuyển giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam sau khi thông báo kết thúc hoạt động ở đây, động thái giúp kết thúc căng thẳng giữa hai nước và làm giảm những lo ngại về nguy cơ xung đột trên biển Đông”, báo Washington Post mở đầu bài viết. Tuy nhiên, hãng tin này cũng bày tỏ lo ngại Bắc Kinh “có thể sẽ trở lại”. New York Times cũng cho rằng chưa nên vội mừng bởi Bắc Kinh vẫn tự trấn an là “chỉ di dời giàn khoan chứ không rút lui” đồng thời nhận định, việc Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn dự kiến với tuyên bố “đã hoàn thành nhiệm vụ” là nhằm giữ thể diện sau 2 tháng đối đầu căng thẳng với Việt Nam. Thời báo Time danh tiếng của Mỹ cũng ngay lập tức cập nhật thông tin về vụ việc này. “Giàn khoan cuối cùng cũng biến mất, nhưng dường như đó là vết đen khó có thể quên được”, báo Time viết. Ở Anh, hãng tin Reuters của Anh cho rằng, việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 có thể giúp giảm căng thẳng và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh dù “đây là một quá trình đấu tranh bền bỉ”. Báo Wall Street Journal cũng có chung nhận định như thế này đồng thời dẫn lại thông tin về những hành động ngang ngược trong thời gian qua của Bắc Kinh ở vùng biển Việt Nam. Trong khi đó, tại Nhật, hãng tin Kyodo giật tít “Trung Quốc đã rút giàn khoan”, và cho rằng, việc này giúp chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng qua với Việt Nam. Trung Quốc điều giàn khoan 1 tỷ USD này đến vùng biển Việt Nam vào đầu tháng 5, làm bùng nổ làn sóng chỉ trích Bắc Kinh khắp thế giới. Washington xem việc triển khai giàn khoan là “hành động khiêu khích”, song Bắc Kinh bác bỏ và cảnh báo Mỹ đứng ngoài tranh chấp. Giàn khoan ban đầu dự kiến sẽ được rút sau ngày 15-8, nhưng Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành công việc và rút trước mùa mưa bão. Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng khẳng định, họ chấm dứt hoạt động của giàn khoan với lý do là mùa mưa bão bắt đầu và kết thúc công việc thăm dò địa chất vì đã tìm thấy dầu và khí đốt. Tuy nhiên, BBC dẫn lời giới chuyên gia “vạch mặt” Bắc Kinh khi đặt câu hỏi: “Tại sao tuyên bố của CNPC không đưa ra chi tiết gì về trữ lượng ước lượng hay độ khó trong việc khai thác lượng dầu và khí này”. Thanh Văn |