Trung Quốc tiếp tục “dậy sóng” vì vụ chỉnh sửa gen

Thứ năm, 29/11/2018 12:15

Tuyên bố gây nhiều tranh cãi về việc chỉnh sửa gen để chống lây nhiễm HIV/ AIDS của nhà nghiên cứu He Jiankui tiếp tục “dậy sóng” khắp Trung Quốc và cả thế giới, vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt.

Ông He Jiankui (phải) trong phòng nghiên cứu.   Ảnh: AFP

Cái tên He Jiankui đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khoa học khi ông tuyên bố đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới nhằm chống lây nhiễm HIV/ AIDS.

Nhằm hạ nhiệt sức nóng của vụ việc, trong tuyên bố đưa ra hôm 28-11, nhà khoa học này cho biết đã tạm dừng cuộc thử nghiệm. Thực tế là ông He Jiankui chưa công bố công trình của mình trên bất kỳ tạp chí khoa học nào, tức là nó chưa được xác nhận độc lập. Một nhà nghiên cứu người Mỹ cho biết đã cộng tác để trợ giúp He Jiankui, nhưng xác nhận đó chưa đủ độ tin cậy.

Vì sao vụ việc bị phản đối gay gắt?

Tuyên bố gây nhiều tranh cãi về việc chỉnh sửa gen để chống lây nhiễm HIV/ AIDS của nhà nghiên cứu He Jiankui tiếp tục “dậy sóng” khắp Trung Quốc và cả thế giới, vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt.

Mọi việc bùng nổ vào hôm 26-11 khi trong một đoạn băng, ông He Jiankui, đến từ Đại học Khoa học và kỹ thuật miền Nam (SUST) ở Thâm Quyến, cho biết đã tạo ra được hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới. Ông nói, gen của cặp sinh đôi có tên Lulu và Nana đã được chỉnh sửa để có khả năng chống lây nhiễm virus HIV/AIDS. “Khi Lulu và Nana chỉ là một đơn bào, cuộc phẫu thuật đã loại bỏ con đường mà virus HIV sử dụng để thâm nhập và lây nhiễm cho con người”, ông He Jiankui cho biết. Theo đó, khi ghép tinh trùng của người cha (bị nhiễm HIV) vào trứng, các bác sĩ sẽ cấy thêm protein CRISPR-Cas9 và thực hiện một cuộc “phẫu thuật” loại bỏ gen CCR5.

Tuyên bố càng gây lo lắng bởi nhà khoa học này cho biết, việc sửa đổi di truyền đã được thực hiện trên một số phôi thai của nhiều cặp vợ chồng, và một trong số họ cũng đang mang thai. Tổng cộng có 8 cặp đôi tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm, trong đó, tất cả đàn ông trong thí nghiệm đều nhiễm HIV, trong khi phụ nữ thì không. Tuy nhiên, một người bỏ cuộc.

Động thái này làm bùng nổ cuộc tranh luận sôi nổi giữa cộng đồng khoa học, với nhiều lo ngại về tính xác thực của nó và nguy cơ phơi bày phôi khỏe mạnh để chỉnh sửa gen. Hầu hết các nhà khoa học lên án chương trình thí nghiệm này, cho rằng, nó vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Hơn 100 nhà khoa học cùng ký bức thư ngỏ, cho rằng, việc sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa các gen của phôi người là nguy hiểm, không hợp lý và làm tổn hại đến danh tiếng và sự phát triển của cộng đồng y sinh. “Nghiên cứu này hoàn toàn phớt lờ các nguyên tắc về đạo đức y sinh... Chúng tôi chỉ có thể nói rằng, đây là hành vi điên rồ”, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) ở Thượng Hải, nhận định.

 Một hiệp hội các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã ban hành một tuyên bố nhấn mạnh “kiên quyết phản đối cái gọi là nghiên cứu khoa học và các ứng dụng công nghệ sinh học vi phạm tinh thần và đạo đức khoa học” như công trình của ông He. Họ cho rằng, vụ việc này đã phá hủy uy tín quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thử nghiệm với công nghệ phôi thai của con người. Hồi tháng 9-2017, các nhà khoa học tại Đại học Sun Yat-sen đã sử dụng một phiên bản chỉnh sửa gen thích nghi để sửa chữa một đột biến gây bệnh trong phôi người.

Ông He Jiankui vẫn bảo vệ công việc của mình

Ông He dự kiến sẽ chính thức công bố về công trình nghiên cứu trên. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm 28-11, nhà khoa học này đã cho biết đã tạm dừng cuộc thử nghiệm. “Tôi phải xin lỗi khi kết quả này đã bị rò rỉ bất ngờ”, ông He Jiankui nói về vụ việc đang gây sóng gió này đồng thời nói thêm rằng, “các thử nghiệm lâm sàng đã tạm dừng do tình hình hiện tại”.

Tuy nhiên, bất chấp chỉ trích và tranh cãi, ông He cho biết vẫn rất tự hào về công việc của mình và tiết lộ, một tình nguyện viên đang mang thai như một phần của nghiên cứu. “Đối với trường hợp này, tôi cảm thấy tự hào. Tôi cảm thấy tự hào nhất”, ông nói bất chấp việc đối mặt với nhiều đồng nghiệp tại Hội nghị chỉnh sửa gen tại Đại học Hồng Kông hôm 28-11. Ông cũng cho biết, nghiên cứu này đã được gửi đến một tạp chí khoa học để xem xét. Tuy nhiên, nhà khoa học này không nêu tên tạp chí và nói rằng trường đại học nơi ông làm việc không biết gì về nghiên cứu của mình. Trường Đại học SUST trước đó cũng tuyên bố không biết gì về dự án nghiên cứu của ông He vì ông này đã nghỉ phép không lương kể từ hồi tháng 2 và đã “vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật và quy tắc ứng xử”. Chủ tịch hội nghị lần này, nhà khoa học từng đoạt giải Nobel David Baltimore, cho rằng, công trình nghiên cứu trên là “một sự thất bại vì thiếu tính minh bạch”. Ông khẳng định, đây là “hành động vô trách nhiệm”.

Điều chỉnh gen được xem là biện pháp tiềm năng chữa trị các loại bệnh có khả năng di truyền nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi dữ dội vì những thay đổi gen sẽ di truyền sang nhiều thế hệ và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến quỹ gen chung của nhân loại. Các chuyên gia cảnh báo, việc chỉnh sửa phôi người có thể tạo ra những đột biến không mong muốn ở những khu vực khác - cái gọi là “những tác động ngoài mục tiêu”.

KHẢ ANH