Trung Quốc trong vòng xoáy “Hồ sơ Panama”

Thứ sáu, 08/04/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - “Hồ sơ Panama” cho thấy, Trung Quốc chính là khách hàng VIP nhất của Mossack Fonseca –Cty luật đã giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền khi thành lập 214.000 Cty ma.

Tòa nhà nơi Cty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

AFP ngày 7-4 dẫn báo cáo của Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho biết, gần 1/3 hoạt động kinh doanh của Mossack Fonseca đến từ các văn phòng ở Đặc khu hành chính Hồng Kông và cả Trung Quốc đại lục. Động thái  khiến gã khổng lồ Châu Á này trở thành thị trường lớn nhất của Mossack Fonseca.

Theo ICIJ, hơn 16.300 Cty vỏ bọc phối hợp chặt chẽ với nhau thông qua 8 văn phòng của Mossack Fonseca ở Hồng Kông và các thành phố khác của Trung Quốc đại lục. Số Cty vỏ bọc này chiếm 29% số Cty thực trên toàn cầu. Theo kết quả điều tra ghi rõ trong “Hồ sơ Panama”, người thân của ít nhất 8 thành viên hiện tại và trước đây của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc liên quan đến việc sử dụng các Cty ở nước ngoài này. Những Cty này không phải là hoạt động phạm pháp nhưng thường bị lợi dụng để bí mật đưa các tài sản bất chính ra nước ngoài.

Tham nhũng là “bệnh khó chữa” ở Trung Quốc. Ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mang tên “Đả hổ, diệt ruồi”. Chiến dịch này cho đến nay đạt thành công lớn khi hàng loạt quan chức cấp cao, địa phương đã bị “sờ gáy”. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh gây chú ý khi công khai mở chiến dịch chống tham nhũng, nhưng lại thất bại trong việc cải cách cơ cấu hệ thống, chẳng hạn như khai báo tài sản.

Và vụ rò rỉ tài liệu gây chấn động này xảy ra vào thời điểm khá nhạy cảm đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo này mới đây yêu cầu các đảng viên đảng Cộng sản cầm quyền kê khai rõ ràng về tài sản gia đình để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Thật khó nói khi trong “Hồ sơ Panama” lần này có tên của anh rể ông Tập. Ông Đặng Gia Quý, chồng của chị gái ông Tập, trước đây là cổ đông lớn trong 3 Cty gồm Supreme Victory Enterprises, Wealth Ming International và Best Effect Enterprises. Tuy nhiên, các Cty này đã ngừng hoạt động trước khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012.

Ngoài ra, “Hồ sơ Panama” lần này cũng phanh phui tên các thành viên gia đình của 2 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện nay là ông Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn. Người thân của cựu các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác gồm Giả Khánh Lâm hay cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng... cũng có tên trong hồ sơ chấn động này. Tại Trung Quốc, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Trung Quốc Thành Long, tỷ phú thừa kế Kelly Zong Fuli, và ông trùm trung tâm thương mại Shen Guojun cũng nằm trong danh sách này.

“Hồ sơ Panama” vẫn đang làm chấn động thế giới và khiến nhiều chính trị gia lao đao. Một số nước cũng đã tuyên bố vào cuộc điều tra những thông tin được tiết lộ trong hồ sơ này. Thậm chí, Thụy Sĩ mở một cuộc điều tra hình sự liên quan tới vụ này. Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng khá gay gắt trước vụ việc này. Trong đó Bắc Kinh cho rằng, việc tiết lộ “Hồ sơ Panama” là mưu đồ của Mỹ. Chính phủ Nga cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, đây là âm mưu của Nhà Trắng nhằm vào Điện Kremlin. Truyền thông Trung Quốc thậm chí có bài viết cho rằng, có “một thế lực rất mạnh” đứng sau vụ rò rỉ tài liệu lớn này và nhận định, chính phủ Mỹ được hưởng lợi nhất từ vụ này.

Những cáo buộc của Trung Quốc và Nga không phải là không có căn cứ. Trên thực tế, dù đây là một vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử, điều gây bất ngờ là “Hồ sơ Panama” không có tên người Mỹ nào, dù đây là cường quốc số 1 thế giới.

Khả Anh