Trung Quốc - Trung Đông: Mối quan hệ "con dao hai lưỡi"

Thứ sáu, 25/10/2013 16:24

(Cadn.com.vn) - Cùng với việc "gom đất" ở Châu Phi, Trung Quốc còn gia tăng hiện diện tại Trung Đông, tạo nhiều mối lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt đối với Iran, quốc gia Hồi giáo lâu nay vẫn được Trung Quốc đối xử hữu hảo theo kiểu "con dao hai lưỡi"- đó là đánh giá của nhà báo Zachary Keck, Phó Tổng biên tập tờ The Diplomat của Nhật Bản trong loạt bài viết mới đây.

Iran - Trung Quốc

Mỹ coi sự trỗi dậy và xuất hiện của Trung Quốc tại Trung Đông không kém phần nguy hiểm như chương trình hạt nhân của Iran, nhất là khi hai quốc gia này bắt tay, cho dù mối quan hệ mang tính hai mặt.

Trên thực tế, Iran và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những tình tiết mới, nhất là khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách thù địch với phương Tây và Mỹ gia tăng. Trong chiến tranh Iran- Iraq những năm 1980, Bắc Kinh từng hỗ trợ đắc lực cho Iran và giờ đây còn tiếp tục cung cấp cho Tehran, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương lên tầm cao mới, đưa Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Hồi giáo.

Cũng trong thời gian trên, sự trừng phạt vẫn tiếp tục áp dụng với các Cty năng lượng phương Tây, nên các Cty của Trung Quốc nhanh chóng thế chân, đưa doanh số thương mại song phương đạt hơn 45 tỷ USD.

Mặc dù bề ngoài thân thiện nhưng đằng sau chiếc mặt nạ này là mối quan hệ âm mưu và đầy toan tính. Tehran từ lâu coi Bắc Kinh như một "con dao hai lưỡi", còn Trung Quốc lại sử dụng Iran như một con tốt, làm đòn bẩy trong giao dịch với Mỹ và sẵn sàng "sang tay" nếu có lợi.

Ví dụ, do áp lực của Nhà Trắng, Bắc Kinh ngừng chương trình hỗ trợ hạt nhân cho Iran  năm 1997 cũng như dừng bán vũ khí cho Tehran để làm lành với Mỹ. Con số ngưng giao dịch lên tới 4 tỷ USD mà Iran phải ngậm "bồ hòn làm ngọt". Gần đây, một mặt Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của HĐBA LHQ về chương trình hạt nhân Iran nhưng lại vẫn ngấm ngầm bảo vệ những lợi ích riêng tại Iran.

Ngoài ra, thị trường Iran đang tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, sự kiện này tàn phá ngành công nghiệp trong nước, làm cho người dân Iran bất bình, dấy lên làn sóng phản đối, tẩy chay và yêu cầu  chính phủ Iran phải vào cuộc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

 

Trung Á -Trung Quốc

Lợi ích của Trung Quốc và Iran còn liên quan đến vùng Trung Á. Sự sụp đổ của Liên Xô đầu thập niên 1990 tạo thuận lợi cho cả Tehran lẫn  Bắc Kinh cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, giúp các quốc gia này mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc nuôi tham vọng thay thế Nga, thậm chí cả Mỹ tại khu vực Trung Á.

Trong 10 năm trở lại đây, Bắc Kinh không ngừng mở rộng kinh tế, chính trị và quan hệ an ninh tại khu vực Trung Á này. Bắc Kinh hiện đang ngày càng thâm nhập sâu vào khu vực thông qua mạng lưới các mối quan hệ song phương và các tổ chức đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Nhiều chuyên gia Trung Á cho rằng, Bắc Kinh thay thế Moscow là diễn viên bên ngoài mạnh mẽ nhất trong khu vực. Tuy nhiên, cả Iran lẫn Trung Quốc đều gờm các tổ chức cực đoan khủng bố Hồi giáo, đặc biệt khi các tổ chức này câu kết với các tổ chức cực đoan tại Tân Cương.

Về lợi ích năng lượng của Trung Quốc và Iran ở Trung Á lại có sự mâu thuẫn. Bằng cách xây dựng một loạt các đường ống dẫn dầu và đường sắt, như hành lang Kazakhstan - Turkmenistan - Iran, quốc gia Hồi giáo giúp Trung Quốc khẳng định vị trí của mình tại khu vực Trung Á và vịnh Ba Tư.

Bằng cách tiếp cận vịnh Ba Tư và quốc gia Trung Á, Trung Quốc kỳ vọng sẽ cung cấp khí hóa lỏng sang Châu Âu và Châu Á mà không cần phải đi qua Nga.

Vịnh Ba Tư - Trung Quốc

Mối quan hệ Trung Quốc với khu vực biên giới phía Tây của Iran như Iraq và Trung Đông, thường xuyên nóng bỏng.

Đơn giản, vịnh Ba Tư là khu vực quan trọng nhất đối với cả Trung Quốc lẫn Iran. Với Bắc Kinh, đây là cái "rốn" dầu mà Trung Quốc cần tiếp cận. Theo Viện Brookings, năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu 2,9 triệu thùng dầu mỗi ngày từ khu vực này, chiếm 60% lượng dầu nhập khẩu chung của cả Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh sẽ cố gắng để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, nhưng trong nhiều thập kỷ tới, điều này vẫn chưa làm được. Dự kiến, dầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi từ 2,9 triệu thùng trong năm  2011 lên  6,7 triệu thùng vào năm 2035. Vào thời điểm này, khu vực Ba Tư vẫn chiếm tới 54% thị phần dầu nhập khẩu Trung Quốc.

Đối với Iran, việc tiêu thụ dầu vịnh Ba Tư còn liên quan đến chính sách đối ngoại. Mối quan hệ láng giềng trong khu vực suy yếu nên buộc Iran phải tìm cho mình một đồng minh mới, trong đó có Trung Quốc. Nhưng ngay từ khi có sự hiện diện của người Trung Quốc ở miền nam Iraq, Iran nghi ngờ về mối quan hệ tay ba này.

Tóm lại, trong khi Iran coi Mỹ là đe dọa an ninh lớn nhất trong tương lai. Và khi Mỹ muốn thu hẹp sự hiện diện tại Trung Đông, khả năng tái thiết lập quan hệ mới với Iran, sự "bành trướng" của Trung Quốc tại Trung Đông lại trở thành mối là mối đe dọa mới, dài kỳ đối với các quốc gia trong khu vực.

Kim Hùng

(Theo Diplomat)