Trung Quốc và cuộc cách mạng “Trí tuệ nhân tạo”

Thứ sáu, 04/08/2017 08:33

Kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Các robot được trưng bày tại Triển lãm Robot quốc tế năm 2017 tại Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 7. Ảnh: Diploma

Quốc hội Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo”, nêu chi tiết chương trình nghị sự đầy tham vọng đưa nước này trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI.

Trung Quốc có ý định theo đuổi tham vọng trở thành “trung tâm đổi mới AI đầu tiên toàn cầu” vào năm 2030. Thông qua khung chiến lược mới này, Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự “ba trong một” trong lĩnh vực AI: Giải quyết vấn đề chủ chốt trong nghiên cứu và phát triển, theo đuổi một loạt các sản phẩm và các ứng dụng, và phát triển ngành AI. Giới lãnh đạo Trung Quốc tìm “cơ hội chiến lược lớn” để thúc đẩy phát triển AI có khả năng vượt qua Mỹ.

Kế hoạch 3 giai đoạn

Đầu tiên, vào năm 2020, tiến độ tổng thể của Trung Quốc trong công nghệ và ứng dụng của AI sẽ bắt kịp với trình độ tiên tiến thế giới, trong khi ngành công nghiệp AI trở thành mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng.

Vào thời điểm đó, giá trị của ngành công nghiệp AI của Trung Quốc có giá trị 150 tỷ NDT (hơn 22.000 tỷ USD), với các lĩnh vực liên quan đến AI trị giá 1.000 tỷ NDT (gần 148.000 tỷ USD). Đồng thời, Trung Quốc bắt đầu đưa ra quy định về  luật, đạo đức và chính sách cho lĩnh vực AI. Tiếp theo, vào năm 2025, Trung Quốc sẽ đạt được những đột phá, đưa AI trở thành lĩnh vực chính định hướng cho cải cách kinh tế và tiến bộ công nghiệp của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Trung Quốc có ý định trở thành một quốc gia hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển, trong khi sử dụng rộng rãi AI trong các lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất thuốc đến bảo vệ đất nước. AI khi đó đạt giá trị 400 nghìn tỷ NDT (59.000 tỷ USD), các lĩnh vực liên quan đến AI đạt 5.000 tỷ NDT (740.000 tỷ USD).

Cuối cùng, vào năm 2030, Trung Quốc có ý định trở thành trung tâm đổi mới AI đầu tiên của thế giới. Vào thời điểm đó, nước này có thể thực hiện những đột phá trong nghiên cứu và phát triển để “chiếm lĩnh đỉnh cao chỉ huy của công nghệ AI”.

“Động lực mới”

Kể từ khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại, Bắc Kinh hy vọng AI có thể đóng vai trò như “động lực mới” để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai thông qua một cuộc cách mạng khoa học mới và chuyển đổi công nghiệp. Theo báo cáo gần đây, AI có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 26% vào năm 2030. Đồng thời, AI có thể cải thiện hệ thống giáo dục, y tế, và ngay cả ngành tòa án. Đồng thời, đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hy vọng AI sẽ có ích trong nâng cao công nghệ “quản lý xã hội” thông qua kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng sinh trắc học tiên tiến.

Trung Quốc thừa nhận AI là yếu tố quan trọng đối với “sức mạnh tổng thể của quốc gia” và khả năng quân sự trong tương lai. Nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược công nghệ mới này, giới lãnh đạo Trung Quốc có ý định sử dụng AI để phát triển theo định hướng đổi mới, với tham vọng trở thành cường quốc thế giới về khoa học và công nghệ.

AN BÌNH (Theo Diplomat)