Trung Quốc và TPP

Thứ sáu, 09/10/2015 09:46

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận kinh tế đầy tham vọng - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia  - đã thành hiện thực. Đây là hiệp định thương mại lớn nhất khu vực, nhưng điều đáng nói ở đây là Trung Quốc không tham gia.

Việc đạt thỏa thuận này sau hơn 5 năm đàm phán cho thấy nỗ lực hết mình của các bên liên quan khi đã vượt qua những khúc mắc được coi là "vượt ra ngoài vấn đề thương mại truyền thống". TPP lớn và quan trọng nên cũng khá phức tạp. Nếu được chính phủ và Quốc hội các nước chấp thuận, thỏa thuận này sẽ thiết lập các điều khoản mới cho gần 28.000 tỷ USD trong thương mại và đầu tư kinh doanh giữa các bên thỏa thuận. Tất nhiên, có người được nhiều hơn mất, có người mất nhiều hơn được từ TPP, nhưng điều người ta đang đặt ra là thỏa thuận kinh tế này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc  - "kẻ ngoại đạo" trong TPP và tương lai quan hệ Mỹ-Trung.

3 năm trước, Bắc Kinh thường xuyên lên án TPP, coi đây là một thỏa thuận nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây không còn chỉ trích TPP nhiều như trước và tỏ thái độ "chờ xem". Một số lần, chính quyền Trung Quốc chỉ ra rằng, mặc dù họ hiện không sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của TPP nhưng sẵn sàng tham gia trong một vài năm tới. Vậy TPP ảnh hưởng như thế nào đối với Trung Quốc?

Thứ nhất, TPP cho thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ-Nhật. Vị thế và sự năng động của bộ đôi này chính là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Nó tạo ra bối cảnh, các quy tắc tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị Mỹ chi phối. Điều đó khiến Trung Quốc cực kỳ khó chịu, và cũng tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải tính đến lựa chọn thay thế.          

Thứ hai, TPP chuyển dịch cân bằng kinh tế và liên minh trong khu vực Châu Á. TPP giúp đáng kể cho chính sách cải cách kinh tế của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, do đó khiến nền kinh tế số 3 thế giới này dần hồi phục. Ngoài ra, TPP sẽ kéo các nước khác đến gần hơn về mặt kinh tế với Mỹ, và do đó làm giảm ưu thế kinh tế của Trung Quốc. Nếu Hàn Quốc nhanh chóng tham gia vào TPP, nó sẽ càng tạo ra tác động kinh tế lâu dài hơn cho Trung Quốc.

Thứ ba, TPP làm tăng áp lực bên trong Trung Quốc, đối với các quyết định cải cách kinh tế. Bắc Kinh đã thiết lập Khu vực Thương mại Tự do Thượng Hải (FTZ) 2 năm trước, một phần là để thí điểm các biện pháp tự do hóa bên ngoài mà có thể hữu ích cho các chính sách cải cách. Nhưng TPP đang ảnh hưởng đến FTZ.

Thanh Văn