Trung Sơn trước cơn lốc đô thị hóa

Thứ năm, 07/04/2016 10:01

(Cadn.com.vn) - Sẽ chẳng có chuyện gì diễn ra ở Trung Sơn (Hòa Liên-Hòa Vang- Đà Nẵng) khiến dư luận ồn ào như thế, nếu như nơi đây không bị cơn lốc đô thị hóa bủa vây. 3 mặt là dự án, là khu đô thị, làng bỗng chìm trong vùng trũng, cái yên bình vốn có của ngôi làng bên cánh rừng gần 400 tuổi cũng bị những thanh âm của nhịp sống đô thị phả vào hầm hập.

Một góc làng Trung Sơn nơi còn những nóc nhà ngói đơn sơ với vườn tược thanh bình
đang bị khu đô thị bủa vây.

Đứng ở cuối đường Nguyễn Tất Thành nối dài nhìn xuống, một góc làng Trung Sơn hiện ra với những mái nhà ngói đơn sơ, cây cối um tùm, mang đúng dáng hình của làng quê xưa cũ với những bụi tre, chuối, rặng cau, sầu đông và cả hồ sen trước nhà. Cho dù không gắn bó cả đời ở Trung Sơn mà chỉ qua lại vài lần, hẳn khung cảnh ấy cũng gợn buồn ít nhiều cho ai đó. Ông ngoại tôi kể rằng, từ hồi thơ bé, cánh rừng Trung Sơn đã “nuôi dưỡng” bao ký ức trong trẻo. Trải qua thăng trầm thời gian và biến cố chiến tranh, cánh rừng vẫn sừng sững, như điểm tựa trường tồn của làng tới ngày nay. Cũng phải nói thêm, trong chiến tranh, làng là vùng đệm cách mạng suốt 30 năm, nơi có 24 Mẹ Việt Nam Anh hùng, nơi yên nghỉ của 80 liệt sỹ.

Rồi, Trung Sơn cứ yên bình như thế, nếu như cơn lốc đô thị hóa không đến. Gần chục năm trước, lo sợ mất đi cánh rừng được coi là điểm tựa biểu trưng này, người dân Trung Sơn đã tha thiết thỉnh cầu TP giữ lại cánh rừng. Và để bảo tồn, biến cánh rừng thành địa chỉ văn hóa, lịch sử, TP đã quyết giữ lại rừng Trung Sơn. Nhưng, khi không “đụng” đến Trung Sơn thì những khu vực xung quanh sẽ “đụng” đến. Dự án mọc lên, làng như bị “bao vây”, lọt thỏm trong vùng trũng của các dự án. Liên tiếp những mùa mưa gần đây, năm nào Trung Sơn cũng ngập trong nước. Để tránh ngập úng, phục chế các di tích lịch sử giúp người dân, du khách biết về truyền thống cách mạng của Trung Sơn, một DN đã xin được đầu tư kinh phí thực hiện dự án Khu di tích đồi Trung Sơn. Đầu tháng 3 vừa qua, TP đã có Quyết định phê duyệt tổng thể mặt bằng qui hoạch dự án.

Những khu mộ được lập lên sau khi công bố qui hoạch dự án.

Trong lúc mọi việc chưa được giải quyết rốt ráo thì sau khi công bố qui hoạch dự án hôm 24-3, hàng trăm ngôi mộ đã được dựng lên trong cánh rừng kéo theo đó là nhiều cây xanh trong rừng bị chặt phá. Chính quyền xã Hòa Liên cho biết đã phát hiện hơn 200 ngôi mộ mới lập trong cánh rừng, được nằm rải rác, mỗi khu khoảng 30 mộ, cao khoảng 40cm. Kiểm tra những ngôi mộ này thì phát hiện mới lập, không có người lo hương khói, vì thế địa phương khẳng định đây là mộ giả, không có hài cốt. Mục đích của việc lập những ngôi mộ này chưa xác định được.  Ông Trương Tấn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, cho hay: Chúng tôi đã yêu cầu những người lập mộ này kê khai nhưng chưa có ai lên tiếng. Thường những người làm mộ giả chỉ đến khi giải tỏa mới khai nhằm mục đích lấy tiền đền bù. Cũng theo ông Mạnh, địa phương đang điều tra rõ việc lập mộ giả, chặt phá rừng. Mục đính lập mộ là gì sẽ phải được làm rõ. Việc tác động vào rừng như thế thì không thể là người dân nơi khác được.

Được biết, trong thời gian tới, dự án Khu di tích đồi Trung Sơn sẽ được triển khai với các hạng mục như Đình làng, Nhà bia và Di tích đồi Trung Sơn, vườn dạo, bãi đỗ xe…

Hải Quỳnh