Trùng tu di tích - mãi là bài toán khó!

Thứ ba, 18/07/2017 10:03

(Cadn.com.vn) - Di tích lịch sử địa đạo Bình Túy (xã Bình Giang, Thăng Bình, Quảng Nam) vừa được UBND tỉnh công nhận  là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây chính là sự ghi nhận những giá trị lịch sử truyền thống và tầm ảnh hưởng vốn có của di tích, mở ra cơ hội lớn trong việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử này. Thế nhưng có một thực tế diễn ra từ lâu nay ở hầu hết các địa phương có di tích được công nhận trên địa bàn huyện, đó là công tác trùng tu, bảo vệ dù được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân trong vùng di tích.

Địa đạo Bình Túy được phát lộ vào năm 2014, tuy nhiên đến nay miệng hầm chỉ được bảo vệ bằng những mái tôn tạm bợ.

Di tích trong lòng dân

Theo lịch sử Đảng bộ xã Bình Giang, giai đoạn 1963- 1965, địch thường xuyên càn quét các xã vùng đông của H. Thăng Bình. Để thực hiện 3 bám theo chủ trương của trên đó là Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch, nhất định phải dựa vào các hầm hào, địa đạo để đối phó với địch và đánh địch. Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử, địa đạo Bình Túy được đào từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.  Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khoảng cuối năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, nhân dân thôn Bình Túy đã đào một địa đạo bí mật trong lòng đất làm nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, chống lại sự càn quét của giặc. Phương tiện đào chỉ với dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, trạc, thúng... Bằng sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân, thời gian sau, một hệ thống địa đạo dài hơn 3km, nằm sâu hơn 3m trong lòng đất được hình thành. Miệng hầm của địa đạo Bình Túy- nơi gắn liền với sự hy sinh anh dũng của AHLLVTND Trương Thị Xáng, khi chị mưu trí cứu thoát 300 người ẩn náu bên dưới khi Mỹ mở trận càn vào tháng 2-1965.

Khó khăn bảo tồn di tích

Khoanh vùng bảo vệ cho miệng hầm của địa đạo Bình Túy bằng mái tôn, cột tre, hay vài bó bổi-  đó là cách làm duy nhất  được chính quyền xã Bình Giang thực hiện trong suốt 3 năm qua, kể từ ngày địa đạo được phát lộ vào tháng 3-2014. Khi được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, việc khôi phục lại hiện trạng của hệ thống giao thông hào trong di tích- nơi gắn liền với sự hy sinh của AHLLVTND Trương Thị Xáng, chắc chắn sẽ được tiến hành trong tương lai. Theo ông Phan Văn Thuận, cán bộ văn hóa xã Bình Giang, khi khôi phục địa đạo nhất định phải giữ nguyên hiện trạng của các bờ tre, nếu phá vỡ bờ tre là mất giá trị của di tích, do đó mục đích của địa phương là trùng tu lại di tích bằng hai miệng hầm, mỗi miệng hầm là 9m, còn lại giữ nguyên giá trị bờ tre. Sau này nếu tương lai phục vụ cho du lịch thì kế hoạch là đúc các tấm bê-tông bên dưới chứ nhất quyết là phải giữ nguyên bờ tre. Còn theo ông Nguyễn Văn Anh,  Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, sau khi di tích được công nhận, địa phương đã xây dựng những phương án để trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt trong công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân để nhân dân hiểu được giá trị lịch sử của địa đạo Bình Túy.  "Hiện nay, địa phương chủ yếu tập trung cho vấn đề lập hồ sơ, các thủ tục có liên quan, chủ trương bảo vệ các cửa hang cửa hầm của địa đạo, chúng tôi cũng đã tiến hành làm, nhưng ở đây toàn là đất cát, khi mưa lớn, dẫn đến bồi lấp cát, nên công tác khôi phục lại chúng tôi phải chờ cấp trên về nguồn kinh phí, kỹ thuật mới tiến hành"- ông Anh cho hay.

Còn với Phật viện Đồng Dương xã Bình Định Bắc, trước khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12-2016, di tích này đã có đến 15 năm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, đấy cũng là khoảng thời gian mà chính quyền và người dân nơi đây luôn sống trong niềm mong mỏi: Phật viện sẽ được đầu tư tôn tạo, và khoanh vùng bảo vệ để giữ nguyên những giá trị tâm linh vốn có của một kinh đô Phật giáo lớn nhất ở Đông Nam Á. Thực tế, việc tiến hành trùng tu, bảo vệ di tích này mới chỉ được thực hiện trong vòng 3 năm trở lại đây, khi Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng vành đai bảo vệ, thế nhưng ngay tại khu vực trung tâm của Tháp, hàng héc-ta cây rừng, cỏ dại lại thi nhau xâm lấn. Bà Nguyễn Thị Thu-Phó trưởng Phòng VHTT H.Thăng Bình cho biết, cùng với di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, H. Thăng Bình còn có 18 di tích lịch sử cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khác gồm: Di tích lịch sử địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam-Chợ Được và Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư. Mặc dù đã được chính quyền từ huyện đến xã quan tâm tu bổ, tôn tạo hàng năm, nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp khiến địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tôn tạo, trùng tu các di tích đã được công nhận. Có thể thấy, giá trị lịch sử  và ý nghĩa mà các di tích mang lại hôm nay là vô giá. Việc bảo vệ, trùng tu, để phát huy những giá trị của di tích ngoài phần kinh phí cần nâng cao nhận thức của người dân vùng di tích cũng như sự vào cuộc kịp thời  của chính quyền các cấp nhằm đưa những giá trị lịch sử truyền thống  đến với nhân dân.

THÀNH CHÂU - VĂN TOÀN