Trường bán công chuyển sang công lập: Thay đổi tâm thế của người dạy và người học
![]() |
Ông Nguyễn Quang Long - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú
Trường THPT BC Trần Phú là trường BC đầu tiên trên địa bàn TPĐN được chuyển đổi sang loại hình CL tự chủ một phần về tài chính. Sau một năm thí điểm, có thể nói, về cơ chế cơ bản chưa có sự thay đổi nào lớn. Tuy nhiên, xét về chất thì đã có sự thay đổi rõ rệt. Nói khác đi, việc chuyển đổi này tạo nên một tâm thế mới cho cả giáo viên (GV) lẫn người học.
Trước đây, khi còn ở hệ BC, mặc dù điểm xét tuyển vào Trường Trần Phú cao hơn một số trường CL khác, nhưng vẫn “mang tiếng” là không thi tuyển đầu vào. Các thí sinh sau khi không thi đỗ vào các trường THPT CL như Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám..., mới xét tuyển vào Trường BC Trần Phú hoặc vào các trường BC khác.
Giờ đây, khi được chuyển đổi sang loại hình CL, trường cũng tuyển sinh đầu vào “sòng phẳng”. Chính điều này đã tạo cho GV một tâm thế mới: yên tâm hơn về chất lượng đầu vào, đồng thời trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp cũng vì thế tăng lên rất nhiều; không còn có chuyện đổ thừa, đổ lỗi nếu chất lượng dạy học không cao như khi còn là trường BC.
Bên cạnh đó, quyền lợi, các chính sách dành cho GV, nhất là GV hợp đồng cũng thay đổi theo chiều hướng có lợi và tích cực hơn. Chẳng hạn, khi đang còn là trường BC, nếu vì điều kiện, hoàn cảnh phải chuyển đổi nơi công tác, bắt buộc GV phải chuyển đổi cùng loại trường BC (cả HS cũng thế). Còn nay, GV có thể chuyển đổi công tác về bất cứ trường CL nào trên cả nước. Hoặc trước đây, nếu GV muốn về hưu trước tuổi, theo quy định về chế độ chính sách, nhà trường phải trả 50%, ngân sách Nhà nước trả 50%. Trong khi đó, nhà trường không có đủ kinh phí để chi trả khoản này. Do vậy, rất nhiều GV không dám xin nghỉ hưu trước tuổi vì như thế sẽ quá thiệt thòi về quyền lợi...
Mặt khác, lúc đang còn là trường BC, học phí chính là nguồn thu chủ yếu của nhà trường. Do vậy, vấn đề duy trì sĩ số của HS luôn được coi trọng. Từ đó, dù rất chú trọng đến kỷ luật nhưng nhà trường cũng không thể làm quá mạnh tay đối với những HS cá biệt mà phải tìm các biện pháp xử lý khác nhẹ hơn. Nhưng khi được chuyển đổi sang loại hình trường CL, nhà trường có quyền siết chặt hơn về kỷ luật. Thái độ học tập của HS vì thế cũng khác đi...
Sau một năm được chuyển đổi loại hình, kết thúc năm học 2007-2008, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Trường Trần Phú rất cao, hơn 98%. Cũng trong năm học vừa qua, tại kỳ thi chọn HS giỏi cấp thành phố, Trường Trần Phú đoạt được 6 giải nhất, 9 giải nhì, 27 giải ba và 21 giải khuyến khích. Trong kỳ thi tin học trẻ không chuyên cấp thành phố, trường cũng đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba...
Một thuận lợi khác nữa là vấn đề tài chính. Trước đây, vào thời điểm mức lương cơ bản được quy định là 290.000/tháng, với mức thu học phí do thành phố quy định, nhà trường chỉ có khả năng chi trả lương cho GV hợp đồng trong 8 tháng. Khi mức lương cơ bản được nâng lên 540.000 đồng/tháng, nhà trường chỉ có khả năng chi trả lương trong 7 tháng. Số còn lại phải chờ vào sự hỗ trợ ngân sách từ thành phố và phải làm tờ trình xin hỗ trợ... Trong khi đó, xét về quỹ lương, Trường Trần Phú là một trong những trường THPT có quỹ lương cao nhất do đội ngũ GV có thâm niên trong ngành nhiều.
Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, việc chi trả lương cho cán bộ GV luôn phụ thuộc vào ngân sách của thành phố nên nhiều khi chi trả chậm. Mặc dù nay vẫn được ngân sách bù lỗ cho sự thiếu hụt này, nhưng vì là trường CL nên vấn đề tài chính nằm trong kế hoạch chi thu ngân sách ngay từ đầu năm, không phải xin như trước đây. Nói khác đi, khi được chuyển đổi loại hình, Trường Trần Phú được nằm trong hệ thống quản lý của Nhà nước, được đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị, được hỗ trợ đền bù quỹ lương theo đúng kế hoạch.
![]() |
Ông Phạm Úc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền
Có thể nói, so với các trường BC trên cả nước, loại hình trường BC ở Đà Nẵng được sự quan tâm của chính quyền địa phương và của ngành. Vì thế, các trường BC vẫn được sự hỗ trợ đầu tư về kinh phí trong hoạt động cũng như trang thiết bị dạy và học... Riêng ở Trường THPT BC Nguyễn Hiền, mọi hoạt động vẫn được thực hiện đầy đủ gần giống như một trường CL.
Tuy nhiên, từ khi thành phố có quyết định chuyển đổi Trường THPT BC Nguyễn Hiền (cuối tháng 6-2008) sang loại hình trường CL tự chủ một phần về tài chính bắt đầu từ năm học 2008-2009, tập thể cán bộ, GV, công nhân viên nhà trường rất vui mừng.
Bởi lẽ, thứ nhất, về khâu tuyển sinh đầu vào, Trường Nguyễn Hiền sẽ được tuyển sinh tương đối “bình đẳng” như các trường CL khác. Do vậy, GV cảm thấy an tâm hơn về đầu vào của HS. Thứ hai, kế hoạch thu chi ngân sách cũng như các vấn đề có liên quan khác được phê duyệt ngay từ đầu năm, không phải đi xin như trước đây nữa. Thứ ba, chế độ chính sách cho GV (xét về cơ cấu tổ chức) cũng tốt hơn so với loại hình trường BC. Ví dụ trước đây, GV hợp đồng của trường BC không thể tham gia cuộc thi tuyển biên chế dành cho GV hợp đồng của các trường CL.
Đây là tín hiệu đáng mừng nhất. Năm học trước, mức thu học phí của trường đạt 1,7 tỷ đồng, trong khi đó mức chi lại là 3,6 tỷ đồng, ngân sách thành phố bù 1,53 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, ngoài quyết định của UBND TPĐN về việc chuyển đổi loại hình trường, chưa có một hướng dẫn nào khác liên quan đến vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, sự lo lắng của một số GV lớn tuổi trong dạng hợp đồng khi nghe thông tin có thể bị cắt hợp đồng sau khi chuyển đổi loại hình trường là không có. Sẽ không có sự xáo trộn nào làm ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ GV...
P.T (thực hiện)