Truông Bồn ngày ấy- bây giờ

Thứ sáu, 25/07/2014 12:05

(Cadn.com.vn) - "Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc/ Sống kiên cường bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm", không quản ngại hy sinh gian khổ cho những chuyến hàng chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là khẩu hiệu của TNXP Truông Bồn trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn mới khánh thành.

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km trên dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, H. Đô Lương (Nghệ An). Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến độc đạo chiến lược nối liền mạch máu giao thông để miền Bắc chi viện cho miền Nam. Không quân Mỹ đã dồn lực đánh phá ác liệt biến Truông Bồn trở thành "tọa độ chết". Chỉ tính một giai đoạn ngắn 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10-1968), Mỹ ném xuống Truông Bồn hơn 3.000 quả bom các loại.

Tại tọa độ này, ngày 31-10-1968, 13 chiến sĩ TNXP của Tiểu đội thép thuộc Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ để bảo vệ trọng điểm, tuyến đường (được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân). Sự hy sinh anh dũng của các anh, chị luôn là nỗi niềm thương nhớ, đọng lại trong những vần thơ của đồng đội TNXP và bộ đội khi mỗi lần về lại thăm viếng: Về viếng em, hương ba nén gọi hồn/ Khói hương tỏa ánh trăng soi lòng dạ/ Trái tim anh vẫn đắm sâu một ngã/ Đỉnh Truông Bồn ngày ấy, bây giờ.

Và AHLLVTND, liệt sĩ Hoàng Kim Giao, kiên cường dưới bom đạn, rà phá từng quả bom nổ chậm (hy sinh ngày 30-12-1968) để cùng lực lượng TNXP thông tuyến mở đường cho xe ta ra trận tuyến. Hoàng Kim Giao (thành viên nhóm tác giả đề tài "rà phá bom từ trường và ngư lôi" bảo đảm giao thông những năm 1967 - 1972 - được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996) hy sinh để lại tuổi thanh xuân trên trận tuyến mở đường, với bao ước mơ về hạnh phúc tương lai, gia đình; về những công trình khoa học đang còn dang dở. Gia đình, đất nuớc mất đi một nhà khoa học, một trí thức trẻ tài năng.

Nhưng anh đã kịp góp phần để lại chương trình khoa học lớn cho đồng đội tiếp tục phá bom, góp phần đánh thắng giặc Mỹ, xâm lược. Các anh, các chị TNXP - những người đã đổ máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân khi độ tuổi trăng tròn 18 đôi mươi, đã khắc họa nên "Huyền thoại Truông Bồn" thời kỳ chống, Mỹ, cứu nước...

Truông Bồn ngày ấy trên những ngọn đồi, đôi bên tuyến đường khốc liệt, dày đặc vết tích bom đạn của quân thù là thế, nay bạt ngàn màu xanh của rừng cây bạch đàn, xoài, mít, đồng ruộng màu mỡ, với những mái ngói đỏ tươi, nhà cao tầng thi nhau mọc, tạo nên nét đẹp mới của nông thôn phát triển. Cùng trên tuyến đường chiến lược 15A ngày ấy - bây giờ, hiện diện có Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Cách đó khoảng 50 km đi ra hướng Bắc, Truông Bồn (tỉnh Nghệ An) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, ngày 11-1-1996.

Tháng 4-2010, sau khi được Nhà nước phê duyệt, UBND tỉnh Nghệ An Quyết định đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn trên diện tích 22 ha, với nguồn đầu tư 175 tỷ đồng; cùng với Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư một số hạng mục, công trình nhằm phát huy truyền thống TNXP tại Truông Bồn. Đến nay một số hạng mục đã được hoàn thành như Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, khu Đài chiến thắng, tháp chuông, hồ vọng cảnh, nhà tiếp khách, nhà dịch vụ, nhà Ban quản lý, sân vườn, hệ thống điện nước... kịp đưa vào phục vụ nhân dân, du khách đến tham quan, thăm viếng tưởng niệm nhân các dịp kỉ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975 - 30-4-2015 và 47 năm ngày chiến thắng Truông Bồn (31-10-1968 - 31-10-2015).

Truông Bồn là địa điểm khắc ghi tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, và là địa danh lịch sử ghi dấu tinh thần chiến đấu kiên cường, hy sinh oanh liệt của quân, dân ta và lực lượng TNXP anh hùng. Đồng thời là điểm văn hóa du lịch, tâm linh, là "địa chỉ đỏ" về giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Nhân Mùi