Trường Đại học Y Dược Huế được mở ngành đào tạo BS Chuyên khoa I cấp cứu đa khoa

Thứ tư, 28/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 26 đến 30-3, tại TP Huế (TT-Huế) diễn ra hội nghị quốc tế về Y học cấp cứu. Tại hội nghị,  sau nhiều phiên thẩm định, Bộ Y tế đã đồng ý đề nghị đào tạo chuyên ngành y học cấp cứu lần đầu tiên tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị có hàng trăm đại biểu là lãnh đạo Cục, Vụ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Môi trường, Bộ GD-ĐT; lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành; Trung tâm 115 và bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa cấp cứu cả nước. Ngoài ra, gần 100 giáo sư, bác sĩ, giảng viên điều dưỡng đến từ: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Hà Lan, Đức, Thái Lan Singapore cũng tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về y học cấp cứu (YHCC) đã trình bày các tham luận, qua đó trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật kiến thức về tổ chức hệ thống cấp cứu cho bệnh nhân. Hơn 30 năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và phát triển chuyên ngành đào tạo và dịch vụ cấp cứu đa khoa (CCĐK). Tại Việt Nam, chính sách y tế trong nhiều năm qua đã có nhiều thành công được quốc tế công nhận, đã xây dựng một mạng lưới y tế tận thôn xã, đẩy mạnh công tác dự phòng song song với đi sâu vào các chuyên khoa để bắt kịp nền y tế thế giới. “Từ kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới trong lãnh vực CCĐK, để phục vụ tốt hơn nhu cầu y tế của nhân dân với hiệu suất kinh tế cao nhất trong khi nguồn lực nước ta đang còn giới hạn, để có một đội ngũ chuyên nghiệp an tâm công tác và ngày càng phát triển nghề nghiệp tại các phòng khám CCĐK các bệnh viện, để bắt kịp về y học với các nước khác trên thế giới, vấn đề đào tạo và phát triển  chuyên khoa về CCĐK trở thành nhu cầu cấp bách hiện nay ở Việt Nam”-GS-TS Cao Ngọc Thành- Hiệu trưởng kiêm GIÁM đốc BV Trường Đại học Y Dược Huế nhấn mạnh.

Trung bình mỗi ngày, tại Khoa cấp cứu BVT.Ư Huế có khoảng 150 - 200 lượt bệnh nhân cấp cứu. 

Theo GS Tintinalli, một trong những vai trò quan trọng của YHCC là chăm sóc sức khỏe cấp cứu trong cộng đồng cho những người xung quanh và thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, YHCC vẫn còn nhiều thách thức như còn có những nhận thức sai lầm về chăm sóc cấp cứu, cụ thể các chuyên khoa đều tập trung vào các chẩn đoán, không phải dựa trên trình trạng cấp cứu khi nhập viện và điều trị (một cách tổng quát); sự không quan tâm của các cơ sở trong YHCC dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu cao; quá tải và thiếu nhân lực ở khoa cấp cứu... PGS.TS Nguyễn Đạt Anh-Trưởng Khoa cấp cứu- BV Bạch Mai (Hà Nội) chỉ ra rằng, công tác cấp cứu ở tuyến BV tỉnh còn nhiều tồn tại: thiếu hệ thống cấp cứu và khoa cấp cứu; chưa có quy trình và hệ thống chuẩn hóa dành cho các thầy thuốc hành nghề cấp cứu. Ngoài ra, thiếu hệ thống đào tạo: không có kiến thức, quy trình và kỹ năng chuẩn. Nguồn lực thiếu thốn (phương tiện nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống vận chuyển cấp cứu)...

Nói về đào tạo cấp cứu trước bệnh viện tại Việt Nam, BS Nguyễn Thành- BV Thanh Nhàn (Hà Nội) cho rằng, việc cấp cứu trước bệnh viện do các trung tâm cấp cứu 115 đảm nhận. Chất lượng và năng lực của các trung tâm 115 vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của nhân dân. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhu cầu được chăm sóc y tế của người dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải xử lý khẩn cấp. Trong đó, TNGT là một ví dụ,   nhu cầu sơ cấp cứu ban đầu, vận chuyển cấp cứu có hỗ trợ của nhân viên y tế và xử lý tại các đơn vị CCĐK đặt ra yêu cầu hình thành một chuyên khoa CCĐK. Đây là mô hình đã được thực hiện tại nhiều quốc gia phát triển cách đây 30-40 năm. CCĐK là một chuyên ngành dựa trên kiến thức và kỹ năng nhằm phòng ngừa, chẩn đoán và xử lý cấp cứu các vấn đề bệnh tật và tổn thương ảnh hưởng đến người bệnh ở mọi lứa tuổi có rối loạn thể chất và hành vi chưa được chẩn đoán chính xác. Chuyên ngành CCĐK là hết sức cần thiết đối với sự phát triển của y tế công cộng và hệ thống phúc lợi chung của xã hội.

Hội nghị lần này cũng là dịp để các GS nước ngoài truyền thụ chuyên môn cho các BS chuyên ngành cấp cứu tại Việt Nam về kiến thức hồi sinh hô hấp, tuần hoàn và thần kinh. Đồng thời, các điều dưỡng cũng được đào tạo những kiến thức về cấp cứu và chăm sóc bệnh nhân cấp cứu; giới thiệu YHCC cho sinh viên Y khoa. Dịp này, sau nhiều phiên thẩm định, Bộ Y tế cho phép Trường Đại học Y Dược Huế mở ngành đào tạo BS Chuyên khoa I CCĐK trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có mã ngành đào tạo CCĐK và sự công nhận chính thức chuyên ngành này.

H.Lan