Trường học góp sức xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 07/08/2015 11:07

(Cadn.com.vn) - Cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua, cán bộ, viên chức âm thầm dành dụm, tích góp từ đồng lương để trao tặng những suất học bổng cho học sinh; còn trường học thì trích các khoản kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất. Chính những việc làm ý nghĩa thiết thực đó đã góp phần đổi thay diện mạo, tạo luồng sinh khí mới cho các trường học ở vùng nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Niềm vui của giáo viên, học sinh trường MN Hòa Bắc đón nhận trường mới. 

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Cứ vào dịp hè hằng năm, tại các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc ĐH Đà Nẵng lại rộn ràng với những chuyến công tác xã hội đến với các địa phương có điều kiện KT-XH còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ, viên chức tạm gác công việc chuyên môn bộn bề và nỗi lo toan gia đình để đến với vùng khó trao những suất quà nhằm chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vượt qua thiếu thốn.

Trong những chuyến đi ấy, có lẽ với chúng tôi, niềm xúc động lớn nhất là được chứng kiến những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt rạng rỡ niềm vui của cán bộ, giáo viên đang công tác ở các trường học trên địa bàn nông thôn mới H. Hòa Vang (Đà Nẵng). Họ trân trọng đón nhận những món quà được góp nhặt nên từ công sức và tình cảm của những người đồng nghiệp.

Thầy Nguyễn Đức Kế - Hiệu trưởng Trường THCS Ông Ích Đường (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) tâm sự: Có lẽ không có món quà nào mang ý nghĩa thiết thực như việc Công đoàn ĐH Đà Nẵng trao tặng cho nhà trường hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị để xây dựng thư viên đạt chuẩn thư viện tiên tiến. Món quà đã làm thỏa lòng mong mỏi của tập thể hội đồng sư phạm và học sinh nhà trường trong nhiều năm qua. Đây thực sự là một động lực để Trường THCS Ông Ích Đường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, dần dần xóa bỏ khoảng cách chênh lệch chất lượng dạy học giữa miền núi với đồng bằng, thành thị.

Liên tiếp từ năm 2012 đến nay, nhiều phòng, lớp học được Trường Cao đẳng Công nghệ, Trường ĐH Sư phạm, Công đoàn ĐH Đà Nẵng đầu tư xây dựng và bàn giao cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn H. Hòa Vang khai thác, sử dụng một cách hiệu quả.

Đó là công trình phòng học mầm non tại thôn An Định (xã Hòa Bắc, Hòa Vang) cho Trường MN xã Hòa Bắc được Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng đầu tư xây dựng với kinh phí đầu tư hơn 140 triệu đồng; Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng và trao tặng 2 phòng máy tính với đầy đủ hệ thống điện, Internet, máy chiếu cho Trường THCS Phạm Văn Đồng (gồm 31 máy tính) và Trường TH số 1 Hòa Nhơn (21 máy tính)...

Có thêm điều kiện học tập mới, học sinh vùng nông thôn Hòa Vang phấn khởi thi đua học tốt.

Thay đổi diện mạo vùng đất khó

Bên cạnh giúp các trường nông thôn về cơ sở vật chất, các trường còn huy động, tổ chức cho sinh viên tham gia vào nhiều hoạt động xã hội khác để tăng tính gắn kết với địa phương. Theo đó, Công đoàn, Đoàn thanh niên đã tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ tình nguyện, hỗ trợ cải thiện môi trường, công trình văn hóa giáo dục mang nhiều ý nghĩa thiết thực và hiệu quả.

Điển hình như Đoàn thanh niên Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng thực hiện Chương trình chung sức cộng đồng, chiến dịch tình nguyện hè tại thôn Nam Mỹ (Hòa Bắc, Hòa Vang), xây dựng 180 m tường rào và cổng cho Trường MN Hòa Bắc; sửa chữa trường học, làm sân chơi, sân thể dục thể thao cho thanh thiếu nhi...

Đoàn thanh niên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã không quản ngại gian khổ ra quân thực hiện Chiến dịch tình nguyện hè 2015, tự tay xây dựng 450m đường bê-tông theo chuẩn nông thôn mới; giúp các hộ gia đình xây dựng mô hình điểm trồng giống chuối hương, trồng nấm Linh chi và nấm Bào ngư... nhằm tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Là một người con của địa phương và là giáo viên gắn bó lâu năm với ngành giáo dục H. Hòa Vang, cô giáo Nguyễn Thị Điệp - Hiệu trưởng Trường MN xã Hòa Bắc chia sẻ: "Có gì tự hào hơn khi trên con đường xây dựng nông thôn mới, người nông dân được trang bị những phương tiện hiện đại cùng những kiến thức khoa học để làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình; còn con em vùng nông thôn được học tập trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị; đội ngũ giáo viên có cơ hội tiếp cận và sử dụng các phương tiện hiện đại để áp dụng triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy... Chúng tôi càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi tác nhân làm nên những sự thay đổi đó lại được tạo nên từ tình cảm, tấm lòng của những đồng nghiệp, từ sự cảm thông, chia sẻ trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục trên địa bàn".

Khải Minh