Trưởng phòng công ty bất động sản lừa đồng nghiệp mua nhà “ngộp bank”

Thứ ba, 21/05/2024 09:45
Là trưởng phòng của công ty bất động sản nhưng do thua bạc, Nguyễn Chí Học tung chiêu góp vốn mua nhà giá rẻ hoặc nguồn nhà “ngộp bank” (tức bị ngân hàng phát mãi) để lừa đảo nhiều đồng nghiệp, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Ngày 20-5, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Chí Học (1986, trú Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Chí Học
Bị cáo Nguyễn Chí Học

Do có chút kinh nghiệm về môi giới cũng như định giá bất động sản, tháng 1-2022, Nguyễn Chí Học xin vào làm việc tại Công ty CP Bất động sản Tuấn 123 Miền Trung (tại Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Trong quá trình làm việc, Học nhiệt tình hỗ trợ mọi người trong hoạt động tư vấn, quảng cáo, tiếp thị, thủ tục chốt cọc tới các khách hàng có nhu cầu mua bán bất động sản tại TP Đà Nẵng. Nhờ vậy, khi Học được thăng chức lên làm Trưởng phòng, các nhân viên Công ty rất tin tưởng về năng lực chuyên môn cũng như nguồn lực tài chính.

Tuy nhiên, do có “máu đỏ đen” nên khoảng tháng 4-2022, Học bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các đồng nghiệp để tiêu xài, cũng như “nướng” vào các sòng bạc online. Tính toán kỹ lưỡng, từng bước một, Học lên kịch bản và thông báo với nhiều người thông tin gian dối về việc mình có mối quan hệ quen biết với cán bộ ngân hàng và lãnh đạo làm cùng ngành tại TP Hồ Chí Minh nên nắm được thông tin về nhà đất giá “sập hầm” (nhà được bán với mức giá thấp hơn định giá của ngân hàng) hoặc nhà đất “ngộp bank” tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Học đưa ra mức lợi nhuận là 3% được tính trên tổng giá trị của sản phẩm nhà, giá trị của nhà càng cao thì số tiền lợi nhuận nhận được càng cao.

Để tăng thêm độ tin cậy, Học còn hứa hẹn rằng, để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng thì bên mua sẽ đặt cọc một khoản tiền trong một thời hạn nhất định đến khi ra công chứng. Lúc này Học nhờ mối quan hệ với bên mua để góp một khoản tiền nhằm tăng thêm mức tiền cọc buộc bên bán phải thực hiện hợp đồng, trong trường hợp nếu bên bán (bên nhận đặt cọc) từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên mua (bên đặt cọc) số tiền đã đặt cọc và một khoản tiền tương đương số tiền đã đặt cọc (việc này được Học và những người tham gia gọi là bồi cọc). Thấy mức lợi nhuận hấp dẫn cũng như tin tưởng các thông tin Học đưa ra, các bị hại chuyển tiền vào 2 tài khoản ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và TPBank mang tên Nguyễn Chí Học để tham gia.

Với thủ đoạn tinh vi, có tính toán, Học lập các tài khoản trên mạng xã hội Zalo gồm: Tài khoản mang tên “Học”; tài khoản mang tên “Nhà phố Sài Gòn” và tài khoản mạng xã hội facebook mang tên ”Nguyễn Học” để liên hệ, trao đổi thông tin xác nhận số tiền chuyển khoản tham gia bồi cọc, thời gian ra công chứng, số tiền hoa hồng được nhận cho từng bị hại. Thời gian đầu, các bị hại đầu tư từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và đều được Nguyễn Chí Học chi trả tiền hoa hồng đúng thời hạn cam kết. Do đó, sau một thời gian, các bị hại tin tưởng tiếp tục chuyển cho Học với số tiền tăng dần.

Học khai nhận dùng số tiền nhận của các bị hại để tham gia đánh bạc online. Thời gian đầu, Học thắng bạc nên dùng số tiền này trả lại cho bị hại tương ứng với số tiền lợi nhuận đã hứa hẹn, đến tháng 10-2022, do bị thua hết tiền nên không thể trả lại cho các bị hại. Với thủ đoạn như trên, từ tháng 4-2022 đến tháng 10-2022, Nguyễn Chí Học đã nhận và chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền hơn 38,5 tỷ đồng. Khắc phục hậu quả, Ngọc đã trả lại được hơn 28,6 tỷ đồng, còn lại gần 10 tỷ đồng chưa trả lại cho các bị hại.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, sau 2 ngày xét xử, sáng ngày 20-5, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Học 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

THANH HOA