Trường TH Chi Lăng: Phấn đấu nâng cao chất lượng dạy - học tốt
(Cadn.com.vn) - Từ vị trí 13/14, qua 6 năm phấn đấu, đến nay, Trường TH Chi Lăng lên vị trí 6/14 trong tổng số trường TH ở Q.Sơn Trà (Đà Nẵng) có thành tích dạy tốt học tốt. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, tấm lòng yêu trẻ và nhiệt huyết với nghề của tập thể hội đồng sư phạm (HĐSP) nhà trường, trong đó có đóng góp không nhỏ vai trò "đầu tàu" của Ban giám hiệu (BGH)...
Từ lớp học của BGH! ...
Chuyện xảy ra đã ba năm, nhưng mỗi lần nhớ lại, cô Trần Thị Kim Bình- Hiệu trưởng TH Chi Lăng- vẫn xúc động. Năm học đó, bé N. vào lớp 1. Ngày đầu tiên đi học, theo mẹ đến cổng trường, bé khóc ngặt nghẽo, đòi về nhà. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) dỗ dành mấy, bé vẫn không chịu vào lớp học. Tuần đầu tiên đi học, bảo vệ trường cũng được "huy động vào cuộc" để quản lý, vì sợ bé tìm cách trốn về nhà ở gần đó. BGH băn khoăn: "Vì sao bé N. không thích đến trường?".
Tìm hiểu thì được biết, bé rất được bà nội cưng chiều nên khi còn học mẫu giáo, N. đã không thích đến trường. Mỗi lần như vậy, bé "cầu cứu" bà nội và bao giờ cũng "thắng" bố mẹ. Nắm bắt được điều này, Hiệu trưởng Kim Bình thay đổi phương pháp giáo dục với bé. Cô đề nghị GVCN để cho bé N.lên phòng làm việc của mình.
Tại đây, cô kê thêm một bộ bàn ghế HS. Những ngày đầu, thay vì dạy cho bé những kiến thức cơ bản, cô chơi cùng bé, hướng cho bé tập làm quen và thích nghi dần môi trường học mới. Qua nhiều ngày tiếp xúc, cô đã "thu phục" được bé N. Bé thôi khóc khi đến trường, nhưng vẫn chưa chịu xuống lớp, chỉ thích học với cô Hiệu trưởng thôi.
Từng có kinh nghiệm 9 năm dạy lớp 1 nên cô Bình hiểu tâm lý trẻ. Với những đứa trẻ "đặc biệt" này, sự kiên trì, nhẫn nại thôi chưa đủ, phải biết cách dỗ dành với tất cả yêu thương...Dần dần, bé N.quen với việc lên lớp; GVCN cũng thay đổi phương pháp dạy dỗ, đưa em vào nền nếp. Đến khoảng giữa học kỳ I thì bé N. xuống hẳn lớp học. Giờ bé N. đã lên lớp 4, là HSG...
Theo cô Kim Bình, năm học nào, trường cũng có vài HS "đặc biệt" như N. Có năm, để chia sẻ vất vả và giảm áp lực cho GVCN, BGH đã đảm trách việc kèm cặp 2 HS được GVCN xếp vào loại chậm hiểu: Hiệu trưởng kèm 1 HS, Hiệu phó kèm 1 HS. Một tháng liền, tại phòng làm việc của BGH kê thêm bàn ghế HS. Một cô, một trò cùng nhau học tập.
Tìm hiểu, được biết, mỗi em một hoàn cảnh. Em thì bố mẹ ly thân, em thì gia đình buôn bán lại khó khăn nên không có thời gian quan tâm đến con cái. Trẻ em như măng non, thiếu thốn sự quan tâm cha mẹ đâm ra nhút nhát, tiếp thu chậm, nên cần có sự quan tâm cùng phương pháp giáo dục "đặc biệt" hơn.
Một tháng sau, 2 HS này được về lại lớp và học hành tiến bộ hẳn lên. "Chỉ cần các em ấy không theo kịp chương trình học kỳ I là sẽ bị đuối sức, mất căn bản. Nếu mình không quan tâm, không có phương pháp dạy dỗ phù hợp, các em sẽ dễ nản học, dẫn đến chán đến trường. Muốn học trò yêu trường, yêu lớp, thầy cô trong trường quan niệm, phải thương yêu HS như con em mình..."- Hiệu trưởng Kim Bình chia sẻ quan điểm dạy trẻ của nhà trường...
Trong giờ học Sử của Trường TH Chi Lăng. Ảnh: P.T |
...Đến việc nâng chất lượng dạy-học
6 năm trước, khi được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường TH Chi Lăng, cô Kim Bình và BGH nhà trường rất khổ sở trong việc tuyển sinh đầu cấp. Có năm, chỉ tuyển được 23 HS. BGH phải đi đến các trường nằm trên địa bàn phường và lân cận cam kết với PHHS để "xin" HS về trường.
Tuy nhiên, thấy cách làm này cũng không ổn, HĐSP nhà trường họp lại, tìm hiểu nguyên nhân "vì sao PH không tín nhiệm trường mình", trong khi trường sở hữu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Ngoài nguyên nhân: trường nằm ở địa bàn dân cư có trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế phần nhiều là khó khăn nên PHHS ít có điều kiện quan tâm đến con cái, phó mặc việc dạy dỗ cho nhà trường, còn có nguyên nhân, bản thân nhà trường chưa tạo được sức bật trong phong trào nên chưa thu hút PHHS đưa con về học.
Sau khi tìm hiểu tâm tư thầy cô, bên cạnh việc động viên, chia sẻ sự vất vả khó khăn của GV trong việc dạy dỗ HS, đặc biệt là HS đầu cấp, nhà trường đã xây dựng phong trào thi đua dạy-học tốt; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, phòng máy để GV có điều kiện dạy-thực hành trên máy tính. Những phản ánh của GV về những khúc mắc, khó khăn trong quá trình dạy học được BGH nhà trường cố gắng quan tâm giải quyết trong điều kiện có thể.
Đặc biệt, nhằm động viên khích lệ phong trào, nhà trường có chế độ khen thưởng GV rất kịp thời. Nhờ vậy, chất lượng nhà trường đã có những chuyển biến khởi sắc rõ rệt qua từng năm. Đến nay, nhà trường không còn chật vật trong việc tuyển sinh đầu cấp nữa. Qua 6 năm nỗ lực phấn đấu, trường đạt 50 giải cấp quận, TP và có một giải khuyến khích quốc gia môn Anh Văn.
Với quan điểm: Là người quản lý phải làm sao để GV thông suốt, không có cảm giác bị áp lực, không buộc họ chạy theo thành tích, chỉ cần dạy hết mình, vì học trò là được. Người quản lý GD phải hiểu được tâm lý của GV chứ không nên lấy vai trò người quản lý để bắt ép GV, BGH Trường TH Chi Lăng đã tạo được môi trường sư phạm đoàn kết, đồng lòng.
Nhận xét về Trường TH Chi Lăng, bà Nguyễn Thị Thảo- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà- ghi nhận: "HĐSP Trường TH Chi Lăng là một tập thể đoàn kết, đội ngũ GV và CBQL đều tay, có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì HS"...
P. Thủy