Trưởng thành sau mỗi chuyên án

Thứ ba, 08/09/2015 09:23

(Cadn.com.vn) - Đại tá Trần Đình Hương- Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm- CATP Đà Nẵng  chia sẻ với phóng viên xung quanh công tác truy nã tội phạm nhân kỷ niệm 5 năm thành lập lực lượng.

Đại tá Trần Đình Hương

P.V: Thưa Đại tá, điều khác biệt nhất trong công tác truy nã tội phạm từ khi có lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) là gì?

Đại tá Trần Đình Hương: Trước năm 2010, công tác truy nã tội phạm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, vì cán bộ điều tra phải chịu áp lực làm án dẫn đến việc truy bắt đối tượng truy nã hiệu quả thấp. Thực tế chứng minh, số đối tượng truy nã lẩn trốn ngoài xã hội thời điểm đó rất lớn. Lớn tới mức buộc phải thành lập một lực lượng chuyên trách để thực hiện công tác truy nã, từ đó lực lượng CSTNTP ở các địa phương ra đời, trong đó có CATP Đà Nẵng. Sự khác biệt lớn nhất từ khi có lực lượng CSTNTP là công tác truy nã đi vào chiều sâu, số đối tượng truy nã bị bắt tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm, đối tượng trốn lâu năm, trốn ra nước ngoài...

P.V: Đại tá có thể minh chứng rõ hơn về sự khác biệt này?

Đại tá Trần Đình Hương: Trong thời gian từ năm 2010-2014, lực lượng CSTNTP đã bắt, vận động đầu thú 436 đối tượng, trong đó có 76 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Theo chỉ tiêu của Bộ Công an, số đối tượng truy nã bị bắt mỗi năm đạt tỷ lệ 10% (cả số cũ và số mới phát sinh), còn với Đà Nẵng chỉ tiêu mỗi năm phải đạt hơn 50% số đối tượng truy nã bị bắt. Lực lượng CSTNTP của Đà Nẵng luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu này, qua đó góp phần giảm đáng kể số đối tượng truy nã tồn tại ngoài xã hội. Đặc biệt, trong đợt cao điểm tấn công tội phạm nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập CAND từ ngày 16-6 đến nay, lực lượng CSTNTP của CATP đã bắt, vận động đầu thú 28 đối tượng, trong đó có 8 đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

P.V: Xin Đại tá cho biết vướng mắc lớn nhất trong công tác truy nã hiện nay là gì?

Đại tá Trần Đình Hương: Đó là thông tin trinh sát ở các Cơ quan điều tra chuyển cho lực lượng truy nã không đầy đủ, đôi khi chỉ có những thông tin hết sức cơ bản trong quyết định truy nã. Điều đó khiến CBCS truy nã khi xác minh thông tin, tìm để truy bắt đối tượng khó như "mò kim đáy bể". Đối tượng đã trốn thì tìm trăm phương nghìn kế để che giấu tung tích, trong khi anh em truy nã lại được cung cấp rất ít thông tin, khiến quá trình xác minh, truy tìm mất nhiều thời gian, công sức.

 Một đối tượng truy nã nguy hiểm bị bắt ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng CSTNTP CATP Đà Nẵng.

P.V: Vậy lực lượng CSTNTP đã vượt qua vướng mắc đó thế nào để vẫn có thể thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra, thưa Đại tá?

Đại tá Trần Đình Hương: Vì là lực lượng mới nên cũng chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên ngành về công tác truy nã. Vì vậy anh em vừa làm vừa rút ra bài học thực tiễn, tự chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Sau mỗi vụ bắt đối tượng, mỗi chuyên án anh em lại rút ra kinh nghiệm quý báu, tự trang bị cho mình trưởng thành hơn. Có thể khẳng định, từ những bỡ ngỡ ban đầu, anh em đã nhanh chóng thích nghi, lớn lên sau mỗi chuyên án. Giờ đây công tác truy nã đã đi vào chiều sâu, mỗi trinh sát truy nã cũng "đọc" tình huống nhanh, nhạy bén, kịp thời xử lý hiệu quả tất cả những phát sinh. Đây là điều rất tự hào vì hầu hết các trinh sát truy nã còn khá trẻ.

P.V: Tội phạm truy nã vẫn khá phức tạp, vậy Đại tá cho biết lực lượng CSTNTP Đà Nẵng đã có kế hoạch gì để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới?

Đại tá Trần Đình Hương: Trong điều kiện hiện nay, đối tượng truy nã có thể dễ dàng di chuyển, lẩn trốn, tạo các vỏ bọc kín kẽ đã đặt ra không ít thách thức với lực lượng truy nã. Đặc biệt, các đối tượng đã trốn lâu năm hầu như đã tạo lập một cuộc sống mới, những mối quan hệ mới, vỏ bọc mới, để truy tìm ra tung tích đối tượng, bóc tách vỏ bọc kín kẽ của đối tượng không hề đơn giản. Tuy nhiên, bất cứ đối tượng là ai, đã tồn tại trong xã hội này phải có những mối quan hệ.

Việc nắm chắc địa bàn, rà soát chặt chẽ các mối quan hệ, vận dụng sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ chính là "chìa khóa" để mở ra vỏ bọc của đối tượng. Bên cạnh đó, có những đối tượng trốn truy nã thuộc loại đặc biệt nguy hiểm, nếu không truy bắt sớm sẽ tiếp tục gây án. Thậm chí có những đối tượng sẵn sàng chống đối để thoát thân khi bị phát hiện. Những trường hợp này đòi hỏi người trinh sát truy nã ngoài lòng dũng cảm cần có sự tỉnh táo, lên kế hoạch chi tiết, chỉ bắt trong điều kiện thích hợp, tránh thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

PV: Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này.

Hải Quỳnh

(thực hiện)