Truy “nóng” nhiều vấn đề nổi cộm về xây dựng, đất đai

Thứ năm, 14/07/2022 08:10
Ngày 13-7, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn Đà Nẵng như lãng phí quỹ đất, thiếu nhà ở xã hội, “chảy máu” nhân lực y tế...
Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang được xây dựng tại KCN Hòa Khánh mở rộng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn về thực trạng quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Nhiều nhà đất công bỏ hoang, dự án treo

ĐB Trần Thắng Lợi cho biết hiện TP có 1629/1644 cơ sở nhà, đất công chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 167. Điều này gây lãng phí trong khai thác quản lý và sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, nhà đất bỏ không lâu ngày dẫn đến nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.

Đơn cử như khu đất tại Bệnh viện Phục hồi chức năng trên đường Võ Nguyên Giáp (Q.Ngũ Hành Sơn). Bệnh viện này hiện đã chuyển về Hòa Xuân, nhưng khu đất trên không có phương hướng sắp xếp, xử lý dẫn đến lãng phí, làm mất mỹ quan. ĐB Lợi đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trong việc thống kê, tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng nhà đất công đối với từng cơ sở để lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định, tránh tình trạng thống kê không đầy đủ, bỏ sót tài sản.

Ngoài ra, với các cơ sở nhà đất đang giao cho các sở, ngành quản lý và cho thuê, cần rà soát kỹ lại thời hiệu hợp đồng để xem xét quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc ký tiếp hợp đồng theo quy định. Đối với các lô đất dự kiến thu hồi và chuyển giao cho địa phương sử dụng vào mục đích công cộng, cần nghiên cứu hình thức xã hội hóa để nâng cao hiệu quả, giảm nguồn chi từ ngân sách, tránh việc thu hồi và để không gây lãng phí, nhếch nhác. Đặc biệt, với 57 cơ sở nhà đất công chưa đủ điều kiện sắp xếp lại, ĐB Thắng Lợi đề nghị cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn để xử lý theo quy định.


Đại biểu chất vấn về kết quả tháo gỡ vướng mắc về đất đai cho các dự án theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Nhiều ĐB cũng phản ánh tình trạng các khu đất trống không triển khai xây dựng, để nhếch nhác, mất mỹ quan, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, TP hiện có 314 khu đất lớn, hàng chục ngàn lô đất để phục vụ đền bù giải tỏa, nhiều khu đất các dự án chậm triển khai. Với các khu đất trống chưa sử dụng, ông Hùng cho biết TP đang trình HĐND kỳ họp này thông qua đề án để quản lý, khai thác sử dụng tạm.

Cụ thể sẽ cho đấu thầu công khai, thí điểm trong 2 năm sử dụng tạm làm sân bóng đá mi ni, nơi buôn bán cây xanh…trong thời gian chờ đưa đất vào sử dụng lâu dài. Với các lô đất trống dân đã mua nhưng để đó chưa xây dựng, Sở sẽ thống kê tên chủ đất, địa chỉ để gửi về các địa phương thu phí đất hàng năm. Riêng các dự án chậm triển khai, ông Hùng cho biết qua rà soát 206 dự án, khu đất đã phát hiện 81 khu đất phải gia hạn 24 tháng, thu tiền nộp ngân sách hơn 345 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện gia hạn 53 khu đất của các hộ cá nhân, xử lý số tiền thu hơn 68 tỷ đồng.

Sở dĩ nhiều dự án chậm triển khai, để đất trống, theo ông Hùng do trước đây TP giao đất, cho thuê đất không có dự án. Vì vậy, sau khi giao đất chủ đầu tư mới thực hiện lập qui hoạch, lập dự án, triển khai thủ tục. Tuy nhiên, vướng mắc của các khu đất này phần lớn rơi vào sai phạm đã được nêu trong kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ. Ở đây, chủ yếu là chưa hoàn thành được nghĩa vụ tài chính theo đúng qui định. Vì vậy khi thực hiện thủ tục như cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư…không được giải quyết.

Đà Nẵng sẽ có đề án khai thác tạm các khu đất trống (Trong ảnh: Khu đất trống trên đường 30-4).

“Khát ” nhà ở xã hội

Nhiều ĐB phản ánh hiện nay nhu cầu thuê nhà ở xã hội rất lớn, nhất là người nghèo, công nhân, tuy nhiên khả năng đáp ứng rất hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chương trình “3 có”, trong đó có nhà ở, một chương trình nhân văn Đà Nẵng đã triển khai, tạo thương hiệu. ĐB Nguyễn Thành Tiến nói, hiện gần 300 hộ nghèo đặc biệt khó khăn về chỗ ở cần thuê nhà chung cư, hàng năm cũng có hơn 1.000 đơn xin thuê chung cư nhà ở xã hội nhưng chưa được đáp ứng.

Kể từ năm 2020 đến nay, việc đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách TP rất hạn chế, quỹ nhà ở xã hội còn lại rất ít (khoảng 65 căn). ĐB Tiến đề nghị TP sớm giải quyết bán nhà ở xã hội (khoảng 1579 căn) đang cho các hộ dân thuê để thu hồi ngân sách tái đầu tư các dự án nhà ở xã hội mới. Ngoài ra, TP cần hỗ trợ để các hộ dân đang thuê nhà ở xã hội đầu tư bằng ngân sách ra thuê nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư; nghiên cứu tăng tầng, tăng hệ số sử dụng đất và hiện đại hóa các khối nhà ở xã hội hiện tại. Để tránh tình trạng chiếm hữu nhà ở xã hội, ĐB Tiến đề nghị TP chỉ nên cho thuê không quá 5 năm.

Không chỉ nhà ở xã hội cho hộ nghèo mà cho công nhân thuê cũng đang thiếu trầm trọng. ĐB Lê Thị Hồng Minh cho biết, hiện Đà Nẵng có 27 ngàn lao động ngoại tỉnh làm việc trong các KCN nhưng chỉ có chưa tới 2 ngàn căn nhà ở xã hội dành cho công nhân ở KCN Hòa Khánh và Hòa Cầm. Những nơi có nhà ở cho công nhân thì vẫn thiếu nhà trẻ, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa…ĐB Minh chia sẻ, 60% trong tổng số 12 ngàn công nhân đang làm việc tại 2 KCN trên địa bàn Sơn Trà hiện phải thuê trọ nhà dân. Tuy vậy, nhiều nơi lụp sụp, chỗ ở chỉ 5-7m2 cho 1 hộ gia đình, nguy cơ về cháy nổ, mất an ninh trật tự, lây lan dịch bệnh rất lớn. Sau đại dịch, cuộc sống công nhân bấp bênh, không thu nhập, chỗ ở khiến họ bỏ nhà máy về quê, hệ lụy là đứt gãy chuỗi cung ứng, DN rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công, rất khó khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế. ĐB Minh cũng kiến nghị TP phải đặc biệt quan tâm đến nhà ở xã hội cho công nhân.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, TP đang hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 14 ngàn căn hộ chung cư (194 khối nhà) và hơn 1800 phòng ký túc xá sinh viên từ nguồn đầu tư ngân sách. Ngoài ra, TP kêu gọi tư nhân đầu tư 8 dự án nhà ở xã hội với hơn 7,5 ngàn căn. Hiện nay quĩ nhà ở xã hội của TP (từ đầu tư ngân sách) còn khoảng 120 căn, ưu tiên bố chí cho thuê với người có công cách mạng, cán bộ công viên chức đang làm việc trong các cơ quan, bố trí hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở (gần 300 đơn).

Ông Phong nói, để phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu, TP sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh 4 dự án (vốn ngân sách) với 2691 căn hộ; triển khai chung cư cho người có công cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên hơn 200 căn; xin chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá phía tây TP thành nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, TP đang triển khai thí điểm bán nhà ở xã hội của TP đầu tư cho người đang thuê để lấy tiền tái đầu tư lại các khu nhà ở xã hội, cũng như tăng cường hỗ trợ người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội.

Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang được xây dựng tại KCN Hòa Khánh mở rộng.

Lo thiếu vật tư, “chảy máu” nhân lực y tế

ĐB Lê Thị Như Hồng phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số đơn vị đang ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của người dân. Do đó, TP cần thành lập đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp nhằm bảo đảm công tác đấu thầu mua sắm được thực hiện đúng quy định; thành lập hội đồng thẩm định mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu lĩnh vực y tế cấp TP với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để giải quyết vướng mắc đang gặp phải.

Cũng theo ĐB Hồng, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước có gần 9400 viên chức y tế xin thôi việc. Làn sóng nghỉ việc 6 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng cao khiến ngành y tế đối mặt với thiếu hụt nhân sự. Riêng Đà Nẵng đã có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Đà Nẵng trở thành một trong số tỉnh thành có tỷ lệ nhân viên y tế thôi việc rất cao. Điều này tạo thách thức lớn với ngành y tế khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao. ĐB Hồng nói, nguyên nhân tình trạng này là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống nhất là với các cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân có chính sách thu hút nguồn nhân lực rất tốt, nhất là nhân lực chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Đặc biệt, do áp lực công việc, cường độ làm việc lớn, nhất là từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh cao. Thậm chí ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm qui định trong mua sắm và đấu thầu vật tư y tế gần đây.

Trước tình trạng này, ĐB Hồng đề nghị Sở Y tế sớm đánh giá tình trạng mất cân đối về nhân lực để có phương án chủ động cân đối giữa các địa bàn, giữa các tuyến; có chính sách ưu đãi dành cho bác sĩ, nhân viên y tế như phụ cấp đặc thù, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách đào tạo phù hợp với từng tuyến y tế.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy cho biết, việc thiếu thuốc, vật tư y tế là có, tuy nhiên chỉ cục bộ ở một số đơn vị. Để giải quyết tình trạng này, ngành y tế đã chủ động chỉ đạo các đơn vị rà soát nhu cầu, dự báo tình hình thiếu thuốc để chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung. Đồng thời, điều tiết thuốc, vật tư y tế đã mua sắm tại các cơ sở y tế để sử dụng hiệu quả. BS Thủy cũng cho biết, qua 2 năm Covid-19 với nhiều khó khăn, nhân viên ngành y tế gặp nhiều áp lực về thể chất và tinh thần dẫn đến tình trạng nghỉ việc. Ngành y tế đã động viên tinh thần để nhân viên y tế yên tâm công tác, gắn bó với ngành; đồng thời thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách cũng như có kế hoạch tuyển dụng kịp thời nguồn nhân lực.

HẢI QUỲNH