TT-Huế: Nhức nhối nợ bảo hiểm xã hội

Thứ năm, 22/10/2015 08:50

(Cadn.com.vn) - Hàng trăm doanh nghiệp (DN), đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh TT-Huế “đua nhau” nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động (NLĐ). Các chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí... đều bị “treo”, không được phía cơ quan BHXH giải quyết. Trong khi đó, NLĐ hàng tháng vẫn đóng BHXH đầy đủ.

Nợ BHXH hàng trăm tỷ đồng

Tính đến ngày 30-9-2015, số DN và đơn vị hành chính toàn tỉnh TT-Huế nợ BHXH từ 2 tháng trở lên lên đến gần 130 tỷ đồng, trong đó khối DN nợ chiếm 75%. Rất nhiều DN nợ bảo hiểm hơn 2 năm như: công ty cổ phần (CTCP) và Đầu tư Xây dựng Giao thông thủy lợi TT-Huế nợ 25 tháng với số tiền 1,6 tỷ đồng; CTCP Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt nợ 36 tháng với số tiền 1,9 tỷ đồng; CTCP Sông Đà Thăng Long- trung tâm thương mại nợ 40 tháng với số tiền 1,2 tỷ đồng... Việc nợ BHXH của các DN khiến NLĐ không an tâm khi làm việc, nhất là đối với CTCP bởi khi NLĐ đòi hỏi quyền lợi thì bị “dọa” cho thôi việc. Chị Huỳnh Th. Tr., hiện đang là nhân viên tại một CTCP, mới đây khi làm chế độ thai sản thì chị không được phía BHXH chấp nhận, bởi Cty chị đang làm nợ bảo hiểm hơn 1 năm. Trong khi đó, hàng tháng, tiền lương của chị thực nhận đã được Cty trừ khoản đóng bảo hiểm.

Việc nợ BHXH không chỉ rơi vào khối DN mà các đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh cũng nợ BHXH lên đến 26 tỷ đồng, như: Trung tâm Kiến trúc Miền Trung ở KQH Nam Vỹ Dạ, TP Huế nợ 7 tháng với số tiền 420 triệu đồng; Học viện Âm nhạc Huế nợ 3 tháng với số tiền 530 triệu đồng... Theo quy định, sau 30 ngày, nếu đơn vị không đóng BHXH cho NLĐ thì xem như nợ BHXH. Từ ngày 31 trở lên, sẽ bị tính lãi (6,8%) theo lãi suất đầu tư của quỹ BHXH. Chính quy định mức lãi suất chậm đóng thấp hơn mức lãi vay ngân hàng nên một số đơn vị hành chính sự nghiệp cố tình nợ BHXH chấp nhận phạt để chiếm dụng quỹ. Như vậy, số tiền không đóng BHXH đi đâu? Các đơn vị đã sử dụng tiền vào mục đích gì? Đại diện một số ngành liên quan cho rằng, do chưa có những đợt thanh kiểm tra liên ngành về đóng BHXH ở khối hành chính sự nghiệp nên cũng không nắm được số tiền chậm đóng BHXH các đơn vị sử dụng vào mục đích gì. Ông Hồ Ngọc Sinh, Phó Trưởng phòng Lao động tiền lương (Sở LĐ- TB&XH) cho biết: “Qua những đợt kiểm tra về tiền lương, chúng tôi phát hiện có một số đơn vị sự nghiệp sử dụng tiền đóng BHXH để trả lương cho lao động hợp đồng của cơ quan”.

Tại buổi làm việc với cơ quan BHXH tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Dung cho rằng, đơn vị sự nghiệp nợ BHXH là không thể chấp nhận được. Tất cả các khoản chi bắt buộc đều được phân bổ đúng chỉ tiêu và kịp thời nên không lý gì các đơn vị này lại nợ BHXH. Ông yêu cầu, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và BHXH tỉnh phối hợp để thu hồi nợ. UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa vào chỉ tiêu thi đua xếp hạng, nếu cần sẽ có những hình thức kỷ luật đối với các đơn vị nợ BHXH.

Văn phòng CTCP An Phú TT-Huế, một trong những DN mà BHXH tỉnh TT-Huế khởi kiện
trong năm 2015 vì nợ bảo hiểm kéo dài.

Khó thu hồi

Việc nợ BHXH kéo dài, ngoài nguyên nhân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thì một số DN cố tình chiếm dụng quỹ BHXH để xoay xở làm ăn. Thực trạng này đã xâm hại đến quyền lợi của các đối tượng tham gia bảo hiểm. Vừa qua, BHXH tỉnh TT-Huế đã khởi kiện một số DN nợ tiền bảo hiểm ra tòa như: khởi kiện CTCP An Phú TT-Huế, số tiền khởi kiện hơn 1,6 tỷ đồng (từ tháng 1 đến tháng 6-2015). Sau hơn 3 tháng khởi kiện đến nay, DN này vẫn không chịu chuyển tiền BHXH với lý do Cty đang khó khăn. Hay CTCP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (nhà máy rác Thủy Phương) cũng bị BHXH khởi kiện với số tiền nợ gần 2,1 tỷ đồng; sau nhiều tháng khởi kiện, đến nay DN này chỉ trả cho bảo hiểm hơn 180 triệu đồng...

Theo một cán bộ thanh tra Sở LĐ-TB & XH, việc nợ BHXH cũng lắm nhiêu khê, khi các ngành chức năng đăng ký làm việc thì DN không tiếp. Trước khi Đoàn tiến hành làm việc đã gửi công văn, điện thoại hẹn ngày giờ cụ thể nhưng khi đến thì chủ DN lại không có mặt. Việc lập hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH thường gặp khó khăn do các đơn vị nợ, không chịu ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ. Khi toà án tổ chức hòa giải và xét xử, DN lại thường không đến nên kết quả hòa giải thành công chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong quá trình khởi kiện, do DN cố tình trì hoãn khiến thủ tục khởi kiện, thụ lý kéo dài làm cho số nợ tăng lên, hoặc DN tìm cách tẩu tán tài sản dẫn đến khả năng trả nợ ngày càng thấp. Thực tế, một số đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện đã phá sản hoặc ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Những trường hợp này rất khó để cơ quan BHXH có thể thu hồi được nợ, kể cả khi đã có quyết định thi hành án.

Việc DN nợ bảo hiểm kéo dài đã xâm hại đến quyền lợi của NLĐ
(trong ảnh, công nhân đang thi công QL1A, ảnh có tính chất minh họa).

Theo ông Trần Văn Trung, Chánh thanh tra Sở LĐ- TB&XH, khi các đơn vị nợ BHXH, các ngành liên quan sẽ lập biên bản, thanh tra mới ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, số doanh nghiệp bị lập biên bản cũng rất ít. Có đợt, ngành chức năng làm căng với 7 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn thì chỉ có 1 doanh nghiệp đồng ý trả nợ. Tuy nhiên, thủ tục cưỡng chế để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng khá rắc rối khi phải mời đủ các ban ngành tham dự. Khi làm việc với các ngân hàng về số dư của doanh nghiệp để có phương án giải quyết thì các ngân hàng đều từ chối không cung cấp.

Ông Võ Khánh Bình, Giám đốc BHXH tỉnh TT-Huế cho biết, để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng tham gia các loại bảo hiểm, cùng với việc tiếp tục đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện chuyển nộp tiền BHXH, BHYT đúng thời gian quy định, BHXH tỉnh phối hợp với các DN đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh xây dựng lộ trình cam kết trả nợ, đồng thời lập hồ sơ khởi kiện đối với những đơn vị để nợ kéo dài; cung cấp thông tin các đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT gửi Cục Thuế tỉnh đề nghị thực hiện thanh tra thuế; công khai các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng...

H.Lan