Từ Catalan đến Lombardy và Veneto

Thứ ba, 24/10/2017 10:14

Hai trong số những vùng giàu có nhất của Italia đang lên kế hoạch giành lại quyền lực chính trị và kinh tế từ tay chính quyền Rome sau khi giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về tự trị. Cùng với cuộc khủng hoảng đòi độc lập đang làm chấn động Tây Ban Nha, động thái từ Italia càng khiến các nước Châu Âu lo ngại.

Biểu tình ở Barcelona đòi độc lập cho Catalan.               Ảnh: CNN

AFP ngày 23-10 dẫn kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý về tự trị của 2 vùng giàu có tại miền Bắc Italia là Lombardy và Veneto cho thấy, 90% cử tri bỏ phiếu ủng hộ, yêu cầu chính quyền trung ương trao thêm quyền tự trị cho các vùng này.

Lombardy và Veneto đòi nhiều quyền lợi hơn

Hàng triệu người dân tại 2 vùng này đã tham gia bỏ phiếu, với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu lựa chọn “đồng ý” áp đảo.

Hai vùng Lombardy và Veneto do đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) điều hành, đảng từng công khai ý định ly khai. Đảng LN muốn sử dụng kết quả cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc với chính quyền trung ương này nhằm tạo lợi thế đàm phán về một sự sắp xếp tài chính tốt hơn, khiến Rome cho phép 2 vùng này được giữ lại nhiều thuế hơn. Các nhà lãnh đạo của hai khu vực, vốn chiếm 30% GDP của Italia, sẽ sớm bắt tay vào đàm phán với chính quyền trung ương về việc chuyển giao quyền hạn và thu thuế từ Rome. Một khi các điều khoản được nhất trí, Quốc hội sẽ họp bàn để thông qua, một quá trình có thể mất đến ít nhất 1 năm.

Italia hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt liên quan vấn đề quản lý và lập pháp. Hai vùng Lombardy và Veneto đang đấu tranh để được trao các quyền này, trong đó việc kiểm soát lớn hơn về tài chính là vấn đề quan trọng nhất. Hai cuộc trưng cầu dân ý này được coi là có mục tiêu “khiêm tốn” bởi chúng nằm trong khuôn khổ Hiến pháp Italia và không hề mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, 2 cuộc trưng cầu dân ý nói trên sẽ mở đường cho những đòi hỏi lớn hơn của Veneto và Lombardy, trong đó có nguy cơ đòi độc lập như Catalan.

Châu Âu lo lắng

Vấn đề mới nổi lên ở Italia có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực ở Châu Âu trong bối cảnh nước láng giềng Tây Ban Nha đang tìm cách ngăn chặn nỗ lực ly khai của Catalan.

Thực tế cho thấy, dù tâm lý ly khai ở Veneto và Lombardy vẫn giới hạn trong “khuôn khổ luật pháp”, nhưng các nhà phân tích cho rằng, chính sách tự chủ này phản ánh cùng một loạt các vấn đề và áp lực đang bùng nổ ở Châu Âu, từ yêu cầu đòi độc lập của Scotland, quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) của Anh và cuộc khủng hoảng ở Catalan – vốn đang diễn biến đầy căng thẳng.

Trong ngày 23-10, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria cho biết, Thủ hiến vùng Catalan Carles Puigdemont sẽ mất toàn bộ quyền lực và bị cắt lương trong trường hợp Thượng viện thông qua điều 155, theo đó áp đặt luật trực tiếp của chính quyền trung ương đối với khu vực này. Trong khi đó, chính quyền Catalan khẳng định sẽ không thực hiện theo lệnh của chính phủ Tây Ban Nha nếu Madrid kiểm soát lại vùng này. Phía Catalan còn cáo buộc chính quyền trung ương hành động chống lại ý muốn của người dân vùng này. “Tất nhiên, Lombardy và Veneto không phải là Catalan. Nhưng sự hồi sinh của ngọn lửa tự trị ở đây đang khiến Châu Âu có xu hướng phân tán”, chuyên gia người Italia Stefano Folli nói. Trong khi đó, nhà kinh tế học Lorenzo Codogno cho rằng, chiến thắng ở Lombardy và Veneto làm gia tăng cảm giác lo lắng trên khắp Châu Âu”.

Rõ ràng, sau làn sóng dân chủ, bây giờ Châu Âu cũng phải đối mặt với một làn sóng dân tộc chủ nghĩa khu vực, phần nào chồng chéo với chủ nghĩa dân túy, và khiến cho vấn đề hội nhập ở Châu Âu gặp nhiều khó khăn hơn.

KHẢ ANH