Từ Chi đội Nguyễn Thiện Thuật đến đoàn Mang Yang
(Cadn.com.vn) - Ngày 23-8, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), đơn vị 2 lần anh hùng LLVTND sẽ kỷ niệm 70 năm truyền thống. Ra đời từ mùa thu cách mạng tại Quảng Trị, tiền thân là Chi đội Giải phóng quân Nguyễn Thiện Thuật, Trung đoàn đã lập nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế.
Khi cả đại đội còn 17 tay súng
Trong buổi giao lưu nhân kỷ niệm ngày truyền thống, trước 500 CBCS đơn vị, các cựu chiến binh (CCB) từng là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã tự hào nhắc đến những năm tháng hào hùng của Trung đoàn 95. Lập công xuất sắc khi vừa mới ra đời, vào Nam chiến đấu, Trung đoàn đã để lại dấu ấn oanh liệt trên chiến trường Tây Nguyên, với trận phục kích đánh Mỹ gần bãi "Đi-na-mô", phía Bắc sông Ia Đrăng, rồi trục đường giao thông chiến lược 19, khu vực đèo Mang Yang, đông thị xã Pleiku Mang Yang, nối tiếp nữa là A Zun, Chư Thoi "cánh cửa thép"...
Tại đây, Trung đoàn trải qua biết bao thử thách, gian khổ, xa Bộ Tư lệnh, cơ quan mặt trận, xa hậu phương. Cấp trên chỉ hướng dẫn vùng đứng chân trên bản đồ; đường đi, Trung đoàn tự mở lấy; chiến trường tự lựa chọn và thiết kế; tự tìm cách đánh; lương thực, thực phẩm dựa vào dân và tự sản xuất để bảo đảm đời sống bộ đội... Có những lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi những khó khăn chồng chất, khẩu phần ăn mỗi người chỉ có 3 quả chuối xanh, đại đội có thời điểm chỉ còn 17 tay súng như ở trận Chư Thoi năm 1972 nhưng vẫn chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 16 xe tăng địch. Gắn bó với Tây Nguyên, nhân dân đã tin yêu gọi Trung đoàn là Đoàn Mang Yang. Trong chiến dịch Xuân 1975, Trung đoàn tham gia giải phóng, tiếp quản thị xã Pleiku, cùng các đơn vị bạn giải phóng thị xã Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang; tổ chức 1 tiểu đoàn tăng cường, phối hợp với các lực lượng giải phóng đảo Phú Quý và đảo Trường Sa Lớn.
Các CCB Trung đoàn 95 nói chuyện truyền thống với chiến sĩ trên thao trường. |
Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã đánh giá Trung đoàn 95 là "thiện chiến nhất", "linh hoạt nhất", "giỏi toàn diện". Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên từng khen ngợi: "Tinh thần chịu đựng khó khăn và có nhiều sáng tạo để chiến đấu giành thắng lợi của CBCS Trung đoàn rất đáng khâm phục. Trung đoàn đã nêu những tấm gương sáng cho toàn Mặt trận Tây Nguyên và quân đội ta học tập".
Buổi giao lưu được đẩy lên cao trào khi CCB, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật và du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên đại đội trưởng đại đội 12 ly 7 dành những lời kính trọng nhất cho hai vị tướng trận mạc từng là Trung đoàn trưởng là Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên UVT.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 và Trung tướng Lê An, nguyên Giám đốc Học viện Lục quân có mặt tại đêm giao lưu. Ông Nhâm kể về Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn mới được khánh thành ở Mang Yang (Gia Lai) và đọc toàn bộ bài văn tế khắc trên bia đá mà ông là người chắp bút. Giọng đọc lúc hào sảng, lúc bi thương, không ít lần phải kìm nén cảm xúc làm cho CBCS nghẹn ngào theo rồi sau đó bùng lên những tràng pháo tay không dứt.
10 năm giữ Đền Preah Vihear
CCB Dương Quang Cường, nguyên Chính trị viên Đại đội 12 ly 7 kể về một giai đoạn vẻ vang làm nên danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ 2 của Trung đoàn đó là 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia.
Cuối năm 1976 và đầu năm 1977, quân Pôn Pốt liên tục xâm lấn, tàn sát nhân dân ta trên tuyến biên giới. Trước tình hình đó, Trung đoàn hành quân lên biên giới Việt Nam - Campuchia phối hợp với các đơn vị bạn đánh địch lấn chiếm, bảo vệ lãnh thổ. Trong đội hình Sư đoàn 307 mới thành lập, 95 là đơn vị chủ công tiêu diệt quân địch ở Pô Keo, Bun Lung, Lâm Phát đến thị xã Stung Treng; vượt sông Mê Kông giải phóng thị xã Tà Beng, thị trấn Choan Ksan... Từ luồn sâu, thọc sâu tiến công các căn cứ địch đến xây dựng cơ sở cách mạng, cứu đói giúp dân, ăn bo bo để nhường cơm cho dân trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Trung đoàn 95 đã để lại hình ảnh sâu đậm về "bộ đội nhà Phật" ở xứ Chùa Tháp.
Ít ai biết rằng, đền Preah Vihear có hàng trăm bậc đá, đi bộ đã khó vậy mà chiến sĩ Trung đoàn phải khiêng vác lên những tảng bê-tông lớn để xây dựng trận địa chiến đấu. 2 khẩu pháo 85 mm nặng hàng tấn cũng được bộ đội ta dồn sức kéo lên. Sau này khi rút quân ta bàn giao hai khẩu pháo này cho bạn. Để giữ trọn ngôi đền cổ, di sản văn hóa thế giới, đã có biết bao nhiêu xương máu của người lính Trung đoàn, đặc biệt là Tiểu đoàn 1 đã đổ xuống nơi này suốt 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế.
Cứ ngỡ qua bao cuộc chiến, người lính đã có thể an cư lập nghiệp. Vậy mà lịch sử như luôn thử thách Trung đoàn 95 với 4 năm 3 lần "dời đô". Đại tá Đỗ Xuân Mạnh, nguyên Phó phòng Tác chiến Quân khu 5, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn từ năm 1989-1993 nhớ lại: "Sau khi rút quân từ Campuchia về, Trung đoàn đứng chân ở Đức Cơ (Gia Lai). Một năm sau, chưa kịp "ấm chỗ" đã di chuyển từ Đức Cơ về Đức Phổ (Quảng Ngãi), rồi hai năm sau, khi những lán trại vừa tươm tất từ bàn tay chiến sĩ thì lại có lệnh hành quân lên Tây Nguyên.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 95 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. |
Nguyên Phó Trung đoàn trưởng Dương Công Hoan có mặt tại đêm giao lưu bồi hồi nhớ lại những khó khăn khi Trung đoàn 95 lên Buôn Hồ, Đắc Lắc. Miệng nói, tay làm và lòng nhiệt huyết, bộ đội 95 đã cảm hóa được người dân xứ đạo. Chuyện đồng chí Phan Tấn Việt nhảy xuống giếng cứu cháu bé 3 tuổi luôn khắc ghi trong lòng nhân dân địa phương. Các linh mục ở các nhà thờ Vinh Quang, Vinh Đức, Cư Bao và Mân Côi dành cho bộ đội Chín Lăm tình cảm yêu mến nhất. Tình quân dân ở chân đèo Hà Lan này ngày càng thêm khắng khít.
Trung tá Đặng Văn Trụ, Chính ủy Trung đoàn 95 khẳng định: Hiện nay 95 là đơn vị chủ lực đủ quân đứng chân trên địa bàn trọng điểm của Quân khu 5. Nhận thức rõ huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, đơn vị thường xuyên diễn tập thực binh các cấp, tổ chức bắn chiến đấu từ cấp trung đội đến tiểu đoàn, sẵn sàng cơ động trên các hướng đảm nhiệm, đặc biệt trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Quân khu khen thưởng là đơn vị huấn luyện giỏi. Với chặng đường 70 năm lịch sử, thế hệ trẻ của Trung đoàn hôm nay noi gương lớp cha anh đi trước, chắc tay súng bảo vệ vững chắc Tổ quốc, không để bất ngờ trong mọi tình huống.
Hồng Vân