Từ Iraq, nghĩ đến Afghanistan

Thứ ba, 24/06/2014 10:50

(Cadn.com.vn) - Iraq thật sự đang là bài toán đau đầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama, song Afghanistan thật sự còn đáng lo hơn.

“Hãy hành động ở Iraq và tốt hơn hết là nên xem xét để tránh một kịch bản tương tự có thể xảy ra ở Afghanistan”, là lời khuyên mà giới chuyên gia dành cho Nhà Trắng hiện nay.

Afghanistan vẫn chưa ký Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Mỹ trong khi Lầu Năm Góc dự kiến rút hết quân vào cuối năm 2016. Nếu đến thời hạn chót đó, các lực lượng an ninh Afghanistan không tăng cường và cải thiện mối quan hệ với Pakistan, các thành phố lớn - bao gồm cả thủ đô Kabul – có thể dễ bị tổn thương do sức mạnh của Taliban.

Các thành viên Lực lượng đặc nhiệm Iraq tuần tra, tìm kiếm vật liệu nổ và vũ khí
của phe ISIS ở Ramadi. Ảnh: Reuters

MỐI LO TỪ TALIBAN

Trong quá khứ, Kabul từng rơi vào tình trạng như Iraq. Sau khi quân đội Liên Xô cũ rút quân khỏi Afghanistan năm 1989, một số thành phố lớn bị Taliban thâu tóm.

Afghanistan sẽ càng khó khăn nếu Pakistan đạt thỏa thuận với tổ chức cực đoan Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), có thể thúc đẩy các chiến binh Taliban tập trung nỗ lực lật đổ chính phủ ở Kabul. Trong kịch bản ác mộng đối với Afghanistan, Pakistan sẽ cố gắng để đảm nhận vai trò “thọc gậy bánh xe”. Tức là, một khi Afghanistan có biến, Pakistan sẽ khuyến khích TTP và các đồng minh khác như IMU (tấn công sân bay Karachi gần đây), tham chiến. Mặc dù đã có lãnh đạo riêng, TTP vẫn xem Mullah Omar, lãnh đạo Taliban, là “vua” của họ và bày tỏ lòng trung thành với vị thủ lĩnh này. Quan trọng hơn, các cuộc tấn công của TTP vào các mục tiêu Pakistan là nhằm phản ứng lại với những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở khu vực các bộ tộc xa xôi. Một khi TTP và các đồng minh chuyển sự chú ý vào cuộc chiến ở Afghanistan, họ sẽ không còn nhiều thời gian và cả sức lực để tấn công các lợi ích của Pakistan.

Ngoại trưởng Mỹ đến Iraq

Sau chuyến thăm chớp nhoáng Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23-6 đến Baghdad trong sứ mệnh nhằm thúc đẩy sự đoàn kết và ổn định ở Iraq, trong bối cảnh Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) chiếm thêm nhiều thị trấn và đang tiến gần thủ đô. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không muốn công khai chuyến thăm này vì những lý do an ninh.

Pakistan thậm chí có thể ngụy trang và điều quân đội và các nhân viên tình báo hỗ trợ Taliban ở Afghanistan. Việc này cũng có tiền lệ năm 1989, Pakistan hỗ trợ các Mujahedin chống lại chính quyền Kabul được Moscow hậu thuẫn. Vào những năm 1990, Pakistan thường xuyên gửi các nhân viên tình báo hỗ trợ Taliban trước khi bị Mỹ đánh bại trong cuộc chiến năm 2001. Nhưng liệu Pakistan có thể ngăn cản Mỹ để tái lập chính phủ Taliban ở Afghanistan? Thành thật mà nói, Mỹ có thể không phản đối việc bố trí trên, miễn là Kabul tự nó không “rơi tự do” cho đến sau năm 2016. Lầu Năm Góc dường như chắc chắn sẽ không điều quân trở lại Afghanistan để phản đối sự tiếp quản của Taliban.

Hơn nữa, Mỹ và Taliban vừa có thỏa thuận trao đổi tù nhân mang tính bước ngoặt, tín hiệu cho thấy, Washington nhìn thấy rõ ràng về một chính phủ Taliban tương lai. Nền tảng cho nhận định này được chứng minh: bất chấp hàng trăm cuộc tấn công khủng bố ở Afghanistan, Taliban Afghanistan vẫn không nằm trong danh sách “các nhóm khủng bố” của Bộ Ngoại giao Mỹ.

AFGHANISTAN NÊN LÀM GÌ?

Nhờ Hiệp định đối tác chiến lược giữa Mỹ và Afghanistan, các thỏa thuận hợp tác vẫn có thể được giữ nguyên ngay cả sau khi Taliban đã lên nắm quyền. Bởi trên hết, thỏa thuận này là giữa “Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan” và Mỹ. Vì vậy, miễn là lợi ích của Mỹ không bị đe dọa, việc ai lên nắm quyền ở Afghanistan không quan trọng vì Pakistan “kiểm soát” việc này. Để tránh hậu quả này, theo Diplomat, chính phủ Afghanistan nên học nhiều từ Iraq.

Thứ nhất, Kabul nên ký BSA với Washington để quân đội Mỹ có thể ở lại nhiều hơn sau năm 2014. Và đến cuối năm 2016, Kabul cũng nên làm mọi cách để quân Mỹ ở lại, dù bằng cách vận động Quốc hội hay thuyết phục Tổng thống Obama. Thứ hai, Kabul phải tăng cường khả năng của lực lượng an ninh. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng, năm 2011, Afghanistan chỉ có 44 xe tăng và 109 thiết giáp. Afghanistan phải có thêm nhiều vũ khí hạng nặng. Lực lượng không quân cần máy bay chiến đấu và nhiều máy bay vận tải hơn. Ngoài ra, Kabul cần tăng gấp đôi hạm đội 72 máy bay trực thăng như hiện nay. Và cuối cùng, Afghanistan cần hành động để cải thiện quan hệ với Pakistan, thuyết phục Islamabad rằng, chính phủ Kabul sẽ là đối tác tốt hơn so với Taliban.

Điều quan trọng, Kabul cần tự tin hơn vào năng lực của mình. Cả Afghanistan và Pakistan đều là đồng minh lớn của Mỹ. Như đã từng làm với Ai Cập và Israel, Nhà Trắng có thể đóng vai trò tương tự trong cầu nối khoảng cách giữa Afghanistan và Pakistan. Bởi lẽ, nói cho cùng, Mỹ cũng không muốn nhìn thấy những thành tựu của 13 năm qua – các cuộc bầu cử, tự do ngôn luận, giải phóng phụ nữ - bị hư hại với bất kỳ sự tiếp quản nào của Taliban ở Kabul. Vì vậy, hãy để “vấn đề Mosul bị thất thủ” về tay người Mỹ. Washington cần phải hành động ngay bây giờ để Afghanistan không trở thành một Iraq thứ hai.

Khả Anh