Từ nhà tù đến đỉnh cao quyền lực

Thứ hai, 16/11/2015 10:45

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều thập kỷ hoạt động và trải qua 15 năm tù giam, bà Aung San Suu Kyi đã sẵn sàng nắm quyền lực. Đảng NLD của bà đã giành được chiến thắng vang dội và đủ khả năng đứng ra thành lập chính phủ. Mặc dù hiến pháp cấm bà giữ chức tổng thống, nhưng bà Suu Kyi vẫn được coi là nhân vật có tiếng nói quyết định một khi NLD thành lập được chính phủ. Một kết cục “từ nhà tù đến đỉnh cao quyền lực” như bà Suu Kyi không phải chuyện hiếm trong lịch sử thế giới.

Nelson Mandela: Người cha của dân tộc

Nelson Mandela là sinh viên chăm chỉ, nhưng bị đuổi khỏi trường đại học năm 1940 vì hoạt động chính trị. Sau đó, ông lãnh đạo Đại hội Dân tộc Phi trong cuộc đấu tranh vũ trang chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, theo đó chỉ có người da trắng mới được bỏ phiếu. Ông bị bắt và bị buộc tội phản quốc vào năm 1956.

Ông trải qua 27 năm trong tù, trong đó có 18 năm trên đảo Robben khét tiếng của Nam Phi. Thị lực của ông bị suy giảm khi ở trong tù và ông mắc bệnh lao. Được trả tự do vào năm 1990, ông đoạt Giải Nobel Hòa bình và trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994. Ông Mandela nghỉ hưu vào năm 1999 và qua đời vào năm 2013, ở tuổi 95.

Gandhi: “Không bao giờ bỏ tù được tâm trí của tôi”

Mohandas Gandhi, được gọi là Mahatma (“linh hồn vĩ đại”), là một nhà vận động chiến đấu cho nền độc lập Ấn Độ, đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của Anh và đấu tranh cho quyền của người nghèo. Ông bị Anh bắt nhiều lần, vợ của ông đã chết trong tù một thời gian ngắn trước khi ông được thả. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi Ấn Độ độc lập, ông bị một kẻ cực đoan theo đạo Hindu ám sát. Hàng triệu người đã xếp hàng khóc thương đưa tiễn nhà lãnh đạo vĩ đại, một nhân vật đấu tranh vì hòa bình.

Cory Aquino: Sức mạnh nhân dân

Bà Maria Cojuangco (Cory Aquino) sinh ra trong gia đình giàu có ở Philippines và kết hôn với chính trị gia đầy quyền lực, Benigno Aquino. Tuy nhiên, ông Benigno bị giam vào năm 1973 sau khi tổng thống Marcos tuyên bố thiết quân luật, và bị ám sát khi đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống 10 năm sau đó. Bà Cory Aquino lãnh đạo hơn 1 triệu người biểu tình trong đám tang của chồng và kêu gọi Tổng thống Marcos từ chức. Đoàn kết phe đối lập, bà thành lập phong trào biểu tình ôn hòa có tên “Sức mạnh nhân dân” và chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm vào năm 1986. Bà từ chức năm 1992.

Benazir Bhutto: “Tôi không sợ chết”

Cha của bà Benazir Bhutto là Tổng thống Zulfikar Ali Bhutto –người bị xử tử năm 1979 sau đảo chính. Bà Bhutto bị bỏ tù 5 năm sau cái chết của cha. Ra tù để chữa bệnh, bà Bhutto bắt đầu chiến dịch từ London chống lại chính phủ quân sự của tướng Zia. Năm 1988, bà trở thành thủ tướng (1988-1990 và 1993-1996) sau khi tướng Zia thiệt mạng trong vụ nổ trên máy bay. Sau đó bà bị tổng thống sa thải với cáo buộc tham nhũng. Bà trải qua 8 năm sống lưu vong, nhưng trở lại Pakistan vào năm 2007 sau khi tướng Pervez Musharraf ban hành lệnh ân xá. Tuy nhiên, khi trở về Pakistan, bà bị ám sát trong một vụ đánh bom.

An Bình
(Theo BBC)