"Từ sông Hàn đến Hlaing"
(Cadn.com.vn) - “Từ sông Hàn đến Hlaing” là tập du ký của nhà báo Trương Điện Thắng, do NXB Đà Nẵng vừa ấn hành vào những ngày đầu năm 2014, gồm nhiều bài viết chọn lọc về Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), từ những chuyến đi thực tế mà tác giả trải nghiệm suốt nhiều năm qua. Tác giả ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại những nơi có dịp đi qua. Theo đó, đây không chỉ là một tiểu vùng còn nghèo khó và cách biệt thuộc ASEAN, mà còn là vùng đất chứa khá nhiều di sản chiến tranh và văn hóa.
Điển hình ở bài “Bốn ngàn cây số quanh Đông Dương”, tác giả phản ánh chuyến đi một tuần lễ với hành trình gần 4.000 cây số, băng qua các nước Đông Dương và Thái Lan mà giờ đây, những con đường, những vùng biên không còn tiếng súng, nhường chỗ cho những nụ cười thân thiện và các đoàn xe rầm rập hàng hóa giao thương. Bài viết “Khai thông Hành lang kinh tế Đông – Tây”, tác giả ghi chép khá chi tiết về sự kiện cầu Hữu Nghị số 2 nối tỉnh Mukdahan (Thái Lan) và Savannkhets (Lào) chính thức khai thông vào ngày 20-12-1996, nối liền toàn bộ EWEC từ Myanmar đến cảng Đà Nẵng hoàn toàn thông tuyến. Trong “Người Việt trên Hành lang kinh tế Đông–Tây”, tác giả dẫn chứng nhiều tài liệu cho thấy nguồn gốc về sự hình thành của cộng đồng người Việt ở Lào, Thái Lan, Campuchia... đã có nhiều hoạt động giúp ích cho đất nước sở tại...
Bìa sách “Từ sông Hàn đến Hlaing”. |
“Đến Bangkok bằng... xe đò” kể lại những lần đến Bangkok theo cách “du lịch ba lô”. “Miền đất của những ngôi chùa dát vàng” viết về hành trình từ tuyến đường Liên Á A3, nối từ Đà Nẵng ở phía đông đến Yangon (Myanmar) bên bờ Ấn Độ Dương dài 1.737 km. Đây là một hành trình tuyệt vời với những tour du lịch Caravan. Đặc biệt, cũng là một hành trình đến thăm những ngôi chùa gỗ, dát vàng cổ kính. “Từ sông Hàn đến Hlaing” là bài viết được tác giả chọn làm chủ đề cho tập sách. Tác giả viết: “Nếu Đà Nẵng bên sông Hàn là cửa ngõ huyết mạch miền Trung Việt Nam thì dòng sông Hlaing còn có tên là sông Yangon. Một cửa ngõ mang tính yết hầu về kinh tế, hàng hải của đất nước Myanmar...”. Một cách rất tình cờ, tác giả phát hiện ra hai con sông có khá nhiều điểm giống nhau. Do vậy, có thể nói khát vọng của người dân, của người anh em ở các miền đất kéo dài từ sông Hàn, qua Lào, Thái Lan bên dòng Mekong và Yangon bên bờ Hlaing trên Hành lang kinh tế Đông–Tây cũng là khát vọng hòa bình, hợp tác, giao lưu và thông hiểu lẫn nhau.
Trần Trung Sáng
Con sông chạy vòng quanh qua những địa danh địa vực, những vùng quê nghèo khó. Nó cũng chạy qua những khúc quanh lịch sử đau thương và kiên cường của xứ sở, chạy qua những phận đời từ sơ thủy đến hôm nay. Cũng như một Kim Đình đã trở thành kỷ niệm! Cũng như dòng sông Hlaing của xứ sở Myanmar và bao miền đất khác bên dòng Mekong, sau bao đau thương, gian khó đã lại về với nụ cười hoan lạc! Tôi hy vọng “Từ sông Hàn đến Hlaing” cũng sẽ mang đến niềm vui như vậy. (Trương Điện Thắng) |